Tuyết phủ quanh năm, nhiệt độ xuống tới -60 độ C, bão tuyết quất thường xuyên khiến cho Nam Cực trở thành nơi khó sống nhất trên Trái Đất. Thế nhưng lục địa này vẫn có tới 4.500 cư dân sinh sống mỗi mùa hè tới.
Trong con số ước tính 4.500 có ít nhất một game thủ PC.
Cuối năm ngoái, số liệu về việc người dùng toàn cầu tải game trên Steam cho thấy miền Tây Nam Cực có hoạt động, có nghĩa rằng ai đó tại trạm nghiên cứu Zucchelli của Ý đã sử dụng nền tảng của Valve nhằm tải game hay tải phần mềm gì đó.
Từ dữ liệu này, phóng viên của PCGamesN đã đi điều tra xem game thủ PC duy nhất tại vùng đất Nam Cực lạnh lẽo là ai, và muốn hỏi xem trải nghiệm chơi game tại đây kì lạ tới mức nào.
Cá nhân đặc biệt ấy là Dan Moore, anh là quản lý bộ phận liên lạc tại Căn cứ Scott thuộc New Zealand – căn cứ nằm cách trạm Zucchelli nói trên khoảng 320 km.
Anh đã tới Nam Cực để công tác vào tháng Chín năm 2017, với nhiệm vụ theo dõi những người có mặt tại khu đồng băng, quản lý mạng lưới liên lạc radio, tổ chức tìm kiếm và giải cứu khi cần thiết. Trong lúc rảnh rỗi, anh sẽ đầu tư thì giờ quý giá của mình vào Kerbal Space Program, Grand Theft Auto V và Dirt Rally.
Laptop mà anh Moore sử dụng hiện đang có 60 game tất cả, có thể thấy là quá trình chuẩn bị game để chơi tại miền đất lạnh xa xôi cũng đã rất vất vả. "Tôi cảm thấy rằng mang một chồng đĩa xuống Nam Cực với mình thì quá là nặng", anh Moore nói với phóng viên PCGamesN, "vì thế tôi đã cài game trước khi rời đi".
Moore đã phải đi rất xa và rất lâu mà chỉ có "ít hơn 10 ngày để chuẩn bị mọi thứ", anh đã phải điên cuồng chạy đua với thời gian, chuyển mọi dữ liệu cần thiết từ cây PC ở nhà sang chiếc laptop mang heo.
"Tôi bật máy 2 ngày liên tiếp để chuyển dữ liệu", anh Moore nói. Tải game tại trạm ở Nam Cực thì lâu lắm, bởi mạng Internet tại đây rất chậm. Anh Moore cho thấy tốc độ download tại đây chỉ tầm 24 Kbps thôi.
Tuy vậy, anh nói thêm rằng "vẫn có thể đặt mua đĩa từ đất liền về, chỉ mất có 1 tuần thôi – vậy là rất nhanh khi xét tới việc căn cứ này ở quá xa so với phần còn lại của thế giới".
Anh Moore cứ kịch tính hóa ấy chứ: Dữ liệu người sử dụng từ Steam của 9 tháng trước chỉ ra rằng tại Nam Cực, tổng dung lượng tải về là 32,2 GB, tốc độ trung bình là 3,2 Mbps, chiếm 0,0% traffic truy cập toàn toàn cầu. Số liệu vào thời điểm bài viết này được đăng tải cho thấy Nam Cực đã tải về tổng cộng 34,7 GB, với tốc độ trung bình 37,4 Mbps.
Khoảng cách không phải thứ duy nhất ngăn anh Moore chơi game. Căn cứ đặt tại Nam Cực thì rõ là lạnh nhưng cái đó thì hiển nhiên rồi, có một vấn đề còn lớn hơn nữa, ảnh hưởng trực tiếp tới mọi thứ đồ điện tử: đấy là độ ẩm trong không khí cực kì thấp, gần như là không có, khiến cho điện tích trong không khí cực kì nhiều.
"Lấy tay giật điện những người khác, nhìn họ nhảy dựng lên trong giật mình thì vui lắm", Moore cười nói. "Nhưng khi bạn ngồi xuống máy rồi nghe thấy tiếng điện kêu tanh tách, bạn sẽ hoảng loạn nghĩ ngay rằng: ‘Mình vừa nướng chín cái máy tính thân thương’".
Để tránh trường hợp "nướng" sạch đồ điện tử, đội ngũ nhân viên tại Căn cứ Scott phải đặt toàn bộ đồ điện tử trên một cái thảm chống tích điện.
"Khó phết, bởi chỗ thì ít mà đồ điện thì thường xuyên phải đặt tại các khu vực công cộng", anh Moore giải thích. "Chẳng ai muốn liều mình đặt điện thoại xuống để đứng trước nguy cơ mất hết dữ liệu cả, nên là đồ điện tử bị chất đầy trên một tấm thảm chống tích điện".
Những game mà anh Moore chơi ngoài lục địa xa xôi cũng có quy luật cả. Khi mà công việc không cho phép, anh sẽ chơi game gì ít tốn thời gian nhưng khi thời tiết trở nên quá xấu, anh Moore sẽ vui sướng vùi đầu vào game trong nhiều tiếng đồng hồ liền. Anh khoe rằng Skyrim là trò anh chơi nhiều nhất.
"Tôi chọn Skyrim là vì địa hình game chẳng khác quang cảnh ngoài cửa sổ là mấy. Ross Island, nơi đặt Căn cứ Scott, là một đảo núi lửa với băng, tuyết phủ đầy những đỉnh đá lớn. Khi mà điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt để bước ra ngoài, giả lập việc khám phá Nam Cực bằng Skyrim phù hợp đến tuyệt vời".
Một trong những tựa game yêu thích khác của Moore là GTA V và Kerbal Space Program (cũng là tựa game yêu thích của Elon Musk!). "Rất nhiều nhà khoa học thích thú với Kerbal Space Program", anh nói.
Một người có thể đắm mình vào game hết hàng trăm tiếng, nhưng anh Moore cố gắng giới hạn giờ chơi của mình lại. Sau giờ làm chính, Moore và các đồng nghiệp của anh "có cơ hội khám phá lục địa xa xôi nhất thế giới". Rõ ràng đây là một cơ hội không phải ai cũng có, và rõ ràng là game thì lúc nào chơi cũng được.
Bản thân chuyến phiêu lưu của một nhân vật tại một lục địa lạnh lẽo, ít người khai phá cũng là một trải nghiệm tuyệt vời rồi.