Không khéo léo, giỏi giao tiếp vẫn được tăng lương
Tăng lương là mong muốn thiết thực của tất cả mọi người, khi chúng ta đã làm hết sức và dốc toàn bộ tâm huyết vào công việc. Thế nhưng thực tế không phải ông chủ nào cũng hào phóng tăng lương ngay khi nhìn thấy những đóng góp của bạn trong công việc. Cần phải có một chút khéo léo và nghệ thuật giao tiếp thì việc đó mới thuận lợi hơn nhiều.
Thế nhưng thú thật cũng vẫn có những người không cần đến khéo léo, nghệ thuật giao tiếp vẫn được tăng lương cao hơn nhiều. Điều này làm giáo sư Phan Văn Trường cảm thấy hiếu kỳ và lý giải trong cuốn sách Một đời thương thuyết. Ông viết:
Phần lớn những người này làm những việc không ai thay thế được, do đó nếu họ từ chức thì khó lòng kiếm người khác, và cuối cùng sẽ có hại cho công ty. Các ông sếp rất sợ những nhân vật này. Họ cứ âm thầm, lặng lẽ làm việc trong văn phòng của họ. Khi người khác hỏi họ giải quyết vấn đề này nọ bằng phương pháp gì, bằng ứng dụng gì, thì họ không bao giờ khai.
Đến đúng giờ, đúng hạn, họ nộp bài vở như học trò, kết quả luôn luôn tốt. Không có gì phải trách móc họ, nhưng khó lòng bắt họ giãi bày bất cứ chi tiết nào để giúp cho đồng nghiệp hay sếp trên hiểu rõ việc họ làm. Nếu sếp đòi hỏi quá đáng, họ sẽ phản ứng mạnh: "Anh trách em cái gì chứ? Việc em làm tốt có đúng không anh?"
Đố bạn đuổi những người này đi, dù bạn ghét họ đến đâu! Vì họ luôn luôn làm xong việc, bạn trách họ sao được. Nghệ thuật thương thuyết của họ chính là ít nói, ít khoe, ít giải bày. Họ làm xong việc. Có thế thôi. Còn làm cách nào, phương pháp ra sao, họ không để lộ. Cái tài của họ là không tranh chấp với ai, ở chức vụ nào cả. Họ chỉ cần lương cao thôi! Và họ đạt được kết quả mong đợi vì công ty sợ họ bỏ đi.
Một loại khác mà thỉnh thoảng bạn có thể gặp là những người rất giỏi và sắc sảo. Những người này thường được tăng lương khủng năm đầu tiên trong công ty, thậm chí cả năm thứ hai nữa. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, họ bắt đầu gây phản cảm, vì suốt ngày họ "gáy" công lao của mình. Công lao thì có thật, nhưng khi kể công nhiều quá, ông sếp bắt đầu run. "Người này đang nhắm chức của ông phải không?".
Thế là chẳng bao lâu sau họ không được lên lương chút nào nữa, và hơi một tí là bị ông sếp chỉ trích thả dàn. Mô hình "sắc sảo gáy o o" này không thọ mấy đâu, nên tôi xin cảnh báo để bạn đừng đi vào lỗi lầm của kẻ khác.
Chuyện về một nhân tài lạnh lùng
Bằng chứng cho mẫu người âm thầm nhưng có tài trong công ty từng được giáo sư Phan Văn Trường đề cập đến trong cuốn sách Một đời quản trị. Ông viết về một nhân vật có tên Philippe Delaboudinnière như sau:
“Lần đầu gặp anh Philippe, tôi không khỏi có một ác cảm nặng nề. Khi đó là vào năm 1986, cả hai chúng tôi, cùng với một số anh em khác, trạc tuổi 35-40, vừa được tuyển vào Alsthom Power. Trong buổi họp đón nhân viên mới, anh Philippe không nhìn thẳng ai. Tuy thấp hơn tôi, nhưng anh vẫn cho tôi cái cảm tưởng anh nhìn xuống khi đôi mắt gặp nhau.
Sau này tôi mới biết anh hơn và nhìn rõ tính kiêu căng ngầm của anh. Anh không coi ai ra gì, vì thật sự anh là một trong những nhân vật giỏi nhất tôi đã từng gặp và làm việc cùng. Nhưng trong hai năm sau đó đội của anh gặp nhiều thất bại và đã bị giải thể. Trong khi đó tôi lại may mắn được bổ nhiệm làm DCEO, tức không những làm sếp của chính anh mà còn làm sếp luôn của 25.000 người khác nữa.
Tôi mời anh vào văn phòng ngay sau khi tôi được bổ nhiệm. Ý đồ của tôi là tìm cách giải vây nếu chẳng may anh có ý ngấm phá tôi, nhưng may mắn thay, buổi gặp mặt hôm đó lại để lại cho tôi một ấn tượng khó quên.
Anh nói rằng mình cũng đã có dịp ngắm nghía từ xa cách làm việc của tôi trong hai năm vừa qua, và rất cảm ơn công ty đã giải thể đội làm việc của anh rồi cho phép anh hợp tác với tôi. Anh nói thẳng thừng: "Anh Phan ạ, từ ngày hôm nay, anh làm sếp của tôi, tôi chỉ thèm khát có một chuyện là chúng ta lập nên một đội bán hàng xuất sắc để khôi phục ngôi thứ của Alsthom Power trên hoàn vũ.
Tôi có nhiều khuyết điểm, tôi biết không ai ưa tôi cả, tôi chỉ mong có một người ưa tôi là chính anh! Tôi không phải thề thốt gì nhưng chính anh sẽ nghiệm nhanh chóng về tôi, là người tuyệt đối phục thiện và trung thành!".
Nhưng, thú thật, phục thiện và trung thành không phải cá tính trội nhất của Philippe. Anh ấy giỏi trên sức tưởng tượng , và sau này tôi nhìn lại lịch sử mới hiểu được rằng chính Philippe là cái đũa thần mà Đấng trên cao đã trao cho tôi.
Chỉ cần ngồi trong phòng của mình, nghiên cứu rất kỹ mọi thông tin về thị trường, mọi dữ kiện về công nghệ của các đối thủ, mọi yếu tố về giá thành của tất cả các dự án trên thế giới, anh đã có thể cho tôi những thông tin đích xác để tôi lấy quyết định.
Một hôm Chủ tịch tập đoàn hỏi tại sao trong dự án điện bên Ai Cập, tôi lại chào giá đó. "Hơi cao quá đấy", ông nói với tôi như thế. Tôi trả lời ông một cách thản nhiên: “Thưa ngài, khi đầu giá, việc chào giá rẻ nhất tuy đã khó nhưng vẫn còn dễ. Chào giá nào cao nhất mà vẫn rẻ hơn người rẻ nhất thì mới khó.
Thắng dự án không đủ, thưa ngài. Phải thắng với giá chào cao nhất thì mới chứng tỏ được thực lực". Và chỉ ba ngày sau tôi vào trình Chủ tịch là tập đoàn vừa thắng giải, và giá của chúng tôi chỉ rẻ hơn tập đoàn đi sau cỡ 0,3%.
Chủ tịch trố mắt ra nhìn tôi, rồi hỏi: "Anh đùa với tôi đầy à?". "Thưa không! Ngài sẽ thấy cái gì phải thấy trong những cuộc đấu giá sắp tới. Tôi chỉ xin ngày cho phép tôi tôn vinh người nhân viên xuất sắc đã tìm ra giá phải chào". Ông lại hỏi: "Đứa nào thế?". "Philippe Delaboudinnière đấy ạ", tôi trả lời.
Hai dự án sau, chúng tôi lại thắng suýt soát. Tôi trình lên Hội đồng quản trị mong muốn của tôi tặng anh Philippe chức giám đốc Marketing của cả tập đoàn. Đề xuất của tôi được chấp thuận ngay. Trong suốt 6 năm tôi làm DCEO của Alsthom Power, Philippe đã là cột trụ của tôi và tập đoàn.
Thế mới thấy một người tự nhận mình lạnh lùng, khó ưa như Philippe vẫn được thăng chức, tăng lương dù ban đầu bị sếp ác cảm. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận vai trò không nhỏ với tài năng xử lý công việc ổn thỏa của anh.