Reuters đưa tin theo số liệu chính thức được Trung Quốc công bố vào hôm nay (21/8), lượng nước từ sông Trường Giang đổ về đập Tam Hiệp trong ngày 20/8 lên tới 75.000 m3/giây.
Vào sáng 21/8, nước trong hồ chứa đập Tam Hiệp đã đạt 165,6 m, cao hơn 2 m so với đêm hôm trước và cao hơn gần 20 m so với mức cảnh báo chính thức.
Trong khi đó, mực nước tối đa mà hồ chứa của đập Tam Hiệp có thể chứa là 175 m.
Để giảm áp lực nước, đơn vị vận hành đập Tam Hiệp đã tăng lưu lượng xả lũ lên mức kỷ lục là 48.800 m3/giây. Ngoài ra, khả năng đập Tam Hiệp vẫn tiếp tục tăng lưu lượng xả lũ để tránh gây nguy hiểm cho công trình do lượng nước lũ đổ về quá lớn.
“Trung Quốc sẽ làm mọi cách có thể để ngăn con đập bị tràn. Việc tràn đập là một viễn cảnh vô cùng tồi tệ, bởi nó sẽ gây ra thiệt hại lớn và có thể dẫn tới tình trạng sụp đổ toàn bộ”, Giáo sư Desiree Tullos tại Đại học quốc gia Oregon chia sẻ.
Trong năm nay, lượng mưa rơi xuống lưu vực sông Trường Giang đã tăng gấp đôi so với mức trung bình. Tới hiện tại, sông Trường Giang đã trải qua 5 đợt lũ trong năm nay.
Tính tới tuần trước, mưa lũ đã gây ra thiệt hại kinh tế cho Trung Quốc gần 180 tỉ nhân dân tệ (26 tỉ USD) và khiến cuộc sống của 63 triệu người bị ảnh hưởng. Ngoài ra, 219 người được báo cáo đã thiệt mạng hoặc mất tích do mưa lũ.
Đập Tam Hiệp được hoàn thành xây dựng vào năm 2012 với thiết kế không chỉ phục vụ sản xuất điện mà còn kiềm chế dòng chảy của sông Trường Giang, nguồn cơn từng gây ra nhiều trận lụt lịch sử tại Trung Quốc. Đập Tam Hiệp cũng là nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất thế giới.
Số liệu thông kế của chính phủ Trung Quốc cho hay, các con đập trong hệ thống công trình nhà máy thủy điện đập Tam Hiệp đã tích hơn 100 tỉ m3 nước lũ trong năm nay và che chở cho cuộc sống của 18,5 triệu người khỏi bị tàn phá. Riêng một mình dự án đập Tam Hiệp đã giúp cắt giảm lượng nước đổ xuống các khu vực hạ lưu là 34%.
Song một số người lại nhận định năng lực kiểm soát lũ của đập Tam Hiệp chỉ có giới hạn và thậm chí, công trình này có thể khiến tình trạng mưa lũ ở Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn.
Kể từ khi đi vào hoạt động, đập Tam Hiệp cũng đã lần đầu tiên phải mở 11/14 cửa xả lũ để giảm bớt áp lực trong hồ chứa. Song các chuyên gia Trung Quốc vẫn nhấn mạnh, đập Tam Hiệp được thiết kế với khả năng chịu được lượng nước đổ về lớn hơn cả thời điểm hiện tại.