Lần đầu tiên, trong bảng xếp hạng thường niên Những Phụ nữ thành công nhất nước Mỹ do tạp chí Forbes bình chọn có sự xuất hiện của 2 cặp chị em.
Một trong hai cặp chị em đó là chị em nhà Wojcicki: Anne Wojcicki - người sáng lập kiêm CEO công ty xét nghiệm di truyền 23andMe và chị cả Susan Wojcicki, CEO của YouTube.
Anne, 44 tuổi, cũng là vợ cũ của người sáng lập Google, tỷ phú Sergey Brin.
Cô lần đầu góp mặt trên bảng xếp hạng nữ doanh nhân thành đạt nhất nước Mỹ ở vị trí 44, kém 2 bậc so với chị gái mình nhờ giá trị tăng trưởng phi mã của công ty công nghệ sinh học 23andMe.
Chị gái Susan từng góp mặt trên bảng xếp hạng này kể từ năm 2015, khi lần đầu tiên danh sách Top doanh nhân nữ của Mỹ được công bố.
Là một trong những thành viên đầu tiên của Google, chính Susan đã thúc giục ban quản trị công ty mua lại trang YouTube vào năm 2006 và trở thành giám đốc điều hành công ty này năm 2014.
Trong gia đình Wojcicki còn có một cô con gái rất thành công là Janet, hiện giảng dạy tại Trung tâm Y tế San Francisco, Đại học California. Cô cũng đã có bằng Tiến sĩ chuyên ngành nhân chủng học y khoa.
Hai chị em Anne và Susan Wojcicki.
Trước thành công đáng ngưỡng mộ mà 3 chị em gái nhà Wojcicki đạt được, tạp chí Forbes đã quyết định tìm hiểu về bà Esther Wojcicki, 77 tuổi - mẹ của 3 cô con gái thành đạt.
Bà là một nhân vật lẫy lừng của giáo dục thế giới và là người sáng lập chương trình truyền thông của trường Palo Alto High School thuộc diện lớn nhất nước Mỹ.
Esther đã nuôi dạy con gái tại khu học xá Đại học Stanford, nơi chồng bà, Stanley, làm việc với tư cách một thầy thuốc được nhiều người kính trọng.
Các giáo viên và phụ huynh đã tìm đến bà để xin lời khuyên về cách nuôi dạy con. Hiện bà đang viết một cuốn sách về chủ đề này (dự kiến xuất bản vào năm 2019 với tên gọi "How to raise sucessful people" – Làm thế nào để nuôi dạy những người thành công).
Dưới đây là một trong những quan điểm nuôi dạy con của bà mẹ Mỹ đáng nể này:
Dạy con sớm nhất có thể
Có nhiều nguyên tắc then chốt phong cách nuôi dạy con gái của bà Esther, có thể kể đến như: khích lệ sự độc lập và tư duy phản biện; thúc đẩy trẻ đào sâu tìm hiểu các chủ đề khiến trẻ thực sự hứng thú và phát triển khả năng tự lập để kiểm soát tương lai của chính mình cũng như tạo nên những thay đổi tích cực cho thế giới.
Ngay khi con gái đầu lòng Susan chào đời ở hạt Santa Clara vào năm 1968, ưu tiên số 1 của bà Esther là cố gắng giúp con cái học nhiều nhất ở tuổi nhỏ nhất có thể.
Hai vợ chồng Esther - Stanley Wojcicki và các cô con gái Susan, Janet, Anne.
"Tôi coi các con như một thử nghiệm giáo dục và mục tiêu của tôi là xem liệu tôi có thể dạy con sớm tới mức nào", bà Esther chia sẻ với tạp chí Forbes.
Hai vợ chồng Esther và Stan thường đưa các con tới những trại chăm sóc cây giống, nơi họ thực hành kỹ năng làm vườn vào cuối tuần. Đó cũng là nơi họ dạy các con tên gọi các loài hoa.
"Tôi cảm thấy thật thú vị khi dạy các con học bơi từ sớm, đọc từ sớm, đạp xe đạp và nắm một số thông tin cơ bản về khu vực mình đang sống. Bạn thực sự có thể dạy trẻ từ rất sớm".
Ít kiểm soát con để con sớm tự lập
Bà Esther cũng tin vào việc trao cho con gái mình mức độ kiểm soát ít nhất để các con suy nghĩ và hành động một cách độc lập hơn.
Khi các con gái bắt đầu đọc, bà đưa con tới thư viện địa phương hàng tuần với một chiếc giỏ đựng quần áo giặt là chất đầy sách và để bọn trẻ đưa tới chỗ có bất cứ điều gì khiến chúng thích thú. Susan thể hiện đam mê nghệ thuật từ sớm, trong khi Janet yêu toán và Anne thích "tụ tập và giao lưu".
Bà dần dần trao nhiều trách nhiệm hơn cho các con bằng cách để bọn trẻ đi những bước đi nhỏ.
Ví dụ: tự chọn quần áo và đi bộ tới trường Tiểu học cùng với chú chó cưng của gia đình khi bọn trẻ mới chỉ 5 tuổi. 3 chị em cũng được phép sang nhà bạn bè hàng xóm chơi, chỉ cần về đúng giờ lúc 5h30 để luyện bơi lúc 6 giờ.
Ảnh chụp gia đình Wojcicki ở Palo Alto, California.
Phát hiện và khuyến khích tố chất doanh nhân trong các con
Bà Esther không chỉ muốn các con được tự do làm điều chúng muốn mà còn đảm bảo rằng ý kiến và sự sáng tạo của bọn trẻ luôn được nâng niu, trân trọng. Năm Susan 6 tuổi, bà Esther để con trang trí phòng ngủ của mình, từ trần tới sàn nhà.
Susan đã đi xem xét toàn bộ sản phẩm trong cửa hàng bày đồ lát sàn, trang trí sàn và rốt cuộc, "tha" về một chiếc "thảm màu hồng nóng bỏng" – Esther nhớ lại: "Con bé rất thích chiếc thảm đó và nó dùng được tới 12 năm. Đó là khởi đầu cho tinh thần tự lập của Susan".
Bà Esther cho biết, đã quan sát tố chất doanh nhân của các con gái phát triển từ sớm. Bắt đầu từ khoảng 5-6 tuổi, bọn trẻ đã bán trái cây và khăn tay ở khu vực quanh nơi ở.
Hàng xóm gọi 2 chị em là "lemon girls" bởi đôi khi, các cô bé hái chanh từ cây trong sân hoặc vườn hàng xóm rồi bán lại cho chính chủ sở hữu. "Bọn trẻ tự chế đồ và bán chúng, những chiếc gối nhỏ chẳng hạn. Cả 3 con gái tôi đều học cách khâu vá".
Nắm bắt rõ điểm mạnh của các con
Phẩm chất, tính cách mà các con gái thể hiện khi còn nhỏ vẫn được duy trì khi họ trưởng thành. Bà Esther tiết lộ:
Susan "ngay từ đầu đã là một bé gái rất tốt bụng", người lúc nào cũng bình tĩnh, khôn ngoan và hay giúp đỡ người khác.
Nếu cần phải đưa ra một quyết định khó khăn, hãy nói chuyện với Susan. Con bé suy nghĩ rất rõ ràng, rành mạch trong mọi tình huống".
Janet thì tò mò và là đứa trẻ "giàu năng lượng nhất" trong số 3 chị em cũng như thể hiện sự thành thạo tuyệt vời với ngôn ngữ.
Anne thì dễ thương số 1, đồng thời cũng rất thông minh. "Con bé chính là người duyên dáng hạng nhất".
Bà Esther rất tự hào vì các con và tự hào rằng mình "chưa bao giờ cản bước đường của chúng".
Dạy con tạo ra sự thay đổi cho thế giới
Một giá trị khác mà bà Esther cũng như chồng bà, Stan, đã truyền cho các con là lý tưởng tạo ra tác động tích cực trong thế giới này. "Với rất nhiều đứa trẻ, mục tiêu số 1 trong đời là có nhiều đồ chơi hơn bất cứ ai.
Đó không phải một mục tiêu tốt đẹp. Tất cả chúng ta đều cần làm gì đó để biến thế giới này trở nên tốt đẹp hơn", bà Esther tâm sự.
Bà Esther kể, khoảng thời gian 3 con gái học Đại học ở nước ngoài – Susan ở Ấn Độ, Janet ở Nam Phi và Anne ở Nga và Trung Quốc - đã giúp họ định hình động lực tạo ra khác biệt cho xã hội: "Chính trong những chuyến hành trình đó mà các con tôi nhận ra chúng muốn làm gì đó để cải thiện thế giới này".
Niềm đam mê và sự kiên trì - "di sản" của gia đình
Sự tự lập và động lực của chính người mẹ nổi tiếng Esther cũng đã được định hình và phát triển từ sớm, dưới sự giáo dục của cha mẹ bà – hai người Do Thái chính thống. Họ đã tới nước Mỹ mà không có bằng Đại học trong tay.
Cha bà làm họa sĩ và nghệ nhân khắc tạc bia mộ, còn mẹ bà làm nội trợ. Gia đình bà không phải lúc nào cũng đủ tiền mua thực phẩm hay chi trả cho dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Bản thân bà Esther chưa bao giờ có bảo hiểm y tế và suốt thời thơ ấu, bà theo học trường công.
Trước khi lên lớp 7, Esther quyết tâm sẽ học thật xuất sắc. Với bà, đó là chìa khoá để thoát khỏi thực trạng kinh tế của gia đình. "Tôi nói rằng, khi trở thành mẹ, tôi muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn cho các con mình", bà Esther nhớ lại.
Trong khi Thung lũng Silicon mà nhà Wojcicki đang sống và giúp tạo dựng nên đã có diện mạo khác biệt so với trước đây, thời 3 con gái bà còn nhỏ, Esther vẫn hết lòng ủng hộ hoạt động kinh doanh công nghệ của các con ngay từ lúc khởi nghiệp.
Bà vẫn nhận ra những cơ hội to lớn dành cho phái nữ trong lĩnh vực này.
"Tôi nghĩ tất cả chúng đều là những nhà cách mạng", bà Esther nói về 3 con gái.
Họ từng tiếp xúc với máy vi tính từ sớm và Susan chính là người đã để 2 thành viên sáng lập Google – Larry Page và Sergey Brin - khởi đầu cỗ máy tìm kiếm khổng lồ từ gara nhà mình. "Tôi nghĩ điều đó thật tuyệt vời".
Nhìn lại sự nghiệp của mình, thành tựu đáng tự hào nhất với bà Esther, ngoài chương trình truyền thông tại trường cấp 3 Palo Alto, chính là cách mà các con gái bà trưởng thành: "Tôi phải chúc mừng các con mình. Tôi chưa bao giờ cản bước đường của chúng".
Nguồn: Forbes