Theo thống kê, một người bình thường có thể hít thở khoảng 20.000 lần mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong nhà, nguy cơ gặp phải các triệu chứng như đau đầu, kích ứng mắt, dị ứng, mệt mỏi tăng cao. Lâu dài, điều này có thể dẫn đến các bệnh về đường hô hấp như viêm xoang, viêm phế quản hay viêm phổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí trong nhà là nguyên nhân gây ra khoảng 3,2 triệu ca tử vong mỗi năm, trong đó có hơn 237.000 trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng cây xanh có khả năng hấp thụ bụi và các chất độc hại như formaldehyde, benzen, toluene... Đặc biệt, trong môi trường kín và ít thông gió, cây cảnh không chỉ giúp lọc sạch không khí mà còn giúp tăng độ ẩm và giảm nhiệt độ trong phòng.
Dưới đây là danh sách một số loại cây cảnh có tác dụng thanh lọc không khí hiệu quả trong nhà. Tuy nhiên, trước khi lựa chọn trồng cây cảnh, các gia đình cần cân nhắc liệu loại cây đó có gây hại cho trẻ nhỏ, người bị dị ứng hoặc vật nuôi hay không. Ngoài ra, việc trồng nhiều cây có thể làm tăng độ ẩm trong nhà, tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển. Do đó, cần thường xuyên kiểm soát độ ẩm và đổ bỏ nước thừa trong khay hứng để tránh các tác động tiêu cực.
Nha đam
Cây nha đam (lô hội) được biết đến với khả năng thanh lọc không khí, đặc biệt là loại bỏ các chất độc hại như benzen và formaldehyde. Đây là những chất có thể phát sinh từ các vật liệu gỗ, ván ép, vật liệu cách nhiệt, sơn, giấy dán tường, sản phẩm tẩy rửa gia dụng, khói thuốc lá hay keo dán – những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư. Ngoài ra, nha đam còn hấp thụ carbon dioxide (CO2) và carbon monoxide (CO) vào ban đêm, đồng thời thải ra oxy, giúp cải thiện không khí trong phòng ngủ.
Điểm đặc biệt của cây nha đam là khả năng "cảnh báo" mức độ ô nhiễm không khí. Khi xuất hiện các đốm nâu trên thân cây, điều này có nghĩa là không khí trong khu vực đó đang bị ô nhiễm nặng. Cây nha đam có thể trở thành một chỉ báo tự nhiên giúp người sử dụng theo dõi chất lượng không khí trong nhà.
Cây cọ lá tre
Cây cọ lá tre được coi là một trong những loại cây hiệu quả trong việc lọc bụi và các chất độc hại trong không gian kín. Không chỉ vậy, loại cây này còn giúp duy trì độ ẩm tự nhiên cho không khí, với khả năng tạo ra khoảng một lít nước mỗi ngày thông qua quá trình trao đổi hơi nước.
Chuyên gia khuyến nghị, đối với không gian gia đình có diện tích khoảng 185 m², nên trồng từ 15-20 cây cọ lá tre, mỗi cây sử dụng chậu có đường kính trên 15 cm² và bố trí thành từng cụm tại các góc phòng để đạt hiệu quả lọc khí tốt nhất.
Cây thường xuân
Cây thường xuân có khả năng loại bỏ tới hơn 55% các chất độc hại trong không khí, bao gồm formaldehyde, aldehyde formic và benzen. Đồng thời, cây còn giúp hấp thụ bụi và lọc các chất độc từ khói thuốc lá, góp phần cải thiện không gian sống.
Cây vạn niên thanh
Cây vạn niên thanh có khả năng sinh trưởng tốt trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau, đồng thời có tác dụng hấp thụ bụi và lọc sạch không khí. Đặc biệt, loài cây này có thể hút các khí độc hại từ các thiết bị văn phòng như máy tính, máy in, loại bỏ formaldehyde cùng nhiều hợp chất hóa học dễ bay hơi khác.
Cây trầu bà
Cây trầu bà không chỉ nổi bật bởi tính dễ trồng và dễ chăm sóc, mà còn có khả năng hút bụi và lọc không khí hiệu quả, giúp mang lại môi trường sống trong lành.
Cây lưỡi hổ
Cây lưỡi hổ là một trong những loại cây cảnh có khả năng lọc sạch không khí hiệu quả, đặc biệt trong việc loại bỏ các hợp chất độc hại như formaldehyde, xylen, benzen, toluen và trichloroethylene. Đáng chú ý, cây lưỡi hổ có khả năng hấp thụ carbon dioxide (CO2) và thải ra oxy vào ban đêm, khác với quá trình hô hấp thông thường của đa số thực vật. Nhờ vậy, cây giúp cải thiện chất lượng không khí và giúp bạn thở dễ dàng hơn khi ngủ.
Cây dương xỉ
Được mệnh danh là "máy lọc không khí tự nhiên", cây dương xỉ có khả năng loại bỏ formaldehyde và một số kim loại nặng nguy hiểm như asen và thủy ngân. Ngoài ra, loài cây này còn giúp cân bằng độ ẩm trong không khí, mang lại không gian sống trong lành và dễ chịu hơn.
Mẹo cải thiện chất lượng không khí trong nhà
1. Mở cửa sổ và tạo sự lưu thông không khí vào thời điểm thích hợp
Việc đóng kín cửa giúp hạn chế bụi bẩn từ bên ngoài, nhưng đồng thời cũng khiến không gian bên trong trở nên ngột ngạt do không khí không được luân chuyển. Khi không có sự trao đổi không khí, vi khuẩn và nấm mốc có thể tích tụ và phát triển theo thời gian. Vì thế, hãy mở cửa sổ mỗi ngày và sử dụng quạt thông gió để thanh lọc không khí, loại bỏ các mùi hôi, mốc khó chịu. Thời điểm tốt nhất để đón luồng không khí trong lành là vào sáng sớm và buổi tối, khi không khí mát mẻ và ít khói bụi đường phố.
2. Loại bỏ các yếu tố gây bụi
Nguồn gốc bụi không chỉ đến từ bên ngoài mà còn xuất phát từ bên trong ngôi nhà, như lông thú cưng, sợi tóc, sợi vải, hay các hạt bụi li ti từ thảm. Để không khí luôn sạch, cần dọn dẹp các đồ vật cũ, kiểm tra và làm sạch những khu vực dễ bám bụi như thiết bị điện tử, sofa, rèm cửa và đồ trưng bày. Hút bụi ít nhất một lần mỗi tuần cũng là cách hiệu quả để loại bỏ bụi bẩn, giữ cho không gian sống luôn sạch sẽ.
3. Sử dụng máy lọc không khí
Máy lọc không khí có khả năng loại bỏ các tác nhân gây ô nhiễm như bụi, phấn hoa, lông thú cưng, nấm mốc, vi khuẩn, virus, khói thuốc lá và các hợp chất hữu cơ bay hơi (VOCs). Thiết bị này giúp cải thiện đáng kể chất lượng không khí trong nhà, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp và các vấn đề sức khỏe khác. Hãy bật máy từ 4 đến 8 tiếng mỗi ngày và vệ sinh màng lọc hàng tháng để duy trì hiệu quả hoạt động.
Ngoài ra, đừng quên vệ sinh màng lọc máy lạnh định kỳ từ 2 đến 3 tháng một lần để tiết kiệm năng lượng và bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.