Nước tiểu đậm màu - Không thể xem thường!

BS. Hải Lê |

Nước tiểu bình thường có màu vàng nhạt, vì vậy, khi xuất hiện màu tối hoặc đậm màu có thể đáng báo động.

Ngoài việc mất nước, có một số nguyên nhân khác gây ra nước tiểu đậm màu và “chỉ điểm” một số rối loạn tiềm ẩn của cơ thể, thậm chí có thể ở mức độ nghiêm trọng.

Điểm mặt một số nguyên nhân

Alkapton niệu: Đây là một căn bệnh di truyền hiếm gặp do sự tích tụ acid homogentisic trong cơ thể. Cơ thể không có khả năng chuyển đổi tyrosine (là một amino acid) thành dẫn chất, cuối cùng dẫn đến chứng alkapton niệu vì cơ thể thiếu một enzym quan trọng.

Thiếu máu: Có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu khác nhau. Thiếu máu tán huyết do sự phân hủy của các tế bào hồng cầu. Điều này có thể dẫn đến sự hình thành nước tiểu màu đỏ hoặc màu tối với các dấu vết của máu trong các mẫu nước tiểu.

Bệnh Porphyria: Một rối loạn liên quan đến bệnh máu di truyền hiếm gặp gây ra một khiếm khuyết trong tổng hợp hemoglobin. Các triệu chứng của tình trạng này thường bao gồm đau bụng, nhạy cảm với ánh sáng, có thể co giật và rối loạn tâm thần.

Nhiễm trùng đường tiết niệu: Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể làm cho nước tiểu chuyển màu bất thường, có thể trông sẫm màu hơn. Nhiễm trùng đường tiết niệu thường do vi khuẩn hoặc nhiễm nấm và thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới.

Bệnh lý gan: Nếu nước tiểu màu đậm và da hoặc mắt có màu vàng, đó là biểu hiện bệnh lý của gan như bệnh viêm gan do virut, viêm gan do rượu, xơ gan... Xơ gan là một loại bệnh gan trong đó mô sẹo bắt đầu chiếm lấy nhu mô gan lành, khiến gan không thể hoạt động bình thường.

Nước tiểu đậm màu - Không thể xem thường! - Ảnh 1.

Viêm gan virut có thể gây nước tiểu đậm màu.

Mất nước: Khi cung cấp đủ nước cho cơ thể, nước tiểu có màu vàng nhạt hoặc thậm chí trong đến gần như không màu. Cơ thể càng mất nước, nước tiểu càng đậm màu. Dấu hiệu của sự mất nước nghiêm trọng bao gồm cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt hoặc thậm chí mờ mắt.

Sỏi mật: Sỏi mật thường hình thành từ cholesterol trong túi mật. Cùng với nước tiểu đậm màu, người bệnh cũng có thể bị đau bụng, sốt, ngứa da và vàng da.

Sự tắc nghẽn ống dẫn mật: Các ống dẫn mật mang mật đổ vào ruột để hỗ trợ tiêu hóa. Nếu những ống dẫn này bị tắc, nước tiểu của bạn sẽ không chỉ xuất hiện màu tối, mà bạn cũng sẽ gặp phải các vấn đề về tiêu hóa.

Do nhiệt độ quá cao: Bị tác động nhiệt quá mức (nắng nóng), do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời kéo dài hoặc ở môi trường nhiệt độ quá nóng có thể tăng tốc độ mất nước của cơ thể, dẫn đến nước tiểu đậm màu hoặc các tình trạng khác của cơ thể như ngất xỉu...

Nhiễm Chlamydia: Chlamydia là một bệnh lây truyền qua đường tình dục cần điều trị ngay lập tức nhằm ngăn các biến chứng khác có thể phát sinh, trong đó có nước tiểu đậm màu.

Sỏi bàng quang: Sỏi bàng quang có thể gây tổn thương bàng quang hoặc thậm chí dẫn đến tắc nghẽn đường tiết niệu, trong đó có dấu hiệu nước tiểu đậm màu.

Viêm tụy cấp: Viêm tuyến tụy sẽ dẫn đến đau và sưng ở phía trên bên trái của bụng, cùng với buồn nôn, ợ hơi và nước tiểu đậm màu.

Do thực phẩm: Một số loại thực phẩm sau khi ăn có thể thay đổi màu nước tiểu. Việc bổ sung chất tạo màu như anthocyanin và curcumin trong thực phẩm cũng có thể dẫn đến nước tiểu đậm màu.

Nguyên nhân do thuốc: Một số hóa chất được tìm thấy trong các loại thuốc thông thường có thể góp phần làm cho nước tiểu đậm màu. Chúng bao gồm iốt, thuốc chống sốt rét, ngộ độc phenol và methocarbamol. Một số vitamin bổ sung cũng có thể dẫn đến nước tiểu đậm màu.

Nước tiểu đậm màu vào buổi sáng: Nguyên nhân thường gặp nhất là do thiếu nước. Trong khi ngủ, cơ thể không được cung cấp chất lỏng, có thể làm cho nước tiểu bị đặc hơn. Vì vậy, lần đi tiểu đầu tiên vào buổi sáng sẽ xuất hiện màu sẫm hơn và dần dần trở lại bình thường khi đã uống nhiều chất lỏng trong suốt cả ngày.

Nước tiểu đậm màu trong thai kỳ: Trong thai kỳ, nước tiểu đậm màu cũng có thể là kết quả của việc thiếu nước, đặc biệt là vì phụ nữ mang thai cần nhiều chất lỏng hơn phụ nữ không mang thai. Thiếu nước cũng có thể do bệnh ốm nghén và nôn nhiều, là triệu chứng phổ biến trong thai kỳ.

Điều trị và phòng ngừa nước tiểu đậm màu

Khi thấy nước tiểu đậm màu, bạn có thể thực hiện các bước sau đây:

Trước hết, hãy xem xét những loại thực phẩm đã ăn gần đây, loại thuốc nào đang uống và bạn có uống nước thường xuyên hay không. Thực phẩm, thiếu nước và các thuốc đang dùng là 3 nguyên nhân thường gặp gây ra nước tiểu đậm màu và cũng là các nguyên nhân mà bạn có thể dễ dàng tự giải quyết. Nếu không tìm thấy các nguyên nhân nêu trên, có thể gặp bác sĩ để khám và làm các xét nghiệm phát hiện nguyên nhân.

Nước tiểu đậm màu - Không thể xem thường! - Ảnh 3.

Uống đủ nước để tránh tình trạng cơ thể mất nước gây nước tiểu đậm màu.

Điều trị dấu hiệu nước tiểu đậm màu phụ thuộc vào nguyên nhân. Ví dụ, điều trị bệnh gan, sỏi bàng quang hoặc viêm tụy cấp... Tất cả các nguyên nhân đều có những cách điều trị cụ thể mà bác sĩ của bạn sẽ chỉ định và giải thích cho bạn.

Để ngăn ngừa nước tiểu đậm màu, bạn có thể thực hiện các khuyến cáo sau:

Việc đầu tiên phải bù đủ nước. Lối sống lành mạnh và ngăn chặn các nguyên nhân khác có thể góp phần cải thiện tình trạng nước tiểu đậm màu. Điều này liên quan đến việc giảm nguy cơ nhiễm trùng, cùng với việc giữ cho gan khỏe mạnh bằng cách ăn uống tốt, tập thể dục đều đặn và giảm lượng rượu bia.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nên đi khám bác sĩ ngay nếu thấy có máu trong nước tiểu vì đây có thể là dấu hiệu của ung thư hoặc sỏi tiết niệu.

Nếu bạn uống đủ nước nhưng nước tiểu vẫn còn đậm màu, bạn cũng nên đi khám bác sĩ.

Cuối cùng, nếu có cảm giác đau hoặc vàng da đi kèm với nước tiểu đậm màu, bạn phải gặp bác sĩ ngay lập tức.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại