Giai đoạn gần đây, hầu hết mọi người đều trong trạng thái ở nhà.
Có người tận dụng quãng thời gian này để học tập, học thêm các kĩ năng nấu nướng mới, học thêm động tác nhảy mới, hay cầm bút lên vẽ, hoặc học tiếng anh online, chuẩn bị cho kì thi lấy một chứng chỉ nào đó…
Đối với những người biết quý trọng thời gian mà nói, giai đoạn này là giai đoạn "bảo dưỡng" lại bản thân, mỗi ngày đều có có kế hoạch để học tập, công việc để hoàn thành, họ tuyệt đối không vì phải ở nhà mà gục ngã, ngưng trệ bản thân.
Còn đối với những người buông thả, sáng sớm ngủ dậy lướt điện thoại, lướt đọc tin tức tự dưng thấy đau đầu, ăn xong cơm trưa lại tiếp tục lướt, thậm chí cả ngày luôn ở trong trạng thái nằm, đi cũng thấy mệt.
Đợi tới khi đi học hay đi làm lại mới bàng hoàng phát hiện ra, bản thân đã lãng phí biết bao nhiêu thời gian.
Sự khác biệt giữa hai trạng thái cuộc sống trên nằm ở chỗ, có người nắm được phương pháp học tập và làm việc hiệu quả, bất kể môi trường có thay đổi ra sao, họ luôn có thể duy trì được hứng thú với cuộc sống và niềm vui với công việc và học hỏi.
Nhưng có những người không hình thành nên thói quen tốt, vì vậy dễ dàng bị môi trường dắt mũi. Có thầy cô sát sao, có lãnh đạo giám sát, họ mới bắt đầu hành động một cách bị động.
Vậy thì làm sao để dù ở nhà nhưng vẫn duy trì được việc học và làm thật hiệu quả, không để thời gian bị lãng phí?
Con người ai cũng có tâm lý đám đông, đây là điểm bắt buộc phải thừa nhận.
Chẳng hạn như việc bạn đi xem một buổi hòa nhạc của thần tượng, mọi người xung quanh hò hét, vỗ tay, dù bình thường bạn có trầm ổn tới đâu thì khi ở trong môi trường này bạn cũng sẽ cảm thấy rất hưng phấn mà vỗ tay hò hét theo.
Đó là bởi vì quan niệm và hành vi của một người rất dễ chịu ảnh hưởng từ đám đông, từ đó lựa chọn hòa vào làm một với họ.
Vì sao lúc ở trường, ngồi trong phòng học, thư viện hay ở công ty, ngồi trong văn phòng, lại học và làm việc rất vào, nhưng ở nhà vì sao lại không muốn đọc sách, không muốn mở máy ra làm việc? Đó là bởi môi trường đang tác oai tác quái.
Bởi khi bạn ở trường, ở nơi làm việc, mọi người xung quanh bạn đều đang học, đang làm việc, ở trong môi trường như vậy, liệu bạn có an tâm mà ở đó lướt mạng, cày phim hay chơi điện tử không?
Nhưng ở nhà thì lại khác. Hàng ngày phải đối mặt với người thân, trạng thái của mọi người đều là thả lỏng, không lướt điện thoại thì cũng là xem tivi, nghe nhạc… ở trong môi trường này, bạn có chắc là mình không bị ảnh hưởng?
Ở trong điều kiện này, nếu muốn duy trì được trạng thái học tập hay làm việc, quả thực rất khó.
Tuy nhiên, khó, nhưng không phải không có cách giải quyết, dưới đây là một vài gợi ý nho nhỏ dành cho các bạn, những người đang phải học tập và làm việc tại nhà.
1. Mô phỏng môi trường học tập và làm việc, đặt ra sự thống nhất về mặt thời gian
Nếu phải học tập hay làm việc ở nhà, trước tiên hãy tìm cho mình một căn phòng độc lập, đóng cửa lại.
Sau đó giao hẹn thời gian với mọi người trong nhà, chẳng hạn buổi sáng từ 9h tới 11h30, buổi chiều từ 2h tới 6h, trong hai khoảng thời gian này tuyệt đối không ai được làm phiền, tự mình tạo ra môi trường yên tĩnh giúp nâng cao khả năng tập trung.
Thức dậy như khi còn đi làm hay đi học, sau khi ngủ dậy thay bộ đồ ngủ, khoác lên mình bộ trang phục như mọi ngày.
Tuyệt đối không được có kiểu không có việc gì liền nằm kềnh ra giường, ra sofa, hãy thật nghiêm túc ngồi trước bàn học hay bàn làm việc.
Nếu đã mô phỏng bản thân vào trạng thái làm việc hoặc học tập bình thường, vậy thì đừng lấy trạng thái buông thả ra để chống đối.
2. Tìm một người bạn đồng hành, mọi người cùng giám sát lẫn nhau
Tôi biết là luôn sẽ có những người không kiên trì được lâu dài, bởi lẽ khi học tập hay làm việc luôn chỉ có một mình sẽ rất cô đơn, không có ai nói chuyện, không có ai chia sẻ tin tức, thiếu đi rất nhiều niềm vui.
Những lúc như này, hãy tìm một vài người bạn hoặc đồng nghiệp thương lượng một chút, cùng nhau lập nên nhóm đọc sách, nhóm học tiếng anh, nhóm làm việc hay thậm chí cả nhóm thể dục thể thao, đều được.
Bạn muốn học, muốn làm ra sao, hãy tìm theo phương hướng đó.
Tích cực tham gia hoặc đề xuất, khởi động các buổi họp, trao đổi, làm việc trực tuyến, đây cũng là một cách giúp nâng cao tinh thần tự giác một cách hiệu quả.
3. Tự tìm cách khích lệ bản thân
Trong các phương pháp khích lệ bản thân, có một phương pháp rất hiệu quả, chính là tận dụng "hiệu ứng phản hồi", thông qua thành quả thúc đẩy hiệu suất làm việc.
"Hiệu ứng phản hồi" là một khái niệm khá nổi tiếng của tâm lý học, được đúc kết từ một thí nghiệm được tiến hành bởi các nhà tâm lý học C.C. Rossi và L.K. Henry.
Kết quả thí nghiệm cho thấy rằng việc kịp thời nhận biết thành quả của bản thân có ảnh hưởng rất quan trọng tới sự tiến bộ của một người.
Vì vậy, thiết lập một số phản hồi nhỏ và cơ chế khen thưởng cho chính mình là một phương pháp rất hữu hiệu.
Nếu bạn hoàn thành tất cả các nhiệm vụ trong ngày đúng hạn, bạn có thể tự thưởng cho mình một phần thưởng.
Phần thưởng này có thể là một món tráng miệng, xem phim hoặc mua một món đồ mà mình yêu thích bấy lâu nay sau khi dịch bệnh kết thúc.
Bằng cách này, chỉ cần bạn làm việc chăm chỉ, bạn sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng, và bạn sẽ cảm thấy bất ngờ khi mình liên tục tiến bộ.
4. Bắt đầu từ những phương pháp đơn giản, rèn luyện khả năng tập trung
Vì ở nhà một khoảng thời gian khá dài, rất dễ xảy ra hiện tượng mất tập trung, khi mới bắt đầu mà đã yêu cầu bản thân phải làm hết công việc này, phải làm việc liên tục trong ngần này tiếng thì sẽ rất khó thực hiện, có thể từng bước từng bước thúc đẩy.
Trước tiên hãy để bản thân duy trì khả năng tập trung nửa tiếng đồng hồ. Bất luận là đọc sách hay làm việc, trước tiên hãy đặt ra cho mình thời gian, nửa tiếng sau hãy đứng dậy đi uống trà, cà phê, vận động nhẹ hoặc nghe nhạc.
Kiến nghị các bạn hãy cài cho mình ứng dụng quản lý thời gian Pomodoro trên điện thoại di động.
Chia nhỏ các nhiệm vụ cần hoàn thành ra, chia thời gian thành nhiều "miếng" nhỏ, cứ như vậy mỗi khi hoàn thành một nhiệm vụ nào đó, bạn có thể nghỉ ngơi một lúc, tránh tình trạng giai đoạn đầu thì hết mình, giai đoạn sau chán nản rồi bỏ cuộc giữa chừng.
Sự kết hợp giữa công việc và nghỉ ngơi này đòi hỏi một điều kiện tiên quyết, đó là lập ra một lịch trình hàng ngày, phân chia và đánh dấu rõ ràng những gì cần phải làm trong từng khoảng thời gian, làm vậy giúp tiết kiệm thời gian, tránh việc cứ phải suy nghĩ lại xem cần phải làm những gì.
Lúc làm là phải ra làm, làm thật nghiêm túc, lúc chơi cũng phải thật hết mình. Khi làm việc, hãy đầu tư 100% vào đó, lúc nghỉ ngơi thì hãy thư giãn hết mình, không nghĩ tới công việc, có như vậy mới giúp tăng được hiệu quả làm việc.
5. Tìm việc gì đó bạn thích làm để điều tiết
Học tập và làm việc tốn nhiều công sức hơn chơi game hay cày phim, bạn rất dễ cảm thấy mệt mỏi sau một thời gian dài, trong trường hợp này, bạn cũng có thể tìm thứ gì đó mà mình thích làm để điều tiết và cân bằng lại.
Chẳng hạn như lúc nghỉ ngơi có thể làm một ván Candy Crush, Warframe, không vấn đề gì, tuy nhiên nhất định phải đặt thời gian, đến giờ rồi lập tức phải bỏ điện thoại xuống.
Karl Newport, tiến sĩ khoa học máy tính của Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ từng chỉ ra rằng: hiệu suất công việc cao = mức độ tập trung x thời gian.
Những khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn sẽ giúp duy trì sự tập trung tốt hơn, và có như vậy mới có thể đạt được hiệu quả 100% dù chỉ bỏ ra 50% sức lực.
Thời gian là công bằng cho tất cả mọi người. Học cách sắp xếp thời gian hợp lý, duy trì làm việc và sinh hoạt hiệu quả là những kỹ năng chúng ta cần thực hành trong suốt cuộc đời, vì vậy, hãy bắt đầu ngay từ ngày hôm nay!