Bệnh nhân là ông Nguyễn Trọng T. (63 tuổi, ở Thanh Hà, Hải Dương) vào BV Tai Mũi Họng Trung ương ngày 13/12/2019 với lý do đau cổ.
Theo lời kể của bệnh nhân, trước khi vào viện 7 ngày, ông T. ăn bữa cơm có gà thì bị hóc. Sau hóc bệnh nhân không nôn, có biểu hiện nuốt đau, nuốt vướng, ăn uống kém. Tiếp đó do thấy sốt 38-39 độ C, sưng đau vùng cổ nên ông T. đã vào viện kiểm tra.
Tại BV Tai Mũi Họng Trung ương, bệnh nhân vào viện trong tình trạng tỉnh, da, niêm mạc hồng hào, tuyến giáp không to. Các bác sĩ đã tiến hành khám tai mũi họng và vùng đầu cổ cho thấy, vùng cổ phải của bệnh nhân sưng nề, nóng đỏ, ấn đau, quay cổ hạn chế, lọc cọc thanhquản…
Mảnh xương sắc nhọn, có gai gây áp xe ở thực quản đã được bác sĩ lấy ra thành công.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị dị vật thực quản xương gà ngày thứ 7, biến chứng áp xe thực quản cổ. Bệnh nhân đã được phẫu thuật trong lần đầu tiên mở cạnh cổ để dẫn lưu ổ áp xe tránh lan ổ áp xe xuống trung thất và tìm mảnh xương hóc.
Tuy nhiên sau 3 tiếng đồng hồ không tìm thấy dị vật nên phải dừng lại để đảm bảo vấn đề gây mê được tốt hơn.
Bệnh nhân được tìm xương lần 2 và đến lần 3 mới tìm được xương nhọn, có gai, nằm ở phía sau cân đốt sống cổ. Đây chính là nguyên nhân gây áp xe cạnh cổ rất lớn ở bệnh nhân - BS. Thắng nói.
Cũng theo BS. Thắng, xương gà có tính chất sắc, khi mắc vào họng hay phần thực quản sẽ cắm sâu vào thực quản và gây chảy máu, trầy xước dẫn đến sưng tấy gây ra viêm nhiễm, chảy máu, áp xe. Nếu xương gà không được lấy ra, thì rất có nguy cơ gây thủng thực quản.
Trước đây, các bác sĩ khoa Cấp cứu cũng đã từng gặp nhiều trường hợp dị vật cắm vào thực quản khác như: Xương cá, vỉ thuốc tây, tăm, kim băng… Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân cần phải chú ý khi ăn uống hay đưa những vật sắc nhọn vào trong khoang miệng. Trong trường hợp bị hóc các dị vật thì nên đến các cơ sở y tế ngay để được xử lý kịp thời.