NYT: Mỹ đã thỏa hiệp với TQ, Nga trước khi LHQ áp lệnh trừng phạt mạnh nhất vào Triều Tiên

Thủy Thu |

Tuy nhiên, nghị quyết trừng phạt Triều Tiên mới nhất của LHQ - được tất cả thành viên LHQ, bao gồm Trung, Nga tán thành - vẫn chưa đáp ứng đầu đủ yêu cầu ban đầu của Mỹ.

Mới đây, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã công bố nghị quyết thứ 9 với các biện pháp nặng nhất từ trước đến về trừng phạt Triều Tiên nhưng nội dung nghị quyết này chưa đáp ứng đầy đủ những yêu cầu trừng phạt trước đó do chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất.

Ngoài ra, vẫn chưa rõ liệu những biện pháp trừng phạt mới này có đủ sức mạnh để ngăn chặn Bình Nhưỡng ngừng thử hạt nhân và tên lửa hay không, bởi Chủ nhật trước nữa, nước này vừa tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6, cũng là vụ thử lớn nhất của nước này từ trước đến nay.

Khi đó, Bình Nhưỡng chính thức xác nhận đã thử hạt nhân lần thứ 6 và lần này là bom nhiệt hạch H có thể lắp vào tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Trung-Nga yêu cầu giảm nhẹ hình phạt

Theo New York Times (NYT-Mỹ), mặc dù nghị quyết trừng phạt Triều Tiên mới của Liên hợp quốc đã nhận được sự ủng hộ nhất trí của 15 thành viên của Hội đồng bảo an nhưng những hình phạt yếu ớt đã phản ánh sức mạnh của Nga và Trung Quốc.

Cả hai trước đó đều phản đối lệnh cấm vận dầu và các hình phạt nghiêm trọng khác - Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu hồi tuần trước rằng, các biện pháp trừng phạt bổ sung sẽ gây ra phản tác dụng và có thể khiến tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên bất ổn.

Họ có thể đã sử dụng quyền phủ quyết với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, NYT viết.

Báo Mỹ cho hay, nhằm đáp trả các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki R. Haley đã yêu cầu các nước thành viên thông qua nghị quyết mới của LHQ, thực hiện các biện pháp trừng phạt quốc tế toàn diện, bao gồm ngừng cung cấp hoàn toàn dầu mỏ.

NYT: Mỹ đã thỏa hiệp với TQ, Nga trước khi LHQ áp lệnh trừng phạt mạnh nhất vào Triều Tiên - Ảnh 1.

Một số biện pháp trừng phạt Triều Tiên đã dần bị gạt bỏ trong cuộc họp của Đại sứ Mỹ Haley với các Đại sứ Nga, Trung Quốc. Ảnh: VCG

Truy nhiên, trong các cuộc họp với Đại sứ Nga và Trung Quốc, những yêu cầu này đã dần bị gạt bỏ. Tối Chủ nhật, sau một loạt các cuộc họp kín, HĐBA đã thông báo một bản dự thảo đã được sửa đổi. Theo đó, nghị quyết buộc Triều Tiên hạn chế nhập khẩu dầu thô chứ không cấm vận hoàn toàn.

Một phân tích gần đây của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế tại London, Anh cho rằng, một lệnh cấm vận dầu sẽ không tác động nhiều trong thời gian dài đối với Triều Tiên bởi nước này có thể thay thế dầu bằng than hoá lỏng.

Ngoài ra, nghị quyết cũng yêu cầu các quốc gia kiểm tra mọi tàu thuyền ra vào các cảng của Triều Tiên - đây là biện pháp trừng phạt được HĐBA thông qua vào năm 2009 - nhưng không cho phép sử dụng vũ lực đối với các tàu không tuân thủ như Washington yêu cầu.

Nghị quyết mới cũng yêu cầu, công tác kiểm tra phải nhận được sự đồng ý của quốc gia - nơi tàu đăng ký. NYT cho rằng, đây là "lỗ hổng tạo điều kiện cho một số nước lách luật".

Đồng thời, nghị quyết của LHQ cũng không lệnh cấm di chuyển đến các quốc gia trên thế giới của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hay đóng băng tài sản của ông Kim như đề xuất ban đầu của Mỹ.

Giảm nhẹ hình phạt là yêu cầu của Nga - quốc gia sử dụng lao động Triều Tiên lớn nhất trên thế giới, NYT bình luận.

Dù LHQ giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt so với yêu cầu ban đầu của Mỹ nhưng phát biểu tại HĐBA, bà Haley đánh giá, nghị quyết lần này là một chiến thắng.

Bà này cho biết, mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tác động tích cực tới việc áp đặt lệnh cấm vận bổ sung với Triều Tiên.

Tuy nhiên, NYT dẫn lời các chuyên gia cho hay, kết quả cuối cùng, thước đo thành tựu ngoại giao không phải là mức động nghiêm khắc của lệnh trừng phạt mà là các quốc gia thuyết phục Triều Tiên dừng phát triển vũ khí hạt nhân và thử nghiệm tên lửa.

"Chỉ có chính sách trừng phạt sẽ không thể đưa Triều Tiên vào khuôn khổ" - ông Daryl G. Kimball, người đứng đầu Hiệp hội kiểm soát vũ khí nói - "Nó cần phải được kết hợp với các cuộc đàm phán thực tế nhưng những cuộc đàm phán này vẫn chưa bắt đầu".

Hiện, Triều Tiên vẫn chưa đưa ra phản ứng đối với lệnh trừng phạt mới nhưng Chủ nhật vừa qua, Bình Nhưỡng đã cảnh cáo sẽ gây ra "nỗi đau đớn và thống khổ lớn nhất" cho Mỹ nếu Washington tiếp tục thúc đẩy những lệnh trừng phạt nặng nề hơn của LHQ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại