Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) được ví là "con gà đẻ trứng vàng" của tập đoàn Masan khi đóng góp khoảng 30,5% doanh thu và 37,1% thu nhập trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) năm 2020. Có thể nói đây là trụ cột không thể thiếu trong hệ sinh thái tiêu dùng Point of Life mà tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đặt ra.
Được thành lập vào năm 1996 nhưng đến năm 2002 Masan Consumer mới thực sự bắt đầu bước chân vào thị trường tiêu dùng với sản phẩm nước tương "Chinsu". Kể từ đó, công ty này đã phát triển mạnh mẽ thông qua các hoạt động M&A và trở thành một trong những công ty tiêu dùng lớn nhất cả nước với nhiều loại sản phẩm.
Hiện đơn vị này nằm trong top 5 công ty F&B lớn nhất Việt Nam về doanh thu trong năm 2020 và nằm trong top 10 thương hiệu có giá trị dẫn đầu Việt Nam theo Forbes 2020.
Công ty này góp mặt vào hầu hết các phân khúc hàng tiêu dùng nhanh, bao gồm thực phẩm tiện lợi (mì gói & cháo), gia vị (nước tương, nước mắm, tương ớt), thịt chế biến (xúc xích tiệt trùng, thịt lợn viên), nước ngọt, cà phê, ngũ cốc và hóa mỹ phẩm. Theo Kantar World Panel, 98% hộ gia đình Việt Nam sử dụng ít nhất một sản phẩm của Masan Consumer trong năm 2020.
Theo Euromonitor, Masan Consumer có thị phần lớn nhất trong ngành nước mắm với 29,8%, lớn thứ hai trong ngành mì ăn liền với 20,0% - chỉ sau Acecook Việt Nam (chưa niêm yết) và lớn thứ ba trong thị trường nước tăng lực. Ngoài ra, công ty cũng dẫn đầu về mảng cà phê hòa tan (khoảng 40% thị phần) với hai thương hiệu chủ lực là Vinacafe và Wake up.
Để làm được điều này, công ty con của Masan sở hữu mạng lưới phân phối rộng khắp Việt Nam với khoảng 350.000 điểm bán, chỉ đứng sau Vinamilk, Sabeco. Sau thương vụ Masan mua lại chuỗi bán lẻ Vinmart từ Vingroup, Masan Consumer còn nhận được trợ lực từ Vincommerce (Wincommerce).
Với 3.000 điểm bán hàng tự sở hữu, ông lớn ngành hàng tiêu dùng này có thể nhanh chóng trưng bày các sản phẩm mới tại tất cả các hệ thống bán lẻ của WinCommerce và quảng bá rộng rãi thương hiệu với chi phí thấp hơn nhiều so với đơn vị khác.
Ngoài ra với việc được truy cập dữ liệu của WinMart/WinMart+ và 9,7 triệu thành viên VinID càng giúp Masan Consumer thu thập nhanh chóng các phản hồi của khách hàng từ đó có những điều chỉnh phù hợp và chủ động xây dựng các thương hiệu riêng biệt cho từng đối tượng người tiêu dùng.
Chính vì vậy, mối tương quan về tăng trưởng doanh thu giữa Masan Consumer và hệ thống Wincommerce là điều được các cổ đông của tập đoàn Masan đặt ra trong Đại hội cổ đông năm 2022 mới đây. Tầm nhìn đến năm 2025 giữa 2 doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của Masan đến năm 2025 sẽ ra sao?
"Quan điểm của Masan Consumer cũng như Masan Group là sẽ thi đua và người tiêu dùng sẽ là người chọn hàng hóa. Vì vậy Masan Consumer không coi WinCommerce là kênh bán hàng của mình hay độc quyền. Và khách hàng sẽ là người lựa chọn. Trong tổng thể của WinCommerce thì doanh thu của Masan Consumer chỉ chiếm 3-4%, không phải số đông ở đấy.
Trong năm 2025, Masan Consumer với sức mạnh về xây dựng nhãn hiệu, sức mạnh về phát triển các sản phẩm mới thì Masan Consumer sẽ đóng góp phần rất lớn của mình cho việc xây dựng nhãn hiệu riêng cho WinCommerce. Các nhãn hiệu riêng và nhãn hiệu mới sẽ do Masan Consumer đảm nhiệm. Hệ thống marketing, R&D Masan Consumer sẽ đóng vai trò chủ lực giúp WinCommerce xây dựng các nhãn hiệu riêng của mình.
Lộ trình năm 2025 các nhãn hiệu riêng của Wincommerce sẽ chiếm ít nhất 25% doanh số tổng thể của WinCommerce. Vì vậy chúng ta phải hiểu rằng mối tương quan này là mối tương quan tăng cường sức mạnh, sử dụng sức mạnh của Masan Consumer để nâng cao năng lực cạnh tranh của WinCommerce và ngược lại sau này khi các sản phẩm mới, nhãn hiệu mới của WinCommerce thành công thì lại trả ngược lại cho Masan Consumer để phát triển ngành hàng mới ở bên ngoài. Đấy là chu trình hợp tác giữa hai bên Masan Consumer và WinComerce”, ông Trương Công Thắng- Tổng giám đốc Masan Consumer cho biết.