Với diện tích nuôi chỉ 0,7 ha, riêng năm 2017, mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm đã giúp gia đình ông Mai Văn Thọ (ấp Kinh Lớn, xã Đông Thới, huyện Cái Nước, Cà Mau) có lợi nhuận gần 200 triệu đồng.
Những năm sau đó, con sò huyết đều đặn giúp gia đình ông có lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm. Cũng nhờ nguồn thu nhập cao từ nuôi sò gia đình ông Thọ đã xây được ngôi nhà khá khang trang.
Ông Mai Văn Thọ cho biết, mỗi ha thường thả từ 250.000 – 300.000 con giống, giá khoảng 30 triệu đồng. Sau 8 tháng thu hoạch, lợi nhuận thu được gấp 4 lần tiền vốn. Năm nay, gia đình ông thả hơn 20 triệu đồng tiền giống, sau 5 tháng con sò đang phát triển tốt và hứa hẹn lại có một vụ mùa thành công.
“Có cả tôm, cua, nhưng con tôm, con cua ít còn con sò mang lại nguồn thu nhiều hơn. Con sò đi đầu, mang lại hiệu quả cao, giúp cuộc sống gia đình ổn định. Nuôi sò khỏe hơn nuôi cua, con cua phải cho ăn, còn sò không cần cho ăn mà hiệu quả rất cao. Nuôi sò chỉ cần phải thay nước thường xuyên để lấy phù sa vào làm thức ăn”, ông Mai Văn Thọ nói.
Nuôi sò huyết dưới vuông tôm cho lợi nhuận cao.
Tại Tổ hợp tác Nuôi cua 2-9 (xã Đông Thới, Cái Nước), đối tượng nuôi chủ lực của bà con trước đây là con cua và tôm sú. Từ khoảng năm 2014 trở lại đây, một số tổ viên thả xen thêm sò, đến nay, đa số tổ viên đều tiến hành nuôi sò và đạt hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Minh Phồi, Tổ trưởng Tổ hợp tác Nuôi cua 2-9 cho biết, con sò cho nguồn thu trên dưới 100 triệu đồng/ha/năm đã trở thành chủ lực kinh tế trong mô hình tôm - cua - sò kết hợp.
Con sò giúp người dân có thu nhập cao hơn gấp đôi so với mô hình nuôi tôm - cua kết hợp truyền thống.
Bà con nuôi sò cần chọn được giống tốt, tiến hành thả nuôi đúng thời điểm. Một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo vụ sò thành công là khi thả giống vuông tôm không được có rong, độ mặn trong vuông tôm phải đạt trên 20 phần ngàn.
“Ban đầu, trong Tổ hợp tác mới có vài hộ nuôi thôi và đạt hiệu quả. Hiện, 80% số hộ đã nuôi sò. Tổng thu hoạch trung bình trong 1 năm gồm cả tôm và cua thì khoảng 170 triệu đồng/ha.
Nuôi sò thì không có gì khó khăn, thứ nhất, cần biết chọn giống tốt, thứ hai là coi đất mình có phù hợp nuôi không, có rong không. Mặt đất mà không tốt thì nuôi không đảm bảo”, ông Nguyễn Minh Phồi cho hay.
Đầu ra và giá sò duy trì ổn định thời gian qua.
Ưu điểm của mô hình nuôi sò huyết là dễ thực hiện, không cần cho ăn, ít tốn công chăm sóc. Riêng xã Đông Thới là nơi đầu tiên khởi phát mô hình nuôi sò của huyện Cái Nước đã nhân ra được khoảng 500 ha. Với nguồn lợi nhuận từ việc nuôi sò ước đạt khoảng 100 triệu đồng/ha/năm, mô hình đang giúp nhiều hộ dân vươn lên.
Ông Võ Văn Triệu, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phước cho biết: “Mô hình nuôi sò tại địa phương mới phát triển. Mấy năm trước, trong đồng bào dân tộc, một số hộ nghèo phát hiện ra giống sò mang về thả nuôi.
Sau đó, cấp trên xuống tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ để bà con làm bài bản hơn. Sản lượng con sò mang lại khoảng 1 - 1,2 tấn/ha/năm. Sản lượng đạt rất cao, diện tích lớn nhỏ gì nuôi cũng được. Đây là mô hình giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã”.
Mô hình nuôi xen sò huyết trong vuông tôm đã chứng minh được hiệu quả. Thời gian qua, mô hình này phát triển mạnh trên địa bàn huyện Cái Nước. Đặc biệt, giá sò và đầu ra vẫn ổn định sau nhiều năm nên đang được nhiều địa phương lựa chọn nuôi thử nghiệm, nhân rộng.