Trung Quốc quân sự hóa Vành đai và con đường?
Khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố hủy bỏ hàng tỷ USD viện trợ an ninh cho Pakistan hồi đầu năm nay, một giả thuyết cho rằng, điều này sẽ khiến quân đội Pakistan lo ngại nếu phải hợp tác với các đồng minh của Mỹ. Tuy nhiên, nước này đã tìm được một "nhà tài trợ" thay thế.
Chỉ 2 tuần sau đó, Không quân Pakistan và giới chức Trung Quốc đã thảo luận những đề nghị cuối cùng trong một bản kế hoạch bí mật nhằm mở rộng kho vũ khí Trung Quốc gồm chiến đấu cơ, vũ khí và các trang thiết bị ở Pakistan. Kế hoạch này theo The New York Times, sẽ tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực không gian giữa hai nước.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc từng cảnh báo rằng, đây là lĩnh vực mà Bắc Kinh đang cố gắng quân sự hóa sau nhiều thập kỷ theo đuổi.
Tất cả các dự án quân sự này được cho là một phần của Sáng kiến Vành đai và con đường, chương trình phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD phân bố ở khoảng 70 quốc gia do Trung Quốc đầu tư và xây dựng, NYT viết.
Giới chức Trung Quốc từng nhiều lần nhấn mạnh rằng, Vành đai và con đường là một dự án kinh tế thuần túy với mục đích hòa bình. Tuy nhiên, trong kế hoạch với Pakistan, có thể thấy Trung Quốc lần đầu tiên xác nhận mối liên hệ của sáng kiến Vành đai và con đường với tham vọng quân sự của Bắc Kinh, NYT bình luận.
Theo báo Mỹ, là nước láng giềng có vị trí chiến lược quan trọng và sở hữu vũ khí hạt nhân nên Pakistan đã được Bắc Kinh quan tâm cũng như gia tăng sức ảnh hưởng.
Kể từ khi sáng kiến Vành đai và con đường được thực hiện vào năm 2013, Pakistan đã trở thành "đầu tàu" của sáng kiến với dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan trị giá 62 tỷ USD. Trong quá trình đó, nhất là khi Pakistan tuột dốc về kinh tế, nước này càng vay nhiều tiền hơn từ Trung Quốc, khiến quan hệ song phương càng ngày càng trở nên mật thiết hơn.
Ngay cả trước khi kế hoạch hợp tác quân sự mới giữa Trung Quốc và Pakistan được tiết lộ, Bắc Kinh đã để lộ ý nghĩa chiến lược của một số dự án lớn tại Pakistan, NYT cho biết.
Ví dụ như tại thị trấn Gwadar, Trung Quốc đã xây dựng một cảng biển và đặc khu kinh tế nhằm phục vụ mục đích ban đầu là thương mại, giúp rút ngắn quãng đường đưa hàng hóa tới biển Ả rập. Tuy nhiên, trong bối cảnh mâu thuẫn trên biển giữa Trung-Mỹ ngày càng khoét sâu, nếu căng thẳng trở nên tồi tệ đến mức phong tỏa hải quân thì cảng biển này sẽ được coi như quân bài chiến lược đối phó Mỹ và Ấn Độ của Trung Quốc.
Trong sáng kiến Vành đai và con đường, một nội dung ít được quan tâm chính là Pakistan đóng vai trò hạt nhân trong hệ thống định vệ vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc.
Cảng biển Gwadar do Trung Quốc quản lý ở Pakistan. Ảnh: NYT
Pakistan là quốc gia duy nhất được cấp quyền truy cập hệ thống dịch vụ quân sự này, cho phép hướng dẫn chính xác hơn đường đi của tên lửa, máy bay và thuyền bè.
Theo NYT, vệ tinh Bắc Đẩu đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng sáng kiến Vành đai và con đường của Bắc Kinh.
"Trọng tâm của Vành đai và Con đường là các con đường, cầu và cảng, bởi vì đó là những dự án xây dựng hữu hình mà mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy. Nhưng chính xác đó là công nghệ tương lai và công nghệ hệ thống an toàn trong tương lai có thể tạo thành mối đe dọa an ninh lớn nhất của dự án Vành đai và con đường", Priscilla Moriuchi, Giám đốc chiến lược phát triển các mối de dọa mạng tại Recorded Future nhận định.
Một "tài sản" trên biển
Vào năm 2015, với sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc đã có một cảng mới và đặc khu kinh tế lớn ở thị trấn ven biển Gwadar của Pakistan.
Kết nối cảng này với miền tây Trung Quốc sẽ là một mạng lưới đường cao tốc và đường bộ dài 2.000 dặm chạy qua khu vực hiểm trở nhất của Pakistan: Tỉnh Baluchistan, một khu vực giàu tài nguyên bị tàn phá bởi chiến tranh.
Dự án này cho phép hàng hóa Trung Quốc không cần đi qua các tuyến đường biển dài hơn và chi phí đắt hơn ở Ấn Độ Dương và tránh được vùng lãnh hải của một số đồng minh của Mỹ ở châu Á.
Tuy nhiên theo giới chức Pakistan, một số nội dung của kế hoạch chưa được công bố gồm, các điều khoản về cơ cấu cho vay và thời gian cho thuê lên tới 40 năm cũng như việc một công ty quốc doanh Trung Quốc giành được quyền vận hành cảng.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạng việc xây dựng các cảng biển tại các khu vực chiến lược xung quanh Ấn Độ Dương, bao gồm các địa điểm ở Sri Lanka, Bangladesh...
Giới chức Trung Quốc luôn khẳng định rằng, các cảng này sẽ không được quân sự hóa nhưng vẫn dấy lên những nghi ngờ từ giới phân tích.
Ví dụ như Sri Lanka, vì nợ nần đã buộc phải cho Trung Quốc thuê cảng biển Hambantota với thời gian lên tới 99 năm. Ấn Độ và Mỹ đã lo ngại rằng, Trung Quốc sẽ tăng cường kiểm soát với cảng biển này.
Tháng 10 vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã đưa ra lời cảnh báo các nước rằng, Sri Lanka đang là nạn nhân của bẫy nợ Vành đai và con đường.
"Trung Quốc đang lợi dụng cái gọi là bẫy nợ ngoại giao để mở rộng ảnh hưởng", Phó TT Mỹ nói.
."... Sri Lanka có thể sẽ sớm trở thành căn cứ quân sự tiền phương cho lực lượng hải quân đang ngày càng phát triển của Trung Quốc", ông Pence nói thêm.
Giới phân tích quân sự dự đoán, Trung Quốc có thể sẽ mở rộng phạm vi hoạt động bằng cách mở rộng cảng Gwadar. Năm 2015, Bắc Kinh đã đồng ý bán 8 tàu ngầm trị giá 6 tỷ cho Pakistan nên họ có thể sử dụng thiết bị đã bán cho Pakistan để bổ sung cho tàu ngầm của mình, qua đó mở rộng sức ảnh hưởng toàn cầu của hải quân Trung Quốc.
Nhà máy điện than đầu tiên, lớn nhất do Trung Quốc xây dựng cho Pakistan. Ảnh: NYT
Nợ sâu
Khi Trung Quốc bắt đầu tiến hành sáng kiến Vành đai và Con đường vào năm 2013, tân Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã coi đó là câu trả lời cho một loạt vấn đề ở nước này.
Đầu tư nước ngoài vào Pakistan rất ít ỏi, bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các cuộc tấn công khủng bố và tham nhũng. Và Pakistan rất cần một mạng lưới điện hiện đại để giúp giảm bớt tình trạng thiếu điện kéo dài.
Các quan chức Pakistan nói rằng Bắc Kinh ban đầu đã đề xuất xây dựng tuyến đường cao tốc nối Tân Cương tới cảng Gwadar. Nhưng giới chức Pakistan yêu cần xây dựng các nhà máy điện than mới và Trung Quốc đồng ý.
Thông qua dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan CPEC, Trung Quốc đồng ý với các đề xuất mà Pakistan đưa ra một cách thoải mái. Tuy nhiên, sau một vài năm, Pakistan đã nợ Trung Quốc khoản tiền khoảng 90 tỷ USD và họ dường như khó có thể Bắc Kinh khi thời hạn thanh toán đầu tiên đang tới gần.
Ashraf Wathra, thống đốc ngân hàng trung ương Pakistan nói rằng ông không rõ ràng về các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Pakistan và lo ngại về mức nợ gia tăng.
Tuy nhiên, cựu quan chức Pakistan Ahsan Iqbal phản bác cho rằng, dự án này đã được xét duyệt kỹ càng: "Trước đây, không ai muốn đầu tư vào Pakistan và người Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội này".
Tuy nhiên, khi các hóa đơn sắp đến hạn thì Pakistan vẫn gặp khó khăn trong việc trả nợ Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu và vệ tinh
Theo đề xuất bí mật của Không quân Pakistan và giới chức Trung Quốc đưa ra vào đầu năm, một đặc khu kinh tế thuộc Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan sẽ được xây dựng ở Pakistan để phục vụ sản xuất một thế hệ máy bay chiến đấu mới.
Lần đầu tiên, hai nước sẽ cùng xây dựng các hệ thống định vị, hệ thống radar và vũ khí lắp đặt trên chiến đấu cơ tại các nhà máy ở Pakistan.
Đề xuất này, được xác nhận bởi các quan chức của Bộ Kế hoạch và Phát triển Pakistan, sẽ được áp dụng đối với dòng máy bay chiến đấu JF-17.
Giới chức ở Islamabad cho biết, những kế hoạch này đang trong giai đoạn phê duyệt cuối cùng nhưng chính phủ hiện tại dự kiến sẽ phê duyệt dự án.
Giới phân tích cho rằng, Pakistan có thể sẽ trở thành hình mẫu cho các quốc gia muốn chuyển đổi kho vũ khí do Mỹ sản xuất sang kho vũ khí do Trung Quốc sản xuất. Đồng thời, thỏa thuận với Pakistan có thể trở thành bàn đạp để Trung Quốc tiếp cận thị trường vũ khí lớn hơn trong thế giới Hồi giáo.
Trong những năm qua, Trung Quốc và Pakistan cũng đã thực hiện một số hợp tác quân sự quan trọng nhất trong lĩnh vực không gian.
Theo NYT, Pakistan đang sản xuất dòng chiến đấu cơ JF-17 do Trung Quốc thiết kế. Ảnh: Reuters
Chỉ vài tháng trước khi Bắc Kinh công bố kế hoạch Vành đai và Con đường vào năm 2013, Trung Quốc và Pakistan đã ký một thỏa thuận xây dựng một mạng lưới các trạm vệ tinh tại quốc gia Nam Á này để thiết lập hệ thống định vị Bắc Đẩu thay thế cho mạng GPS của Mỹ.
Bắc Đẩu nhanh chóng trở thành một thành phần cốt lõi của sáng kiến Vành đai và Con đường, với việc chính phủ Trung Quốc gọi mạng lưới vệ tinh này là "Con đường tơ lụa thông tin" trong Sách trắng quốc phòng năm 2015.
Giống như GPS, Bắc Đẩu cũng có chức năng dân sự và quân sự. Nếu cuộc thử nghiệm ở Pakistan diễn ra tốt đẹp, Bắc Kinh có thể cung cấp các dịch vụ quân sự của Bắc Đẩu, cho các quốc gia khác, từ đó thành lập một khối các quốc gia mà Mỹ sẽ khó theo dõi được các hoạt động quân sự của họ.
Đến năm 2020, tất cả 35 vệ tinh của hệ thống sẽ được ra mắt tại các quốc gia tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường để hoàn thiện hệ thống Bắc Đẩu.
"Bất kể người dùng dùng hệ thống Bắc Đẩu để làm gì - dù là hướng dẫn dân sự tìm hàng tạp hóa hay chính phủ dùng để điều phối các vụ phóng tên lửa - thì Trung Quốc đều có thể deo dõi", bà Priscilla Moriuchi, nhân viên cấp cao công ty an ninh mạng Recorded Future nói.
Theo NYT, việc Trung Quốc phóng vệ tinh Bắc Đẩu sẽ trở thành mối đe dọa của Lầu Năm Góc.
Quan hệ bấp bênh
Mặc dù mối quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan rõ ràng đã xích lại gần hơn nhưng không phải không có căng thẳng. Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan vẫn có thể dễ bị "tổn thương" trước những thay đổi chính trị ở Pakistan - như đã xảy ra trong năm nay tại Malaysia, quốc gia tạm đình chỉ ba dự án lớn của các công ty Trung Quốc.
Vào tháng 7 năm nay, Imran Khan đã được bầu làm Thủ tướng Pakistan. Trong chiến dịch tranh cử, ông đã hứa sẽ xem xét và đàm phán lại các dự án của Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan nếu ông thắng cử.
Ngoài ra, Bộ trưởng Thương mại Pakistan sau đó đã đề xuất đình chỉ tất cả các dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan để chờ chính phủ đánh giá.
Theo NYT, động thái của tân chính phủ Pakistan đã khiến Bắc Kinh tức giận và lo ngại rằng điều này có thể cản trở sự phát triển của sáng kiến Vành đai và Đường đai trên toàn cầu nhưng nhờ mối quan hệ chặt chẽ với lực lượng quân đội Pakistan nên khi các công ty quân đội giành được các gói thầu xây dựng cơ sở hạ tầng, Trung Quốc vẫn được hưởng lợi từ Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan.
Thủ tướng Khan đã tới Bắc Kinh hồi tháng 11 nhưng hai bên không tuyên bố bất cứ thông tin nào về thỏa thuận chung. Ảnh: THOMAS PETER
Theo đó, ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Thương mại Pakistan đưa ra đề xuất tạm dừng các dự án thuộc Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, chỉ huy tối cao của quân đội Pakistan, tướng Qamar Javed Bajwa, đã vội vã tới Bắc Kinh để thực hiện chuyến thăm không báo trước với Chủ tịch Tập Cận Bình. Sáu tuần sau, Thủ tướng Khan chính thức đến thăm Trung Quốc và gặp ông Tập.
Giới chức quân đội Pajkistan cho biết, tướng Bajwa và ông Tập đã thảo luận nhiều về các dự án thuộc Vành đai và Con đường, mặc dù theo thực tế, các cuộc đàm phán kinh tế thường không thuộc phạm vi can thiệp của tướng lĩnh quân sự.
NYT dẫn tuyên bố của quân đội Pakistan cho biết, tướng Bajwa khẳng định, "Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan sẽ là lá cờ đầu của sáng kiến Vành đai và con đường và kế hoạch này sẽ nhất định thành công, quân đội Pakistan sẽ đảm bảo an ninh cho Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan bằng mọi giá. "
Ngay sau khi kết thúc cuộc gặp ở Bắc Kinh, tất cả các ý kiến về việc đình chỉ hoặc hủy bỏ dự án của Trung Quốc cũng chấm dứt.
Nhưng đầu tư của Trung Quốc có thể phải đối mặt với một thách thức khác: cuộc khủng hoảng tài chính của Pakistan đã buộc chính phủ của Khan phải tìm kiếm các khoản vay từ các quỹ cho vay quốc tế - nơi yêu cầu sự minh bạch.
Trong suốt tháng 9, các đoàn quốc tế đã đến Islamabad cùng một thông điệp: Tiết lộ quy mô của các khoản vay từ Trung Quốc nếu Pakistan muốn hỗ trợ tài chính.
Các quan chức Pakistan tiết lộ rằng, Đại sứ quán Trung Quốc ở Islamabad đã tăng cường liên lạc, yêu cầu bảo mật các giao dịch trong dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan và cam kết hỗ trợ tài chính cho Pakistan bằng các khoản vay song phương.
Theo NYT, ba tháng sau khi nhậm chức, Thủ tướng Khan vẫn chưa thực hiện được lời hứa trong chiến dịch tranh cử, thay vào đó ông đã đến Bắc Kinh vào tháng 11, với hy vọng sẽ nhận được các khoản vay và hỗ trợ song phương để giảm bớt cuộc khủng hoảng tài chính ở Pakistan.
Tuy nhiên, đến tận khi dời khỏi Bắc Kinh, chính phủ của ông mới chỉ nhận được một lời hứa mơ hồ về một thỏa thuận "mang tính nguyên tắc" và từ chối tiết lộ bất mọi chi tiết liên quan.