Vẫn tồn tại hàng triệu xe máy quá đát
Theo UBND TP.Hà Nội, ô nhiễm môi trường ở Hà Nội "đang ở mức báo động đỏ". Nguyên nhân có nhiều, trong đó có nguồn ô nhiễm xuất phát từ xe máy, ôtô đã cũ, hết hạn sử dụng.
Phòng Cảnh sát Giao thông - Công an Hà Nội cho biết, TP đang quản lý 6.649.596 phương tiện, trong đó có 739.731 ôtô, 5.761.436 xe máy và xe máy điện là 148.429 chiếc. Trong đó có rất nhiều xe quá niên hạn sử dụng.
Những chiếc xe máy này hàng ngày vẫn xả khí thải ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc thu hồi cũng mất nhiều thời gian và kinh phí.
Đánh giá của Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Nội cho biết, nhằm hạn chế ô nhiễm bụi, không khí, Hà Nội đang triển khai đồng bộ các giải pháp như kế hoạch trồng một triệu cây xanh; thu dọn rác, đầu tư xe quét rác, hút bụi trên đường phố; xử lý xe chở vật liệu xây dựng không che chắn, để rơi vãi vật liệu ra đường…
Một chuyên gia đô thị cho rằng, để hạn chế ô nhiễm, Hà Nội cần đầu tư lắp đặt các trạm rửa xe tự động tại tất cả các cửa ngõ dẫn vào nội đô, yêu cầu các ôtô vào nội thành bắt buộc phải rửa xe, tránh mang bụi vào thành phố.
Bởi lẽ vị này đánh giá, thời gian trước đây, Hà Nội cũng đã thiết lập một số trạm rửa xe tự động xịt, rửa xe tải chở vật liệu xây dựng vào khu vực thành phố như: Trạm rửa xe Bến Bạc (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm), trạm rửa xe ở Chèm 1 và Chèm 2 (Thụy Phương, Bắc Từ Liêm), trạm rửa xe ở khu vực xã Tây Tựu (Bắc Từ Liêm)…
Tuy nhiên, hiệu quả các trạm rửa xe này không cao, nhiều xe vẫn trốn trạm rửa…do lực lượng chức năng thiếu kiểm tra, xử lý.
Cần duy trì việc rửa đường
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, mỗi năm trung bình thành phố mất khoảng 70 tỉ đồng cho việc tưới nước rửa đường. Để tiết kiệm số tiền này, Hà Nội đã nhập hơn 100 xe hút bụi, quét rác từ Đức.
Theo đó, mỗi chiếc xe này có giá 1 tỉ đồng, hút được khoảng 1,5m3 bụi, rác mỗi ngày. Tiếp đến, mỗi xe làm bằng 12 người công nhân. Đặc biệt, mỗi năm Hà Nội không phải mất 70 tỉ đồng tưới nước, rửa đường.
Tuy nhiên, qua ghi nhận của chúng tôi, số xe này hoạt động chưa hiệu quả, thậm chí gây bụi và ô nhiễm hơn. Bởi lẽ xe chỉ chạy lòng vòng dưới hai mép đường, khi đầy thì xe nhả rác ra đằng sau. Ngoài ra, trên hè phố nhiều gốc cây, nhiều ngóc ngách thì xe hút bụi, hút rác này không hoạt động được.
Trao đổi với chúng tôi ngày 3.10, lãnh đạo Cty Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, Quyết định của Bộ Xây dựng hiện vẫn có hạng mục rửa đường và các tỉnh, thành phố khác vẫn duy trì công việc này. Tuy nhiên, Hà Nội đã dừng việc rửa đường từ năm 2017.
"Nếu duy trì việc rửa đường thì Cty mỗi ngày sử dụng khoảng 1.000m3 nước, rửa đường 1 lần vào ban đêm. Đối với các tuyến chính mà có yêu cầu của TP sẽ thực hiện thêm một lần vào buổi trưa" - vị này thông tin.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để hạn chế tình trạng bụi, cần tăng tần suất quét hút bụi trên địa bàn, nhất là thực hiện rửa đường bằng ô tô chuyên dụng (áp lực cao) vào ban đêm. Có vậy, môi trường thủ đô mới thực sự xanh - sạch - đẹp.
Đánh giá của Bộ Y tế mới đây cho thấy, trung bình mỗi năm có hàng chục ngàn người mắc các bệnh liên quan đến hô hấp do chất lượng không khí.
Số người mắc các bệnh hô hấp chiếm 3-4% tổng dân số và tăng cao theo từng năm, đặc biệt là ở các thành phố như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.