Nước ngoài “rục rịch” can thiệp quân sự, người dân Libya nói gì?

Phạm Hà |

Libya mấy ngày qua làm nóng truyền thông quốc tế với việc Ai Cập “rục rịch” khả năng can thiệp quân sự vào quốc gia Bắc Phi này.

Nếu điều đó xảy ra, xung đột tại Libya có nguy cơ trở thành cuộc chiến ủy nhiệm đẫm máu với những toan tính lợi ích của các nước liên quan, đẩy dân thường Libya vào vòng xoáy bất ổn mới.

Tại một quán café ở thành phố cảng Misrata lớn nhất của Libya, câu chuyện của những người dân trở nên rôm rả với khả năng can thiệp quân sự của Ai Cập.

Đối với người dân Libya, cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm qua đã chia cắt đất nước và cơ hội hòa bình đang mờ mịt hơn với sự can dự của các thế lực nước ngoài. Trước hết là sự tham chiến của Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) và khả năng mới nhất là Ai Cập can thiệp quân sự, nhằm hậu thuẫn cho Lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA).

Đa số người dân nước này cho rằng, sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc nội chiến sẽ chỉ làm gia tăng đổ máu:

“Sự can thiệp của Ai Cập sẽ khiến người dân Libya là đối tượng bị tổn thương. Tôi phản đối bất cứ chiến dịch quân sự của nước ngoài nào tại đất nước của chúng tôi”.

“Libya là một quốc gia có chủ quyền, vì vậy khi ai muốn vào đất nước cần phải có sự cho phép. Cần phải bảo vệ biên giới của mình và không để ai can thiệp vào Libya”.

Libya - vùng đất nhiều giàu dầu mỏ đã chìm trong bạo lực sau khi nhà lãnh đạo Moamer Khadafi bị lật đổ năm 2011. Kể từ đó đến nay, quốc gia Bắc Phi này đã trở thành chiến địa để các thế lực cả trong và ngoài nước xâu xé, với các toan tính lợi ích của mình.

“Người dân Libya đã chịu đựng quá đủ rồi”. Đây là khẳng định của Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Libya Ghassan Salame trước sự can thiệp nước ngoài chưa từng có của Libya. Đối với ông Ghassan Salame, Libya không chỉ là một câu chuyện về địa chính trị, mà còn là một câu chuyện về con người.

“Libya đã phải chịu đựng quá nhiều từ sự can thiệp của nước ngoài theo những cách khác nhau. Vũ khí đổ vào Libya, can thiệp quân sự trực tiếp và gián tiếp vào Libya. Điều mà tôi yêu cầu các quốc gia là hết sức rõ ràng: tránh xa Libya. Có quá đủ vũ khí ở Libya và họ không cần thêm vũ khí nữa”, ông Salame nói.

Ngăn chặn chảo lửa Libya bùng nổ là điều quốc tế đang nỗ lực thực hiện. Các nhà ngoại giao Liên Hợp Quốc hôm qua (21/7) có cuộc gặp với phe phái chính trị tại Libya để nối lại đối thoại chính trị.

Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric khẳng định, không có giải pháp quân sự cho Libya, các quốc gia nên hỗ trợ hỗ trợ người dân Libya nhất trí về một lệnh ngừng bắn lâu dài hơn là đổ dầu vào ngọn lửa xung đột.

Mỹ thời gian qua vốn không mấy mặn mà với tình hình Libya cũng đang tích cực thảo luận với các bên liên quan để tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Libya./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại