Tờ New York Times (NYT) ngày 9/2 cho hay, tuyên bố trong điện đàm với ông Tập ngược với những phát ngôn kể từ khi đắc cử của ông Trump về khả năng chính quyền Mỹ xét lại việc tuân thủ chính sách "Một Trung Quốc".
Thông cáo báo chí của Nhà Trắng nói hai nhà lãnh đạo "thảo luận nhiều chủ đề, và Tổng thống Donald Trump đồng ý với yêu cầu của Chủ tịch Tập Cận Bình, rằng Mỹ sẽ tôn trọng chính sách 'Một Trung Quốc'".
Xét từ ảnh hưởng chính trị trong nước của vấn đề Đài Loan đối với Tập Cận Bình, cùng thực tế rằng cả ông Trump và ông Tập đều gọi điện trước cho đối phương 1 lần, và thông cáo của Nhà Trắng sau cuộc điện đàm ngày 9/2 cho thấy "sự thừa nhận của Trump (với chính sách 'Một Trung Quốc')", cho thấy thỏa thuận về vấn đề Đài Loan đã được hai bên làm việc trước đó.
Diễn đạt khác với Nhà Trắng, thông cáo của Bộ ngoại giao Trung Quốc nói Trump "nhấn mạnh ông hoàn toàn hiểu rõ tầm quan trọng của việc tuân thủ chính sách 'Một Trung Quốc' đối với chính phủ Mỹ".
NYT gọi "sự nhượng bộ" của Trump là một hành động được tính toán rõ ràng nhằm chấm dứt chuỗi căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung, bị dấy lên không lâu sau khi Trump đắc cử.
Theo nguồn này, ông Tập Cận Bình - do bất mãn với cuộc điện đàm phi chính thức giữa ông Donald Trump với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn vào tháng 12/2016 và tuyên bố sau đó của ông Trump rằng Mỹ có thể không bị ràng buộc với chính sách "Một Trung Quốc nữa - đã không có cuộc trao đổi nào với tân Tổng thống Mỹ kể từ sau ngày 14/11/2016.
Các quan chức chính quyền Mỹ kết luận rằng liên lạc giữa hai bên sẽ chỉ được nối lại nếu Tổng thống Trump công khai cam kết tuân thủ chính sách đã được Mỹ-Trung duy trì 44 năm này, mà theo đó Mỹ chỉ thừa nhận một chính phủ của Trung Quốc đặt tại Bắc Kinh.
Các chuyên gia Trung Quốc tin rằng "sự xuống nước" của ông Trump về vấn đề Đài Loan sẽ khiến Mỹ gặp khó khăn hơn khi đàm phán với Bắc Kinh trong tương lai. (Ảnh: Stephen Crowley/NYT)
Về phần mình, khi thấy chính quyền Trump xúc tiến những bước tiến nhỏ để mở đường cho cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ, phía Trung Quốc đã đáp lại một cách khá sốt sắng.
Vì thế, sau khi ông Trump gửi thư cho Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington để chúc người dân Trung Quốc một năm mới "thịnh vượng" chỉ vài ngày trước Rằm Tháng Giêng, Bắc Kinh đã tuyên bố "rất vui mừng" khi nhận được lời chúc của Tổng thống Mỹ.
Vào ngày thứ Năm tuần qua, ngay trước khi cuộc điện đàm diễn ra, tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, người đã cam kết ủng hộ chính sách Một Trung Quốc trong buổi điều trần trước khi được phê chuẩn, đã có mặt ở Nhà Trắng.
Theo NYT, có vẻ như ông Tillerson đã trình bày cho ông Trump thấy những nguy cơ trong cách tiếp cận của mình đối với chính sách Một Trung Quốc.
Cũng theo NYT, việc Trump thay đổi quan điểm về vấn đề Đài Loan củng cố thêm niềm tin của những người Trung Quốc đánh giá ông chỉ là tổng thống Mỹ mới nhất "nói cứng" về Bắc Kinh trước khi chính thức nắm quyền, để rồi cuối cùng vẫn phải nhân nhượng trước thực tế về kinh tế và áp dụng các chính sách mang tính hợp tác hơn.
Điều này đồng nghĩa với chính quyền Trump sẽ gặp khó khăn hơn khi thương lượng với chính phủ Trung Quốc về các lĩnh vực như thương mại hay vấn đề hạt nhân Triều Tiên.