Mỗi khi xảy ra hỏa hoạn, người Việt thường cảm thấy sợ hãi trước "bà hỏa" mà ít có khả năng, tư thế chủ động phòng chống và cũng ít được trang bị những kỹ năng sơ cứu, cứu nạn cơ bản.
Điều này trái ngược tại Nhật, nơi trẻ em ngay từ khi biết bò đã được giáo dục để làm quen với thảm họa.
Đám cháy dữ dội trên đường Trần Thái Tông chiều ngày 1/11 xảy ra trùng hợp với thời điểm tôi nhận được tin nhắn của cô giáo nhờ tới phiên dịch cho buổi học về phòng cháy chữa cháy cho các tu nghiệp sinh Việt Nam mới sang Nhật.
Đây là hoạt động quan trọng trong khóa học một tháng nhằm đào tạo những kiến thức tối thiểu để tu nghiệp sinh nước ngoài nhanh chóng bắt nhịp với cuộc sống và công việc tại Nhật.
Chỉ trong vòng một tháng đào tạo ngắn ngủi, một trong những nội dung quan trọng nhất mà người Nhật muốn truyền đạt tới người nước ngoài, ngoài các quy tắc của cuộc sống, phân loại rác, tuân thủ pháp luật sở tại chính là việc đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng thông qua các hiểu biết về phòng cháy chữa cháy.
Tại buổi học, họ sẽ được học nguyên nhân dẫn tới cháy, các nguy cơ cháy nổ tại từng địa điểm, hành động khi xảy ra cháy - phương thức lánh nạn - do đích thân người của sở phòng cháy chữa cháy thành phố tới hướng dẫn, với video minh họa và thực hành vô cùng cụ thể.
Đáng chú ý, 2/3 nội dung bài giảng liên quan tới phòng cháy: ý thức bảo vệ sự an toàn khỏi cháy nổ là quan trọng nhất. 1/3 còn lại mới là chữa cháy và lánh nạn.
Giáo dục phòng cháy chữa cháy ở mọi lứa tuổi
Thực ra không phải chỉ với người nước ngoài, những người chưa quen thuộc hẳn với các luật lệ ở xứ người mới được đào tạo những điều cơ bản này, mà nội dung phòng cháy chữa cháy ở Nhật là một trong những nội dung giáo dục quan trọng nhất để mỗi cá nhân bảo vệ tính mạng của mình, an toàn của cộng đồng và tài sản chung của xã hội.
Trên youtube, có thể dễ dàng tìm thấy những clip trẻ em Nhật khi còn đang bò đã được làm quen với hiệu lệnh báo hỏa hoạn và lánh nạn.
Ngay trong sách kinder book cho trẻ mẫu giáo, nội dung lánh nạn khi có thiên tai, hiểm họa cũng được đưa vào giảng dạy: các bé tuân theo chỉ thị của người lớn ra sao, hành động, di chuyển như thế nào...
Sách kinder book cho trẻ mẫu giáo Nhật hướng dẫn các bé kỹ năng lánh nạn cơ bản:
Giữ trật tự để nghe mệnh lệnh từ người lớn. Tuyệt đối không trở lại nơi nguy hiểm. Khi chỉ có một mình, hãy gọi sự trợ giúp từ người lớn. Ba mẹ hãy cùng bé thảo luận khi có thảm họa thì trong gia đình sẽ làm gì?
Trong quá trình lánh nạn bé không chen lấn xô đẩy. Không chạy nhanh tránh vấp ngã hoặc làm các bạn ngã theo, có thể gây ra thương tích.
Tuyệt đối nghe theo hiệu lệnh của thầy cô khi lánh nạn bên ngoài.
Nội dung giáo dục này được lặp đi lặp lại và diễn tập từ khi người Nhật còn là trẻ em tới khi trở thành người trưởng thành đi làm trong các cơ quan công sở theo mỗi năm.
Cá biệt, tại các cấp học phổ thông, nội dung phòng chống hiểm họa được thực hành nhiều lần trong năm, với nhiều trường hợp cụ thể.
Ngay cả nước ngoài như chúng tôi, ngoài hoạt động tập huấn thường niên tại công ty của mình, còn thường xuyên được các hiệp hội liên kết với người nước ngoài của thành phố mời tới dạy phòng cháy chữa cháy và tuân thủ luật giao thông.
Triết lý về phòng cháy chữa cháy của người Nhật rất đơn giản nhưng không kém phần quan trọng: Mỗi cá nhân trong hoạn nạn sẽ trở thành những người chủ động bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Mỗi em bé Nhật là một người hùng
Mặc dù được hướng dẫn TUYỆT ĐỐI TRÁNH XA nơi nguy hiểm, dành việc cứu hộ cho lực lượng chuyên nghiệp, nhưng trẻ em Nhật cũng được giáo dục để được coi như là người hùng bảo vệ cho chính bản thân và những người xung quanh.
Mọi nội dung huấn luyện đều được hướng tới mục tiêu: ĐỂ CÁC EM KHÔNG CHỈ BẢO VỆ ĐƯỢC BẢN THÂN MÀ CÒN LÀ LỰC LƯỢNG HỖ TRỢ GIÚP ĐỠ NHỮNG NGƯỜI KHÁC VÀ PHỐI HỢP CHẶT CHẼ VỚI CỘNG ĐỒNG TRONG THẢM HỌA.
Ngay từ mẫu giáo, các em đã được thực hành nhiều lần khi xảy ra hỏa hoạn.
Giáo dục cứu nạn tại các trường học của Nhật không chỉ từ lực lượng phòng cháy chữa cháy nhà nước, mà còn có sự phối hợp của nhiều cơ sở như các trường fireman cho trẻ em, các lớp hướng nghiệp, cộng đồng thành phố, các tổ chức vì trẻ em....
Thông qua các bài học, các trường hợp cứu nạn cụ thể, sinh động, trẻ em Nhật được dạy để không chỉ đồng thuận hành động mà còn phát triển khả năng phán đoán, xử lý tình huống.
Bên cạnh tính nghiêm túc, khẩn trương của các đợt tập huấn, các em bé vẫn duy trì được sự hào hứng nhờ sự gần gũi của lực lượng cứu hộ, và fireman được coi là nghề nghiệp mơ ước của nhiều bé trai.
Nội dung tập huấn về phòng chống hỏa hoạn và cứu nạn được phân chia rất cụ thể theo từng cấp học, tương ứng với sự linh hoạt và khả năng của mỗi độ tuổi.
Ở cấp học mẫu giáo, các em bé được chú trọng giáo dục để đạt các mục tiêu:
1. Có thể cảm nhận được nỗi sợ hãi khi xảy ra hỏa hoạn và động đất.
2. Học để bảo vệ mình khỏi thiên tai như thông qua tập sơ tán.
3. Trong trường hợp có thảm họa xảy ra, tuyệt đối không rời khỏi người lớn xung quanh, có thể cùng nhau hành động phù hợp với hướng dẫn của người chịu trách nhiệm.
Ở cấp tiểu học, các bé cần được dạy để đạt được các mục tiêu:
1. Lo ngại với khả năng xảy ra thảm họa.
2. Sẵn sàng chuẩn bị cho thảm họa.
3. Trong trường hợp có thiên tai xảy ra, có thể hành động một cách thích hợp theo hướng dẫn của người lớn xung quanh.
Khi lên tiểu học, các bé tiếp tục được thực hành thường xuyên.
Tới cấp học trung học, các em bé sẽ được giáo dục kỹ hơn để:
1. Nhận biết và hiểu được cơ chế, nguyên nhân xảy ra thiên tai, thảm họa.
2. Ngay cả khi không có sự hướng dẫn của người lớn, có thể bằng suy nghĩ, phán đoán mà hành động đảm bảo an toàn.
3. Cảm nhận được các trường hợp nguy hiểm.
4. Hiểu biết và thực hành các kỹ năng cơ bản trong việc dập lửa, sơ cứu, cứu thương.
5. Phối hợp với những người xung quanh trong trường hợp xảy ra thảm họa.
6. Ngoài các trong trường hợp có thảm họa, có thể bảo vệ an ninh của gia đình mình, giúp đỡ người cao tuổi, trẻ nhỏ và những người dân khác trong khu vực.
Không chỉ được dạy cách sơ tán an toàn mà trẻ em Nhật còn được hướng dẫn cụ thể cách sử dụng bình cứu hỏa cũng như cách xử lý các tình huống cháy nổ.
Sau thảm họa động đất 11/3, nước Nhật ngày càng nhận thức hơn được tầm quan trọng của việc huấn luyện cứu nạn, sau khi những nỗ lực kiên trì trong việc giáo dục cứu nạn đã đạt thành quả nhất định: xã hội vẫn giữ được trật tự và ổn định sau thảm họa nhờ sự đồng thuận và phối hợp nhất quán của mỗi cá nhân dựa trên hiểu biết chung.
Từ thực tế này, các em bé Nhật sẽ là người anh hùng của tương lai của xã hội, trở thành những người có ý thức bảo vệ an ninh và phòng chống thiên tai, thảm họa trong khu vực.
Việc trang bị những hiểu biết để bảo vệ chính mình và cộng đồng không chỉ là một nhận thức, nó còn được coi là một thái độ sống quan trọng.
Ngay cả các bậc cha mẹ Nhật Bản cũng ý thức việc xây dựng một nền tảng giáo dục gia đình coi trọng sự an toàn đối với mỗi đứa con của mình.
Những việc cần dạy trẻ khi xảy ra hỏa hoạn:
Khi xuất hiện hỏa hoạn
- Khi có hỏa hoạn dù nhỏ, cố gắng hét to "Có cháy" 2-3 lần để thông báo tới những người xung quanh.
- Nếu có chuông báo cháy, cố gắng nhấn nút khẩn cấp để chuông reo.
- Trong trường hợp lửa nhỏ, mới bén, sử dụng bình cứu hỏa để dập tắt.
- Khi ngọn lửa bén to nằm ngoài tầm kiểm soát, thoát hiểm ngay và gọi điện báo 119.
Sơ tán
- Cố gắng di tản càng sớm càng tốt.
- Di tản trong trật tự, không chạy, không chen chúc dẫm đạp theo các đường thoát hiểm định sẵn.
- Trong trường hợp xuất hiện khói, sử dụng khăn thấm ướp che đường hô hấp và cúi thấp để tận dùng nguồn oxy sạch còn lại đồng thời di chuyển khẩn cấp khỏi nơi nguy hiểm.
- Tuyệt đối không quay trở lại nơi đang cháy với bất cứ lý do gì.
- Không sử dụng thang máy trong quá trình sơ tán.
- Liên lạc với 119.