Đề tài ồ ạt rút BHXH một lần do Báo NLĐO khởi xướng tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của độc giả là người lao động ở các loại hình kinh tế. Không chỉ mạnh dạn chỉ ra những hạn chế của Luật BHXH hiện hành, bạn đọc Báo Người Lao Động cũng đóng góp những ý kiến xác đáng để hoàn chỉnh luật, từ đó giữ người lao động ở lại với hệ thống an sinh.
Bạn đọc Phạm Phương Thùy bày tỏ: "Cần giảm năm đóng BHXH xuống, ví dụ ai đóng 10 năm thì hưởng được tối đa bao nhiêu %, ai đóng 15 năm thì cũng chốt % tối đa, như vậy, ai đóng được nhiều hơn thì tăng thêm % và chốt đúng tuổi nghỉ hưu. Không có đất nước nào trên thế giới mà mỗi năm cộng thêm vài tháng tuổi nghỉ hưu như Việt Nam đâu?".
Tương tự, một bạn đọc giấu tên góp ý: "Nên quy định cụ thể số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Người đóng BHXH từ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu và số năm hưởng lương hưu bằng với số năm đóng BHXH.
Một người đóng BHXH 15 năm thì được hưởng lương hưu 15 năm, đóng BHXH 20 năm thì được hưởng lương hưu 20 năm.... và hệ số lương hưu nên lấy số năm đóng chia 10 x với hệ số lương hiện hưởng lúc nghỉ hưu. Khi đó người đóng nhiều sẽ hưởng nhiều,người đóng ít hưởng ít".
Cùng góc nhìn, bạn đọc tên Hùng bày tỏ: "Theo quan điểm của tôi thì cứ đủ 20 năm trở lên được hưởng hưu, không cố định tuổi thì còn nhiều người theo, còn tuổi thì chỉ áp dụng với khối nhà nước thôi.
"Tôi năm nay 37 tuổi mà đã đóng BHXH được 19 năm thì chờ đến 24 năm sau tôi mới nhận lương hưu là 45% chỉ rơi vào 4 đến 5 triệu đồng/tháng lúc đó đồng tiền mất giá thì gọi bìm bìm cũng khó mà mua được" - bạn đọc này viết.
Một bạn đọc có nickname Phamminhphu09 cho rằng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội nên thành lập ban khảo sát và lấy ý kiến người lao động về việc thực hiện các chế độ của BHXH trong thực tế hiện nay.
"Phải tập hợp và đánh giá những cái được, phù hợp, cái chưa được không phù hợp ,.... để tham mưu cho chính phủ điều chỉnh kịp thời đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng thực tế của người lao động. Mục đích làm sao cho người lao động cảm thấy hài hòa và thoải mái thì khó vạn lần dân liệu cũng xong" – bạn đọc này góp ý.
Chỉ ra bất bình đẳng trong việc tính lương hưu giữa khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước, bạn đọc Hoàng Tuấn đề nghị khi sửa Luật BHXH cần phải tính công bằng giữa các khu vực này.
"Nếu đã tính mức lương bình quân những năm cuối đóng BHXH thì phải tính đều cả 2 khối , không được phân biệt. Tiếp theo là cần điều chỉnh lại Bảng hệ số trượt giá, không còn phù hợp, không có lợi cho người tham gia BHXH. Giảm tuổi nghỉ hưu của người lao động và cuối cùng là người lao động tham gia BHXH nhiều năm thì lương hưu phải cao"- bạn đọc này đề xuất.
Gởi lời cám ơn đến Báo Người Lao Động vì đã cập nhật những ý kiến đóng góp cho việc sửa Luật BHXH sắp tới, bạn đọc Minh Toán cũng mong các lãnh đạo các ngành hãy lắng nghe và xem xét thật thấu đáo về lý về tình để sửa Luật BHXH làm sao Luật đi vào cuộc sống của tất cả người lao động.
Người lao động khi còn trong độ tuổi lao động còn sức khỏe họ cũng làm cực lực để sao cho cuộc sống của mình tốt hơn, bản thân mình có thu nhập, lo cho gia đình, con cái học hành đến nơi đến chốn, cha mẹ già bệnh tật; họ tạo ra của cải vật chất cho xã hội, doanh nghiệp có lợi nhuận, nhà nước có thu ngân sách, mỗi năm doanh nghiệp tăng lên, người lao động có việc làm nhiều hơn, ngân sách nhà nước thu nhiều hơn.
Đối với NLĐ ngoài nhà nước, công nhân, lao động phổ thông với mức lương đóng BHXH hơn 5 triệu đồng/tháng và thu nhập của họ từ 7-8 triệu đồng/tháng không đủ để nuôi họ thì lấy đâu lo gia đình. NLĐ từ 50 tuổi trở đi khó tìm việc, hoặc doanh nghiệp không tuyển dụng, nếu họ bị mất việc và chưa đủ năm đóng BHXH thì họ phải rút BHXH 1 lần.
"Nhà nước phải có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt để BHXH là sứ mệnh cao cả lo an sinh cho đất nước. Việc NLĐ rút BHXH 1 lần là yêu cầu chính đáng, BHXH không nên sửa Luật theo hướng ngăn chặn không cho rút BHXH 1 lần, người ta rút ra để lo cho cuộc sống, có vốn buôn bán tìm nguồn thu nhập sau khi nghỉ việc"- bạn đọc Minh Toán hiến kế.
Liên quan đến việc sửa Luật BHXH, một bạn đọc tên Tường cho rằng đề xuất sửa đổi luật BHXH đa phần là đưa ra các biện pháp siết chặt, hạn chế rút BHXH một lần mà chưa tìm hiểu sâu xa nguyên nhân tại sao người lao động không mặn mà với BHXH từ đó có chính sách điều chỉnh cho phù hợp.
"Nếu chúng ta điều chỉnh xuống 15 năm, tiến tới 10 năm mà không giải quyết được căn cơ nguyên nhân thì người lao động cũng sẽ rút BHXH trước 15 năm hoặc trước 10 năm. Cần nhìn thẳng vào sự thật để đề xuất các chính sách cho phù hợp"- Bạn đọc Tường bày tỏ.