Lúc 7h sáng nay 6/11, hệ thống quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận tại điểm đo 556 Nguyễn Văn Cừ, chỉ số AQI lên tới 210.
Hệ thống quan trắc của Đại sứ quán Mỹ cũng ghi nhận chỉ số AQI lúc 6h lên tới 262 rất có hại cho sức khỏe. Hệ thống quan trắc PAMAir cũng cho thấy hơn 60 điểm đo ở Hà Nội đều ở ngưỡng đỏ (AQI từ 150-200) và tím (AQI từ 200-300).
Theo bảng phân cấp chỉ số AQI Mỹ , AQI từ 200-300 thuộc nhóm rất xấu, tất cả mọi người có thể gặp tác động nghiêm trọng do ô nhiễm không khí, nhóm nhạy cảm như người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp nên ở trong nhà, nhóm khác nên hạn chế ra ngoài.
Theo bảng phân cấp chỉ số AQI ở Úc, AQI chỉ trên 150 thuộc nhóm rất kém, tất cả mọi người chịu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí.
Nguyên nhân của đợt ô nhiễm này, được các chuyên gia nhận định, có thể liên quan đến hiện tượng nghịch nhiệt vào mùa đông khiến không khí không khuếch tán được, giống như đợt ô nhiễm không khí kéo dài, cực kỳ nghiêm trọng cuối tháng 9 vừa qua.
Hệ thống PAMAir ghi nhận ô nhiễm không khí ở Hà Nội vào sáng 6/11.
Theo ông Lê Thanh Hải, Tổng thư ký Hội khí tượng thủy văn Việt Nam, trong điều kiện trời gió lặng, quang mây, ở tầng khí quyển từ 300-1000m thường hình thành một lớp sương mù tầng thấp, ngăn không cho lớp không khí ở dưới xáo trộn khiến chất ô nhiễm không khuếch tán mà đọng lại ở sát mặt đất.
Lớp sương mù này hình thành vào đêm và buổi sáng, tan đi vào buổi chiều. Vì vậy ô nhiễm không khí nghiêm trọng diễn ra từ đêm đến sáng, buổi chiều được cải thiện.
Trước đó, các chuyên gia cũng cảnh báo, mùa Đông ở Việt Nam ô nhiễm hơn nhiều mùa hè do hiện tượng nghịch nhiệt thường xuyên xảy ra hơn.
Bà Nguyễn Thị Anh Thư, đại diện Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID), chia sẻ, theo dõi trong 3 năm qua, chất lượng không khí Hà Nội vào mùa đông có mức độ ô nhiễm cao hơn mùa hè và mức độ khác biệt khá lớn.
Năm 2019 những ngày ô nhiễm nhất tập trung vào cuối tháng 1, có ngày chỉ số AQI lên tới gần 300, chạm ngưỡng nguy hại, ngưỡng cao nhất trong ô nhiễm không khí, mọi người được khuyến cáo nên ở trong nhà.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên cập nhật thông tin chất lượng không khí hàng ngày tại các ứng dụng quan trắc như PAMAir, cem.gov.vn. Những ngày ô nhiễm lên ngưỡng đỏ, ngưỡng tím, mọi người nên hạn chế ra ngoài.
Trường hợp ra ngoài cần đeo khẩu trang chống bụi mịn PM2.5-loại bụi mà khẩu trang y tế hay khẩu trang thông thường không thể ngăn được.