NYT: Vụ bà Mạnh Vãn Chu làm mất mặt ông Tập, đẩy Bắc Kinh vào thế "chiếu dưới" trước Mỹ

Lưu Bình |

Vụ CFO Huawei Mạnh Vãn Chu gặp rắc rối pháp lý tại Canada là một thử thách chính trị dành cho chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - theo đánh giá của tờ New York Times (Mỹ).

Một số người Trung Quốc đang yêu cầu tẩy chay các sản phẩm của Mỹ - bên đề nghị Canada tiến hành bắt giữ và dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu, trong khi những người khác lại đang lo ngại về những khoản đầu tư của họ vào Mỹ.

Chính những mâu thuẫn đan xen về mặt cảm xúc này đã cho thấy những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tìm kiếm lợi thế công nghệ đã bị chế ngự. Những động thái mới nhất của chính quyền tổng thống Donald Trump là bất thường và mang nhiều động cơ chính trị.

Các công tố viên Canada cho biết, nữ giám đốc tài chính (CFO) của Huawei bị cáo buộc liên quan đến một âm mưu lừa đảo các tổ chức tài chính và vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Dù bà Mạnh đã được tại ngoại ở Vancouver, các rắc rối pháp lý vẫn chưa dừng lại.

Các nhà phân tích nhận định, điều này không giống như vòng thuế quan mới hay những lời lẽ cứng rắn hơn từ các quan chức Mỹ, việc bắt giữ bà Mạnh dường như là một cách thể hiện rất sâu sắc và đầy đủ sự cạnh tranh ngày càng tăng trong mối quan hệ Mỹ-Trung, và có khả năng buộc ông Tập Cận Bình phải có lập trường cứng rắn hơn đối với Mỹ.

Nữ giám đốc 46 tuổi là một thành viên quan trọng của Huawei. Bà là một trong những nữ doanh nhân xuất sắc nhất Trung Quốc - đi khắp thế giới và thông thạo tiếng Anh, là người thừa kế của một công ty công nghệ toàn cầu mà cả người dân Trung Quốc lẫn đảng Cộng sản Trung Quốc đều tự hào.

NYT: Vụ bà Mạnh Vãn Chu làm mất mặt ông Tập, đẩy Bắc Kinh vào thế chiếu dưới trước Mỹ - Ảnh 1.

Thương hiệu Huawei là một trong những niềm tự hào của người Trung Quốc (Ảnh: NYT)

Ban lãnh đạo Trung Quốc rơi vào thế khó xử

Mạnh Vãn Chu bị bắt tại sân bay Vancouver vào ngày 1/12. Vào thời điểm bà bị giam giữ, sự kiện này đã dẫn đến sự tức giận và khiến cho giới lãnh đạo Trung Quốc rơi vào thế khó xử.

Theo NYT, ông Tập Cận Bình phải đối mặt với áp lực mâu thuẫn - một mặt, cần phải thể hiện sức mạnh, có thể là thực hiện biện pháp trả đũa chống lại Mỹ, và mặt khác phải đối diện với cục diện căng thẳng trong nỗ lực kết thúc chiến tranh thương mại với Washington.

"Vụ bắt giữ bà Mạnh sẽ có tác động rất lớn ở Trung Quốc," Tao Jingzhou, một luật sư doanh nghiệp tại Bắc Kinh cho biết.

Theo ông, người giàu Trung Quốc từ lâu đã cảm thấy lo lắng về sự an toàn và giàu có của họ ở Mỹ. "Nếu Mỹ tiếp tục theo đuổi các vụ kiện liên quan đến tham nhũng và vi phạm luật pháp ngoài lãnh thổ, tình trạng này sẽ gia tăng."

NYT đánh giá, vụ Huawei không thể thách thức vị thế lãnh đạo của ông Tập, nhưng những chính sách, đường hướng và giải pháp của ban lãnh đạo Trung Quốc trong vấn đề kinh tế cũng như quan hệ với Mỹ đã vấp phải chỉ trích từ nội bộ.

Giống như làn sóng "xét lại" từng bùng lên khi Trung Quốc mới bị Mỹ áp thuế quan trong thương chiến, những quan điểm phê bình hiện nay cho rằng những chính sách mà ông Tập thúc đẩy nhằm thực hiện mục tiêu "Giấc mộng phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại" đang thể hiện tham vọng quá lớn - điều khiến chính quyền ông Trump lo ngại và phát động chiến tranh thương mại ban đầu.

Với vụ bà Mạnh Vãn Chu bị bắt, ông Tập sẽ phải đối mặt với càng nhiều áp lực hơn. Vụ việc xảy ra sau khi lãnh đạo Mỹ-Trung ăn tối cùng nhau tại Buenos Aires và thỏa thuận "ngừng bắn" trong chiến tranh thương mại.

Các trợ lý của tổng thống Mỹ cho biết, ông Trump không biết về vụ bắt bà Mạnh vào thời điểm đó, tuy nhiên một số người Trung Quốc nói rằng chính phía Washington cố ý không nêu vấn đề trên tại hội nghị thượng đỉnh. Đó là một sự mất mặt đối với ông Tập Cận Bình. Có lẽ đó là điều mà những người theo phái diều hâu ở Washington cố ý khiến Bắc Kinh cảm thấy khó xử.

Mỹ muốn biến vụ Huawei thành "điển hình"?

Theo NYT, vụ bà Mạnh cũng được nhiều nhà phân tích tin là dấu hiệu Mỹ đẩy mạnh ngăn chặn sự trỗi dậy của Bắc Kinh.

Ông Deng Yuwen, cựu phó tổng biên tập tạp chí Study Times - cơ quan của Trường đảng trung ương Trung Quốc - nhận định, trong khi vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung khởi động và thời hạn chỉ còn 75 ngày, vụ việc của CFO Huawei có thể trở thành lý do để luồng quan điểm bảo thủ trong giới tinh hoa Trung Quốc nổi lên chống lại sự nhượng bộ của nước này trước Washington.

"Nếu Washington đưa vụ Huawei để xây dựng thành một điển hình, các lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc bảo thủ của Trung Quốc và quân đội sẽ tỏ ra rất bất mãn, chính điều đó sẽ khiến họ càng khó thỏa hiệp với Mỹ hơn", ông nói.

"Trong ngắn hạn, Mỹ có thể được hưởng lợi từ việc đánh quân bài này, nhưng nó sẽ không tồn tại lâu dài", ông Đặng nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại