Nước phá kế hoạch của Nga phút chót tuyên bố rắn: Moscow cảnh cáo động thái liên quan lệnh bắt ông Putin

Minh Nhật |

"Chúng tôi đã vượt qua ranh giới không thể quay lại" - Nước từng là đồng minh truyền thống của Moscow tuyên bố đặt dấu chấm hết cho liên minh quân sự-chính trị với Nga.

Armenia tuyên bố đặt dấu chấm hết cho CSTO

"Đối với Armenia, việc quay trở lại Tổ chức Hiệp ước an ninh Tập thể (CSTO) là điều không thể" – Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố ngày 4/12. "Chúng tôi đã vượt qua ranh giới không thể quay lại".

Tuyên bố của ông Pashinyan được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan gặp Chủ tịch Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) Tomoko Akane tại The Hague (Hà Lan), khẳng định nước này sẵn sàng hợp tác với ICC trong việc duy trì các chuẩn mực pháp lý quốc tế và đảm bảo pháp quyền. ICC là tổ chức đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin.

CSTO là liên minh quân sự và chính trị do Nga dẫn đầu, được thành lập vào năm 1992 giữa một số quốc gia Liên Xô cũ. Tháng 2 năm nay, Armenia đã đơn phương đình chỉ tư cách thành viên trong CSTO. Yerevan cáo buộc liên minh không đứng ra bảo vệ nước này trong những căng thẳng về chủ quyền với láng giềng Azerbaijan những năm gần đây.

Bên cạnh đó, ông Pashinyan thể hiện sự bất bình trong cam kết hợp tác an ninh với Nga. Ông cho rằng Moscow đã quá thờ ơ trước những mối đe dọa về chủ quyền mà Azerbaijan mang lại cho Armenia.

Thủ tướng Nikol Pashinyan tuyên bố Armenia không quay lại CSTO. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, thỏa thuận 3 bên Armenia-Nga-Azerbaijan do Moscow làm trung gian đã gần đi tới đích nhưng bị Yerevan phá vỡ vào phút chót, bất chấp việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đích thân làm rất nhiều việc để đạt được thỏa thuận này.

"Không hề quá khi nói về tầm quan trọng của thỏa thuận này: Nga và cá nhân Tổng thống Putin đã làm rất nhiều việc để đạt được các thỏa thuận đó, giúp chấm dứt đổ máu" - Đại diện Bộ Ngoại giao Nga đề cập tới tiến trình hòa bình được khởi động vào tháng 1/2021 và buộc phải chấm dứt vào tháng 6/2023, sau khi Yerevan bất ngờ đình chỉ tất cả các định dạng 3 bên và ngừng tham gia vào ban chuyên trách thỏa thuận (Đọc thêm tại đây).

Theo hãng tin RBC (Nga), với tuyên bố mới nhất, Yerevan đã hoàn toàn bác bỏ thiện chí của Tổng thống Putin khi nhà lãnh đạo Nga gần đây vẫn gợi ý rằng, Armenia có thể quay trở lại CSTO.

Theo ông Pashinyan, Armenia không tham gia thảo luận bất cứ văn bản nào tại Hội nghị thượng đỉnh CSTO vừa diễn ra tại Kazakhstan, cũng không phủ quyết bởi Yerevan đã tư coi mình là "nước bên ngoài tổ chức".

"Cứ để họ (CSTO) quyết định những gì họ muốn. Chúng tôi không can thiệp vào công việc của họ và không đề cập tới quyền phủ quyết. Chúng tôi bày tỏ sự tôn trọng đối với các đồng nghiệp của mình" – Ông Pashinyan nói.

Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan và bà Kaja Kallas, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh . Ảnh: ArmenPress

Đáng lưu ý, cùng ngày 4/12, Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan đã có cuộc gặp với Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas.

Hai phía đã đề cập tới nỗ lực hợp tác Armenia-EU trong nhiều lĩnh vực, từ cải cách dân chủ đến đối thoại an ninh. Vai trò của phái bộ giám sát EU trong việc đảm bảo tình hình ổn định biên giới giữa Armenia-Azerbaijan đã được ghi nhận.

Một ngày sau (5/12), Bộ Quốc phòng Armenia ra thông báo nước này đang thảo luận với tập đoàn Milliken & Company (Mỹ) về việc tạo ra một mẫu quân phục mới cho lực lượng vũ trang Armenia. Trong chuyến thăm tới Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Suren Papikyan đã trực tiếp gặp Phó chủ tịch tập đoàn Bruce Laflamme để làm việc.

Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Ứng dụng Armenia (APRI), Armenia đã không còn là "sân sau của Nga" như trong 3 thập kỷ qua. Sự điều chỉnh chiến lược này mang tới "cơ hội lịch sử" để Armenia xác định lại vai trò địa-chính trị của mình, thoát khỏi phạm vi ảnh hưởng của Moscow và hướng tới "các đồng minh phương Tây".

Nga cảnh báo động thái liên quan lệnh bắt ông Putin

Phản ứng trước tuyên bố của Thủ tướng Pashinyan về việc Armenia không quay trở lại CSTO, Phó Chủ tịch Ủy ban Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga về các vấn đề quốc tế Andrei Klimov cho rằng, Armenia đang dựa vào "một số ảo tưởng mà các quốc gia xa xôi mang lại".

"Armenia là quốc gia có chủ quyền. Thủ tướng của quốc gia này có thể thay mặt cho nhà nước Armenia ở mức độ nào để đưa ra những tuyên bố mang tính quyết định vận mệnh như vậy? Tôi không rõ. Nhưng trong mọi trường hợp, vấn đề phải được chính người dân Armenia quyết định theo khuôn khổ các thủ tục Hiến pháp.

Giữa thời buổi đang gặp khó khăn, chúng ta tốt hơn vẫn nên dựa vào mối quan hệ tối đẹp với các nước láng giềng, thay vì dựa vào một số ảo tưởng mà các quốc gia xa xôi mang tới" – Ông Klimov nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.

Cùng ngày 4/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã đưa ra phản ứng chính thức về việc Armenia tuyên bố sẵn sàng hợp tác với ICC.

Nhà ngoại giao Nga gọi ICC là "tòa án giả", đồng thời nhấn mạnh quyết định của Yerevan sẽ gây tổn hại trực tiếp đến quan hệ 2 nước.

"Việc Yerevan tham gia vào 'Quy chế Rome' của ICC trong bối cảnh tổ chức này ban hành các lệnh bắt giữ bán chính thức đối với một số quan chức Nga sẽ gây tổn hại trực tiếp đến quan hệ Armenia-Nga. Không chỉ mang tính biểu tượng mà còn khá thực tế" – Bà Zakharova nói.

"ICC không giúp giải quyết bất kỳ xung đột nào mà họ đang cố gắng giải quyết. Đồng thời, hồ sơ theo dõi của họ đầy rẫy những vi phạm trực tiếp luật pháp quốc tế, các tiêu chuẩn cơ bản của công lý và lẽ thường.

Những tuyên bố ủng hộ và sẵn sàng hợp tác chỉ khuyến khích tổ chức tự xưng là tòa án này dấn thân vào những cuộc phiêu lưu mới" – bà lưu ý.

Theo bà Zakharova, việc Armenia gia nhập Quy chế Rome của ICC không có tác động tốt đến quan hệ song phương, buộc Yerevan phải lựa chọn giữa các nghĩa vụ do phương Tây áp đặt theo đường lối của ICC và đối thoại chính trị với Nga, tương tác trong khuôn khổ hội nhập Á-Âu.

Vào ngày 17/3/2023, ICC đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo quy định của ICC, việc thực hiện lệnh bắt giữ được giao cho các quốc gia thành viên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại