Hệ thống tên lửa chiến thuật tầm xa ATACMS
Ukraine tạo ra thế trận 2 chiều ở Crimea
Nga ban đầu sử dụng bán đảo Crimea làm bệ phóng cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và sau đó làm nơi tập trung cho các cuộc oanh tạc trên không.
Nhưng đến hiện tại, Ukraine, được trang bị tên lửa chính xác do Mỹ sản xuất, lần đầu tiên có khả năng vươn tới mọi ngóc ngách của Crimea - khiến cuộc xung đột giờ đang diễn ra theo 2 chiều.
Ngay khi được trang bị các loại tên lửa tầm xa từ phương Tây, Kiev đang đẩy mạnh nỗ lực nhằm làm suy giảm khả năng quân sự của Nga trên bán đảo Crimea, tập trung vào các mục tiêu như sân bay, hệ thống phòng không và trung tâm hậu cần.
Kể từ khi ATACMS xuất hiện vào mùa xuân năm nay, quân đội Ukraine tuyên bố đã phá hủy hoặc làm hư hại ít nhất 15 hệ thống phòng không tầm xa của Nga ở Crimea. Trong số đó có các tổ hợp S-300 và S-400, phiên bản hệ thống phòng không Patriot của Moscow.
Theo New York Times, kể từ khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, Moscow đã đầu tư rất nhiều vào việc mở rộng sự hiện diện quân sự tại đây. Từ Sevastopol ở phía tây đến Kerch ở phía đông, đã xuất hiện các cơ sở quân sự nằm rải rác ở cả khu vực ven biển và ẩn giấu trong các khu vực miền núi.
Crimea giúp hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga ở miền nam Ukraine và là nơi đặt rất nhiều hệ thống tên lửa trên đất liền được sử dụng để nhắm vào các thành phố và thị trấn của Ukraine. Việc xuyên thủng hệ thống phòng không mạnh mẽ của Nga vẫn còn nhiều thách thức, nhưng mùa hè này, Ukraine đã có thể tiến hành các cuộc tấn công tương tự nhằm áp đảo và tạo ra tổn thất cho hệ thống phòng không ở đây.
Trong một cuộc tấn công đa hướng bắt đầu từ ngày 29/5, Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái trên không và trên biển được sản xuất trong nước, tên lửa hành trình của phương Tây và ATACMS để áp đảo hệ thống phòng không tiên tiến của Nga, quân đội và cơ quan tình báo Ukraine cho biết.
Vụ tấn công đã làm hư hại 2 chiếc phà đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng quân sự giữa Nga và Crimea.
Cơ quan tình báo quân đội Anh cho biết trong một tuyên bố: "Cuộc tấn công của Ukraine vào các bến phà và cuộc tấn công sau đó vào kho nhiên liệu gần đó, một lần nữa làm nổi bật khả năng dễ bị tổn thương của eo biển do Nga kiểm soát, bất chấp sự đầu tư đáng kể của nước này vào an ninh và phòng không".
Một quan chức cấp cao của Mỹ theo dõi chặt chẽ cuộc chiến cho biết Ukraine đang sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp "rất hiệu quả".
Quan chức này cho biết Ukraine có đủ ATACMS để duy trì chiến dịch Crimea, đồng thời nói thêm rằng đạn dược đang được bổ sung liên tục.
Mặc dù không cung cấp con số chính xác, quan chức này cho biết Mỹ đã gửi "hàng chục" tên lửa chứ không phải "hàng trăm".
Cơ quan tình báo quân đội Anh đưa tin, các cuộc tấn công liên tục nhằm vào hệ thống phòng không của Nga có thể buộc Moscow phải di chuyển một số máy bay chiến đấu khỏi Crimea "hoặc có nguy cơ mất thêm máy bay".
Kiev đang thúc ép chính quyền Tổng thống Biden dỡ bỏ các hạn chế để có thể mở rộng chiến dịch nhắm vào các căn cứ không quân nằm sâu trong lãnh thổ Nga, hạn chế số lượng địa điểm máy bay ném bom Nga có thể trú ẩn.
Nga đáp trả, lập tức cảnh báo "nóng"
Đây là một nỗ lực chiến lược mới khi Kiev tìm cách gây tổn hại cho lực lượng Nga, vốn từ lâu đã sử dụng bán đảo này làm căn cứ hoạt động ngay ngoài khơi bờ biển phía nam Ukraine.
Mặc dù khó có thể có nhiều tác động ở tiền tuyến, nhưng chiến dịch của Ukraine với phiên bản tầm xa của Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội, được gọi là ATACMS, dường như buộc Điện Kremlin phải đưa ra những lựa chọn khó khăn về nơi triển khai một số hệ thống phòng không mạnh nhất để bảo vệ các cơ sở hạ tầng quân sự quan trọng.
Trong 3 tháng qua, hình ảnh vệ tinh thương mại được các nhà phân tích quân sự kiểm tra đã xác nhận thiệt hại đối với các hệ thống radar, tài sản tác chiến điện tử, tuyến hậu cần và sân bay của Nga.
Justin Bronk, nhà nghiên cứu cấp cao về sức mạnh không quân và công nghệ tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia ở London, người đã nghiên cứu hình ảnh vệ tinh, cho biết: "Công bằng mà nói thì Ukraine đã đạt được những thành công khá ấn tượng trong vài tháng qua".
Các cuộc tấn công vào Crimea cũng có thể có tác động không đáng kể đến cuộc chiến trên tiền tuyến, đặc biệt là ở miền đông Ukraine, nơi đang diễn ra những trận chiến khốc liệt nhất và nơi các lực lượng Nga tiếp tục giành được nhiều tiến triển tích cực.
Các cuộc tấn công trên bán đảo sử dụng vũ khí phương Tây đã khiến Nga tức giận, khiến nước này phải cảnh báo Mỹ về "hậu quả" mà Washington sẽ phải đối mặt nếu cung cấp vũ khí tiên tiến cho Kiev.
Theo các quan chức Ukraine và phương Tây, Nga đã phản ứng trước sự gia tăng các cuộc tấn công vào Crimea bằng cách điều động các hệ thống phòng không từ Kaliningrad và các vùng khác.
Điện Kremlin cũng lần đầu tiên điều động hệ thống phòng không S-500 Prometheus tới chiến trường, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Ukraine, Tướng Kyrylo Budanov, nói với các phóng viên vào tháng trước.
Janes, một công ty tình báo quốc phòng ở London, cho biết các nhà phân tích của họ đã xác nhận trực quan việc triển khai ít nhất thành phần radar của S-500 tới Crimea.