Nga khó cắt giảm sản lượng dầu vì... trời lạnh?
Theo NYT, trong phần lớn thời gian giai đoạn hậu Xô-viết, giới chức ngành năng lượng của Liên bang Nga đã cự tuyệt những lần "thỉnh cầu" của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) về việc tham gia vào chương trình cắt giảm sản lượng nhằm bảo vệ giá dầu.
Khí hậu lạnh giá là nguyên nhân được Nga đưa ra để lý giải sự bất khả thi của việc giảm sản lượng.
Nhưng hiện nay, khi đối mặt với tình trạng thừa dầu và không đủ kho chứa do nhu cầu tiêu thụ cũng như giá dầu xuống thấp kỷ lục, các nhà điều hành năng lượng Nga đã công bố kế hoạch cắt giảm đến 1/5 sản lượng bằng cách... đóng cửa các giếng dầu, thậm chí rất nhiều trong số đó nằm ở Bắc Cực.
Nga thường không sẵn sàng chia sẻ gánh nặng với OPEC khi cho rằng việc giảm sản lượng không phải là bài toán dễ dàng với họ như đối với những vương quốc dầu mỏ ở sa mạc. Theo người Nga, các giếng khoan trong băng không thể ngừng hoạt động bởi chúng có thể bị đóng băng và phải khoan lại từ đầu khi tái vận hành.
Các nhà phân tích về dầu mỏ đã gọi lý do thời tiết là một trong những lời nói dối địa chính trị lớn nhất trong ngành dầu mỏ toàn cầu, và Nga đã tận dụng điều đó trong nhiều thập kỷ để khước từ những đề nghị trợ giúp từ OPEC.
Thomas Reed, nhà đầu tư năng lượng ở Houston, bang Texax, Mỹ, và là cựu điều hành một công ty dầu mỏ có kinh nghiệm làm việc ở Siberia, khẳng định lý do khí hậu giá lạnh cản trở cắt giảm sản lượng "là lời nói bừa bãi".
"Nhìn chung, một giếng dầu có thể đóng lại bình thường," ông Reed nói.
NYT chỉ ra, nhận định của Reed được minh chứng bằng việc Nga đã dừng vận hành các giếng dầu một cách chóng vánh. Ngay cả các giếng dầu ở Siberia và vùng cực Bắc đất nước cũng được đóng lại dễ dàng như ở bất kỳ nơi nào khác.
"Mức độ tuân thủ [của Nga] đối với thỏa thuận sẽ là 100%," Bộ trưởng năng lượng Nga Aleksandr Novak trả lời hãng Interfax hôm 29/4, đề cập cam kết của Nga với OPEC về việc cắt giảm sản lượng khoảng 2 triệu thùng dầu mỗi ngày - tương đương 1/5 sản lượng của họ trước khủng hoảng hiện nay.
Việc cắt giảm đã được bắt đầu từ tuần trước, theo ông Novak, và "tất cả các doanh nghiệp đã nhận trách nhiệm thực thi thỏa thuận".
(Ảnh: Ruslan Shamukov / TASS)
Nga bị tố nhiều lần "bổn cũ soạn lại"
Trong nhiều năm sau khi Liên Xô tan rã, OPEC đã nỗ lực kêu gọi Moskva tham gia các thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Nga trở thành quốc gia xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới nếu tính cả kim ngạch khí tự nhiên, và gặt hái những quả ngọt nhờ chính sách bảo vệ giá của OPEC mà không phải chịu gánh nặng nào.
"Quân bài" khí hậu lạnh giá đã được Moskva tung ra nhiều lần: Sau khi giá dầu lao dốc năm 1998 và trong cuộc suy thoái toàn cầu do khủng hoảng tài chính 2008.
Bất đồng trở lại vào năm 2014 trong các cuộc đàm phán với Vienna giữa Nga với Saudi. Đến năm 2016, ban đầu Nga bác bỏ một thỏa thuận với OPEC, trước khi chấp nhận một thỏa hiệp nhỏ.
Các quan chức Nga biện minh họ không tham gia chương trình cắt giảm với OPEC không phải để thu lợi, mà bởi khí hậu khắc nghiệt của vùng Siberia.
"Chúng tôi không thể làm việc theo cách OPEC làm," CEO tập đoàn dầu mỏ Rosneft Igor Sechin nói tại Tuần lễ dầu mỏ quốc tế 2016 (International Petroleum Week), diễn ra ở London.
Theo ông Sechin, nhiệt độ tại các mỏ dầu của Nga nhiều lúc hạ xuống đến -50 độ C. "Chúng tôi đã cố gắng giải thích điều đó cho những người bạn OPEC."
Theo các chuyên gia trong ngành, không có mấy nghi ngờ rằng khí hậu giá lạnh gây ra một loạt vấn đề đặc biệt cho NGa, song không có gì là không thể khắc phục.
Một số dầu mỏ ở Nga bão hòa tự nhiên với sáp Paraffin và đủ nhiệt độ để lưu chuyển ở dạng lọng. Trên bề mặt, sáp được tách dầu và đổ trong các gò đất lớn xung quanh mỏ. Các đường ống dẫn cũng cần được tháo cạn trước khi khóa lại để ngăn sáp chảy vào.
Ở nhiều giếng dầu khác tại Nga, các kỹ sư "trích xuất" dầu thô bằng cách bơm nước qua vài chục hoặc vài trăm mét băng vĩnh cửu để tạo áp lực khiến dầu nổi lên bề mặt. Khi đóng giếng, các kỹ sư phải bảo đảm những cột nước này không nổi lên lớp băng vĩnh cửu.
Tuy nhiên, vấn đề nói trên lại được bù đắp bằng lợi ích lớn khi đóng cửa giếng dầu, bởi khi không có gì được đẩy lên, sức ép trong giếng có xu hướng làm tích tụ dầu - các nhà phân tích cho hay - và khi giàn khoan tái khởi động thì lượng dầu sẽ có nhiều hơn so với thời điểm trước khi khóa giếng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin làm việc với CEO Igor Sechin của Rosneft tại điện Kremlin, ngày 1/4/2019 (Ảnh: Kremlin.ru)
Trên thực tế, NYT cho hay, tại Nga và cả các nơi khác, những nhà địa chất học định kỳ khóa một hoặc vài giếng dầu trong một mỏ để kiểm tra về áp lực tích lũy. Chưa có tổn thất nào được ghi nhận.
"Tôi không thực sự thấy có nhiều vấn đề," chuyên gia phân tích dầu mỏ ở ngân hàng đầu tư Renaissance Capital tại Moskva, ông Aleksandr Burgansky, nói. "Các công ty dầu mỏ biết phải làm thế nào".
Ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 làm sụp đổ nhu cầu toàn cầu đối với dầu mỏ và buộc Nga phải cắt giảm sản lượng, Saudi Arabia cũng bày tỏ ngờ vực về luận điểm của Moskva liên quan đến khí hậu giá lạnh.
Vào năm 2014, Bộ trưởng năng lượng Saudi khi đó là ông Ali al-Naimi đã bỏ ra khỏi phòng họp sau khi ông Sechin nói Nga không thể cắt giảm sản lượng. Chi tiết này được ghi lại trong hồi ký của ông al-Naimi.
Michael Lynch, chuyên gia tại Quỹ nghiên cứu chính sách năng lượng ở Washington, Mỹ, nói rằng người Nga "luôn đưa ra luận điểm là 'chúng tôi cần thời gian để cắt giảm'".
"Tôi nghĩ rằng đến 90% là họ kiếm cớ," ông nói.
Giá dầu ở thị trường châu Á đã quay đầu giảm trong phiên giao dịch sáng 6/5 sau hai ngày liên tiếp tăng, trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc căng thẳng trở lại đã "lấn át" tín hiệu lạc quan về nhu cầu tiêu thụ khi các nền kinh tế lớn bắt đầu nới lỏng các hạn chế do dịch COVID-19.
Cụ thể, giá dầu thô Brent đã giảm 1,1% xuống 30,63 USD/thùng. Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 5/5, giá dầu Brent đã tăng 14% và lần đầu tiên vượt ngưỡng 30 USD/thùng kể từ giữa tháng 4. Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng giảm 1,9% xuống 24,13 USD/thùng.
Giá dầu thế giới đã lao dốc trong những tuần gần đây do các quốc gia áp dụng biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu dầu giảm mạnh. Tháng trước, giá dầu Brent đã giảm gần 60% và chạm ngưỡng thấp nhất trong 21 năm, trong khi giá dầu WTI giao dịch tại thị trường New York, Mỹ ngày 20/4 cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục 37,63 USD/thùng.