Ba ngày sau khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh cấm người tị nạn vào Mỹ và hạn chế các quyền của người nhập cư, những câu hỏi về phạm vi cũng như tính hợp pháp, sự chắc chắn của sắc lệnh này đang ngày càng gia tăng.
Bằng việc phá vỡ các quy chuẩn thông thường trong quá trình xây dựng chính sách, Nhà Trắng đang tạo ra một sự khó hiểu, về đối tượng của mệnh lệnh này cũng như cách thức mà nó sẽ được thực thi.
Trong khi Nhà Trắng gọi sắc lệnh này là "rà soát", các nhà phân tích lại gọi nó là lệnh cấm người Hồi giáo
Người ta cũng vẫn mơ hồ về tính hợp pháp của sắc lệnh này cũng như cách thức mà tòa án sẽ xử lý các vụ việc liên quan .
Đối với những người nước ngoài, lệnh cấm của Trump làm dấy lên câu hỏi về việc làm thế nào mà một tổng thống Mỹ lại có thể thực hiện một hành động đột ngột và đơn phương như thế.
Hành động đó dường như không bị ràng buộc bởi cơ chế "kiểm soát và cân bằng" giữa các cơ quan lập pháp và hành pháp của Mỹ. Nó cũng không tuân theo cách thức xây dựng chính sách thông thường, thậm chí còn không tuân theo luật pháp và đang tạo ra những vấn đề lớn trong việc thực thi chính nó.
Tại sao sắc lệnh cấm nhập cư lại tạo ra sự lộn xộn như đã thấy?
Sắc lệnh cấm người nhập cư đã tạo ra làn sóng phản đối trên khắp nước Mỹ. Ảnh: NYT
Sắc lệnh cấm nhập cư nhắm vào ba đối tượng: người tị nạn từ các quốc gia khác nói chung [bị cấm nhập cư vào Mỹ trong vòng 120 ngày]; những người tị nạn từ Syria [bị cấm nhập cư vô thời hạn]; và công dân của 7 nước có đa số người dân theo đạo Hồi [bị cấm nhập cư vào Mỹ trong ít nhất 90 ngày tới]. Bảy nước này là Iran, Iraq, Lybia, Somalia, Sudan, Syria và Yemen.
Tuy nhiên sắc lệnh không nói rõ phương pháp thực thi cụ thể như thế nào, gây nên tình trạng rối loạn trong việc áp dụng nó vào thực tế.
Theo Bộ An ninh Nội địa, việc cấm nhập cư đối với công dân 7 nước trong danh sách còn gây ra các phiền toái đối với những công dân đã có thẻ xanh đang cư trú hợp pháp tại Mỹ.
Vào Chủ nhật vừa rồi, Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus đã giải thích những người có thẻ xanh không phải là đối tượng của sắc lệnh, nhưng dù sao nó cũng đã ảnh hưởng tới các sinh viên, những người lao động và những người nhập cư hợp pháp khác.
Sắc lệnh đang được thực thi như thế nào?
Vì sắc lệnh cấm nhập cư không đề cập rõ ràng tới việc thực thi, nên các nhân viên hải quan và những công chức làm việc ở đường biên giới đang phải tự "tùy cơ ứng biến".
Một vài tòa án tại các bang đã cấm thực thi việc trục xuất theo sắc lệnh của Trump, đồng thời yêu cầu có luật sư cho các cá nhân bị giữ lại tại các sân bay hoặc cửa khẩu. Thế nhưng, đã xuất hiện hiện tượng lực lượng hải quan và cửa khẩu không tuân thủ mệnh lệnh này của tòa.
Tất cả những sự việc này tiềm ẩn một cuộc xung đột giữa các cơ quan của chính phủ, và đó là điều rất đáng lo ngại, vì phân chia quyền lực là nền tảng của nền dân chủ Mỹ.
Nếu ngành tư pháp bị ngăn chặn trong việc thực hiện vai trò kiểm soát việc điều hành đất nước, một cuộc khủng hoảng hiến pháp sẽ xảy ra. Khi đó không ai rõ Tổng thống Trump sẽ phản ứng và xử lý khủng hoảng như thế nào.
Tổng thống có thể đơn phương ra một sắc lệnh như thế?
Mặc dù bị giới hạn bởi những điều khoản trong hiến pháp, nhưng Tổng thống Mỹ có phạm vi quyền lực rất rộng trong việc đưa ra các biện pháp điều tiết và hạn chế nhập cư mà không phải thông qua Quốc hội.
Trong trường hợp của Trump, ông đã phá vỡ những thông lệ lâu đời trong việc thực thi quyền hành pháp của một tổng thống.
Thông thường, khi một tổng thống đưa ra dự thảo thay đổi chính sách, ông ấy sẽ tham vấn các cơ quan liên bang và các bên liên quan trong và ngoài chính phủ. Quá trình tham vấn này có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng.
Thông lệ tham vấn này là nhằm rà soát tính hợp pháp, khả năng thực thi và các hậu quả chưa nhìn thấy trước của chính sách.
Quá trình tham vấn cũng sẽ giúp các cơ quan liên quan cũng như các đối tượng bị tác động chuẩn bị cho việc chính thực thi chính sách.
Trong trường hợp sắc lệnh cấm nhập cư, chính quyền của Trump đã bỏ qua quá trình tham vấn trên, chỉ bàn bạc dự thảo này, cũng như nhiều sắc lệnh khác gần dây, trong nội bộ một nhóm cố vấn nhỏ.
Những cơ quan liên quan hay Hội đồng An ninh Quốc gia đã không được tham vấn sắc lệnh cấm nhập cư này trước khi nó được ký.
Luật pháp không quy định quá trình tham vấn chính sách là điều bắt buộc.
Tuy nhiên, bằng việc bỏ quên quá trình này, chính quyền đã phá vỡ một bước "kiểm tra nội bộ" quan trọng trong việc thực thi quyền hành pháp, tạo ra ấn tượng chính sách được đưa ra một cách thiếu thận trọng.
Hậu quả là hàng loạt các cơ quan liên bang không được chuẩn bị cho việc giải thích và thực thi sắc lệnh, còn các công chức hải quan và biên giới thì nhầm lẫn và phải cố hết sức để thực thi sắc lệnh.
Thế nhưng việc rà soát nội bộ có ý nghĩa quan trọng hơn là chỉ đảm bảo tính pháp lý hay thực thi dễ dàng. Kiểm soát nội bộ chính là để bảo vệ các giá trị cốt lõi và các lợi ích của nước Mỹ.
Sắc lệnh cấm nhập cư có hợp pháp không?
Nhiều thẩm phán cho rằng sắc lệnh này thiếu tính pháp lý, ít nhất là đối với những người nhập cư có giấy tờ hợp lệ.
Giáo sư T. Alexander Aleinikoff, cựu cố vấn cho cơ quan Di trú và Nhập tịch, đồng thời là phó ủy viên của cơ quan LHQ về người tị nạn, cho rằng sắc lệnh cấm nhập cư của Trump có thể xung đột với cả luật pháp liên bang và Hiến pháp Mỹ.
Công ước về người tị nạn của LHQ đã được tích hợp vào luật pháp Mỹ và nó không cho phép bất cứ sự phân biệt đối xử nào về tôn giáo đối với người tị nạn.
"Cũng có những điều trong Hiến pháp cho thấy sắc lệnh này có sự phân biệt đối xử về tôn giáo", GS Aleinikoff nói thêm.
Ngôn ngữ mơ hồ, thiếu rõ ràng của sắc lệnh cấm nhập cư cũng sẽ là một lý do gây ra các tranh luận về việc nó có vi phạm hiến pháp hay không.
Tuy nhiên, tổng thống có quyền hạn lớn trong việc đưa ra các chính sách hạn chế nhập cư mà không cần phải thông qua Quốc hội. Nhưng việc này chỉ được áp dụng hạn chế và chưa rõ có thể thể áp dụng đối với các nhóm tôn giáo hay không.
Nước Mỹ có thể cấm người Hồi giáo hay không? Các tòa án chưa trực tiếp quyết định luật pháp có cấp quyền cho Tổng thống cấm người thuộc tôn giáo nào đó nhập cư hay không.
Các tòa án liên bang cũng sẽ khá miễn cưỡng trong việc ra những quyết định nhiều khả năng vi phạm hiến pháp. Thực tế, các tòa án liên bang sẽ sẵn sàng hơn cho việc hạn chế sắc lệnh này hoặc ra quyết định liên bang không đủ cơ sở pháp lý để thực thi.
Nếu những quyết định như thế được đưa ra thì Nhà Trắng sẽ phải ra những sắc lệnh cụ thể hơn. Nhưng nếu sắc lệnh đề cập cụ thể một nhóm tôn giáo lại càng khẳng định đó là lệnh "cấm người Hồi giáo" – điều mà Nhà Trắng đang ra sức phủ nhận.