1. Chọn lựa và học những kiến thức bạn cần
Khi muốn cải thiện kỹ năng của mình trong lĩnh vực nào đó, chúng ta vẫn thường tra những nguồn tài liệu và khóa học trên Internet. Tuy nhiên, việc chọn ra được một nguồn học tập hữu hiệu lại chẳng dễ dàng, những nội dung hiện ra thường là những điều bạn đã biết hoặc chẳng cần tới. Và bạn sẽ dễ "bị lạc" trong kho tri thức mở khổng lồ ấy.
Đó là lý do tại sao việc tiếp cận và làm quen với nguồn tài liệu bạn thực sự cần lại đóng vai trò quan trọng đến vậy. Ngoài ra, việc xác định rõ ràng nhất có thể sẽ giúp bạn loại bỏ được những thông tin không cần thiết.
Ví dụ, nếu bạn muốn tập viết lách thì hãy xác định cụ thể về thể loại mà bạn hướng tới (viết nội dung, quảng cáo hay kịch bản…). Bên cạnh đó, việc chọn một chủ đề phù hợp (self-help, sức khỏe, công nghệ...) cũng giúp bạn thu hẹp phạm vi tìm kiếm, nhờ đó tìm được chính xác kiến thức mình cần.
Ngay cả với sách, bạn cũng có thể áp dụng phương pháp này để việc học tập của bản thân được hiệu quả nhất.
2. Thiết lập vòng phản hồi
Daniel Kahneman, tác giả cuốn sách "Think Fast and Slow" từng nói, "bạn học những điều mới nhanh hay chậm phụ thuộc vào chất lượng và tốc độ của vòng tròn phản hồi mà bạn đã thiết lập cho bản thân".
Vòng tròn phản hồi là cách chính xác để bạn tìm ra những điểm yếu và điểm mạnh của mình. Không chỉ vậy, nó còn giúp bạn cải thiện bản thân với một tốc độ nhanh chóng, thông qua việc "vẽ" ra con đường để bạn luôn nhân định rõ ràng về những gì có hiệu quả.
Con người thường dễ lặp lại những sai lầm đã phạm phải và việc có vòng tròn phản hồi sẽ giúp chúng ta chuyển chúng thành bài học. Những gì đã xảy ra ngày hôm qua đều đã xảy ra. Bạn không thể thay đổi được quá khứ nhưng có thể đúc rút ra những bài học để từ đó xây dựng tương lai mà bạn mơ ước.
3. Học cách thoải mái với những thất bại
Khi thử làm những điều mới mẻ, chúng ta thường mang trong mình một nỗi sợ về sự thất bại. Nỗi sợ này cản trở chúng ta dành ra 100% năng lực, tâm huyết và sự tập trung cho việc đó. Kết quả là, khả năng thất bại của chúng ta càng nhiều hơn.
Nhưng bạn à, nếu sẵn lòng bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân thì bạn phải chấp nhận rằng mình có thể sẽ vấp ngã.
Việc thất bại thường khiến bạn thấy ngại ngùng, bối rối và thậm chí xấu hổ nhưng đây là điều hoàn toàn bình thường. Trong trạng thái đó, chúng ta sẽ xem xét kỹ lưỡng hơn về những dữ liệu mình tiếp cận để đưa ra được những quyết định đúng đắn hơn trong tương lai.
4. Tuân theo nhịp điệu sinh học hàng ngày
Nhịp điệu sinh học là một quá trình tự nhiên bên trong điều chỉnh chu kỳ thức – ngủ và lặp lại sau mỗi 24 giờ.
Khi muốn thay đổi cuộc sống của mình, bạn cần phải hiểu được các mức độ năng lượng của mình sẽ chuyển biến ra sao trong suốt một ngày. Trong đó, tìm hiểu xem bạn thích và không thích làm gì vào những khoảng thời gian nhất định trong ngày là bước đầu tiên để bắt đầu làm việc năng suất.
Bạn nên tự xây dựng cho mình một lịch trình phù hợp mà mình có thể thực hiện được và chỉnh sửa nó theo quá trình tiến bộ của bạn. Hãy nhớ, đừng làm theo kế hoạch của một ai chỉ vì họ là người nổi tiếng.
5. Đừng làm việc, hãy chơi
Đối xử khắt khe với bản thân chẳng mang lại lợi ích gì vì nếu bạn không tìm thấy niềm vui trong những việc mình đang làm, bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy nhàm chán. Vì thế, hãy tạo lập cho mình một kế hoạch lý tưởng, sau đó kết hợp nó với lịch trình hiện tại. Đó chính là kế hoạch mà bạn nên làm theo trong những giai đoạn đầu tiên.
Bên cạnh đó, nếu cảm thấy căng thẳng và quá tải thì bạn nên nghỉ ngơi một chút. Đừng quên một điều rằng, bạn đang cố gắng để cải thiện bản thân, không phải để bán bảo hiểm. Do đó, bạn có thể tăng tốc để sớm về đích nhưng nếu thấy mệt mỏi, bạn hoàn toàn có thể bước chậm lại để bản thân được ngơi nghỉ.
6. Chia nhỏ công việc và hoàn thành chúng
Để hoàn thành công việc nhanh chóng và dễ dàng hơn, bạn nên chia các công việc hay dự án lớn thành các việc và hành động nhỏ hơn.
Ví dụ, nếu bạn muốn viết một văn bản dài 2000 trang thì hãy viết 100 trang mỗi ngày và chia thành 2 lần. Nhờ vậy, bạn sẽ hoàn thành công việc trong vòng 10 ngày mà không phải gồng mình và cố gắng quá mức.
7. Đặt câu hỏi về mọi thứ
Xã hội có tác động lớn tới cách bạn nhìn nhận thế giới xung quanh. Suy nghĩ và những niềm tin của họ xây dựng nên quan điểm của bạn. Quan điểm đó lại tạo nên cách bạn tư duy.
Vậy nhưng, một số niềm tin trong đó chỉ là những điều hoang đường nên nếu bạn tin mọi thứ thay vì đặt nghi vấn về chúng, bạn đang không sống cuộc đời của chính mình đấy.
Hãy học cách đặt câu hỏi về bất cứ điều gì mà người khác thuyết phục bạn nên tin. Đó là cách dễ nhất để bạn thanh lọc tâm trí, giữ lại cho mình những gì không khéo và tinh túy nhất.
8. Chú ý tới thái độ - một trong những yếu tố thúc đẩy bạn
Muốn cải thiện và nâng cao các kỹ năng của bản thân đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải đối mặt với không ít trở ngại. Bạn có thể nghĩ mọi người đang chỉ trích bạn hay nghĩ việc gì đó quá khó khăn. Tuy nhiên, những điều rối rắm ấy thực chất chỉ là một hành động bộc lộ ra của những suy nghĩ tiêu cực mà thôi.
Do vậy, bạn có thể dễ dàng đánh bại chúng bằng cách luôn duy trì một thái độ tích cực. Nếu muốn trở thành người chiến thắng thì bạn phải hành động, suy nghĩ và chiến đấu như một người thắng cuộc.
Hãy coi mình như một người chiến thắng, tự nói với bản thân về lý do tại sao bạn là người tốt nhất, phù hợp nhất để nuôi dưỡng thái độ tích cực trong tâm trí bạn. Đọc những câu chuyện thành công cũng là một cách hãy để xây dựng thái độ này.
Tham khảo Addicted 2 Success