Tăng cao kỷ lục
Theo báo cáo của Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), tình trạng ấm lên toàn cầu do con người gây ra, nhất là thông qua các hoạt động sản xuất điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giao thông, sản xuất xi măng hoặc phá rừng, là động cơ chính khiến nồng độ CO2 trong không khí tăng lên mức cao kỷ lục. Trong tháng 5-2022, nồng độ chất ô nhiễm trong bầu khí quyển đã vượt ngưỡng 420ppm. Năm 2021, chỉ số này là 419ppm, năm 2020 là 417ppm.
Theo NOAA, thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp, nồng độ CO2 trong khí quyển duy trì ổn định ở mức 280ppm trong khoảng gần 6.000 năm tính đến giai đoạn công nghiệp hóa. Nồng độ CO2 ngày nay tương ứng với những mức ghi nhận được trong khoảng từ 4,1-4,5 triệu năm trước khi nồng độ CO2 ở mức gần hoặc trên 400ppm. Vào thời điểm đó, mực nước biển cũng cao hơn từ 5-25cm so với ngày nay, đủ cao để nhấn chìm nhiều thành phố lớn.
Tình trạng ấm lên toàn cầu đến nay đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như những đợt sóng nhiệt, hạn hán, cháy rừng và lũ lụt chưa từng thấy. Nhà khoa học Pieter Tans, từ Trạm quan sát toàn cầu, cho rằng, nồng độ CO2 trong khí quyển đang ở những mức cao chưa từng thấy nhưng lại không phải là điều mới mẻ. Bởi qua nghiên cứu, con người đã hiểu được từ hàng trăm năm nay rằng điều này sẽ xảy ra nhưng lại chưa có hành động đủ quyết liệt để ngăn chặn.
Đầu tháng 5 vừa qua, tạp chí The Lancet đã công bố nghiên cứu cho thấy, có đến 9 triệu người chết vì ô nhiễm mỗi năm, nhiều hơn cả số người chết vì bệnh tật, khủng bố và chiến tranh. Trong khi đó, theo các nghiên cứu dịch tễ học, bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi và bệnh tiểu đường thường tương quan chặt chẽ với ô nhiễm, trong đó ô nhiễm không khí là nghiêm trọng nhất. Ô nhiễm không khí (cả ngoài trời và bên trong) là yếu tố rủi ro đầu tiên, chiếm khoảng 75% số ca tử vong. Con số này gia tăng đồng nghĩa với việc lượng khí thải độc hại từ các phương tiện giao thông và việc tạo ra năng lượng ngày càng tăng. Điều đáng chú ý là ngày càng có nhiều bệnh mãn tính và các trường hợp tử vong sớm do hóa chất độc hại, đặc biệt là không khí bị ô nhiễm do chì, lên đến 1,8 triệu ca. Tiếp xúc với bụi mịn và khí NO2 là nguyên nhân tử vong của 6,7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm.
Một vấn đề khác được giới chuyên gia quan tâm, đó là thiệt hại kinh tế liên quan đến tử vong do ô nhiễm. Điều này có thể được đánh giá qua việc mất đi nguồn nhân lực trong xã hội. Theo báo cáo được Ủy ban về ô nhiễm và sức khỏe của Lancet, thực hiện dựa trên số liệu của năm 2015, thiệt hại kinh tế liên quan đến ô nhiễm vào năm 2015 tương đương với 6,2% GDP thế giới. Tình trạng không khí ô nhiễm tác động đến kinh tế đặc biệt nghiêm trọng ở các khu vực Đông Á (10,3% GDP) và Thái Bình Dương (9,3% GDP).
Các nhà nghiên cứu kêu gọi tăng cường tài trợ cho việc kiểm soát ô nhiễm từ các chính phủ và các nhà tài trợ, cũng như cần có một cơ quan khoa học độc lập mới để đánh giá vấn đề, theo mô hình của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu. Theo giới quan sát, từ lâu, ô nhiễm chỉ được xem là một vấn đề cần giải quyết ở mức độ địa phương với các quy định quốc gia. Thế nhưng, cũng giống như hiện tượng trái đất nóng lên, ô nhiễm là mối đe dọa toàn cầu và cần một phản ứng quốc tế.