Có thâm niên hơn 20 năm làm nghề nướng cá, bà Vương Thị Loan (59 tuổi, trú xã Hộ Độ) đã trải qua nhiều thăng trầm với nghề. Dù mùa đông lạnh giá hay nắng gắt, lò bếp nướng cá của gia đình vẫn đỏ lửa ngày đêm.
“Mùa đông còn đỡ, nhưng làm nghề này mùa hè vất vả hơn nhiều. Từ sáng khoảng 9h bắt đầu đỏ lửa đến khoảng 19h thì nghỉ, mệt nhất là từ 10h đến 4h chiều. Tôi phải mặc nhiều lớp áo, bịt vài lớp khẩu trang để tránh nắng và hơi nóng từ bếp lửa”, bà Loan chia sẻ.
Bà Loan được đánh giá là người nướng cá ngon có tiếng ở đây nên được nhiều người đặt hàng. Mỗi ngày nướng từ 200-300 con, cũng có những hôm đến gần 500 con.
Những ngày qua Hà Tĩnh nắng nóng hừng hực, nhiệt độ phổ biến từ 37-39 độ C. Dọc đường tỉnh lộ 9 ở xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, không chỉ bếp của gia đình bà Loan mà nhiều người phụ nữ khác vẫn đỏ lửa nướng cá để phục vụ khách hàng.
Cá bán ở đây chủ yếu là cá nục, cá chim, cá đối. Những loại cá này được lựa chọn mua từ biển về, sau đó làm sạch ruột, để ráo nước trước khi cho lên bếp than hồng.
Tại các bếp lúc nào cũng đặt hai chiếc quạt cạnh bên, một chiếc thổi than, quạt còn lại làm mát cơ thể. Để tránh nắng nóng, những người phụ nữ phải khoác nhiều áo, bịt nhiều lớp khẩu trang.
Giá cá được bán từ 30.000-40.000 đồng tùy loại to nhỏ. Trừ chi phí tiền điện, than mỗi ngày người dân cũng chỉ lãi được 200.000-300.000 đồng.
Dù công việc vất vả, nhưng đây là nghề truyền thống nên vẫn phải mưu sinh hàng ngày. Nắng nóng khiến công việc nướng cá vất vả bội phần.
Bà Trương Thị Thuận (51 tuổi) cho biết, cứ đến mùa hè bà sẽ giảm đi 4-5kg vì làm việc mất sức. Đặc biệt những ngày nắng nóng đỉnh điểm như những ngày qua vẫn phải đỏ lửa vì nếu nghỉ sẽ mất khách và không có thêm thu nhập cho gia đình.
Gian hàng bếp nướng cá của bà Thuận phải lắp thêm những tấm vải để che nắng, nhưng lò bếp vẫn hừng hực.
Làng nghề nướng cá bằng than quạt tay tại Hộ Độ nức tiếng trong vùng. Dù nắng, mưa những gian bếp này vẫn đỏ lửa.