Nước Nga Xô viết đã nỗ lực biến Iran thành nước XHCN như thế nào?

Trung Hiếu |

Khi Nội chiến Nga vẫn đang dữ dội, ban lãnh đạo Xô viết đã tính đến việc truyền ngọn lửa cách mạng XHCN ra châu Á, trước tiên là Iran.

Vào ngày 18/5/1920, các thủy thủ Xô viết bất ngờ “ghé” vào cảng Enzeli (nay là Anzali) của Iran. Mục đích của họ là chiếm lấy hạm đội của đối thủ của mình trong Nội chiến Nga, tức lực lượng Bạch vệ đang đóng quân ở đó.

Và đây là sự khởi đầu cho chiến dịch thiết lập một chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Iran.

Nước Nga Xô viết đã nỗ lực biến Iran thành nước XHCN như thế nào? - Ảnh 1.

Mirza Kuchak Khan – người đứng đầu chính phủ Cộng hòa XHCN Xô viết Gilan ở miền bắc Iran. Ảnh: Public domain.

Đột kích

Đoàn tàu Caspi của phong trào Bạch vệ bị buộc phải rút khỏi Iran trong bối cảnh vào mùa xuân năm 1920, các lực lượng chủ lực của Bạch vệ ở miền nam nước Nga đã bị tiêu diệt hoặc phải rút về Crimea. Ở Enzeli, các chiến hạm của họ được người Anh bảo vệ. Người Anh thù địch với lực lượng Bolshevik (tức Đảng Cộng sản Nga giai đoạn đó) và đã duy trì lực lượng của mình ở Iran kể từ Thế chiến I.

29 con tàu của hạm đội Bạch vệ đã gây ra những vấn đề lớn cho các tuyến liên lạc của nước Nga Xô viết ở biển Caspi.

Ban lãnh đạo Bolshevik quyết định phải đánh chiếm các tàu này càng sớm càng tốt. Để tránh bê bối ngoại giao, họ ngụy trang chiến dịch này như một sáng kiến cá nhân của tư lệnh Hạm đội Xô viết Volga-Caspian, Fyodor Raskolnikov.

Vào lúc 5h19 sáng 18/5/1920, hạm đội Xô viết bí mật tiếp cận và khai hỏa vào cảng.

Anatoly Vaksmut – một sĩ quan Bạch vệ, nhớ lại: “Chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng súng và tiếng pháo giữa cảng và giữa đội hình tàu của chúng tôi”.

“Trèo lên cột buồm, chúng tôi thấy một lượng lớn tàu ở ngoài biển đang bắn vào Enzeli. Chính tại tổng hành dinh quân Anh, người ta cũng mất phương hướng hoàn toàn, không có pháo đội nào của họ đáp trả hỏa lực quân Đỏ . Khá nhiều quân Anh rời khỏi các cỗ pháo của họ khi trên người chỉ có mỗi đồ lót”.

Lực lượng đánh bộ của Nga sau đó nhanh chóng đè bẹp sự kháng cự của Lữ đoàn bộ binh Ấn Độ số 36. Chẳng mấy chốc, đối phương của Nga xin ngừng bắn. Theo thỏa thuận đình chiến, cả lực lượng Anh và quân Bạch vệ rút khỏi thành phố cảng, bỏ lại cho quân Bolshevik không chỉ toàn bộ số tàu chiến mà còn cả 50 khẩu pháo, 20.000 quả đạn pháo và lượng lớn bông, đường ray, đồng, và các hàng hóa khác.

Trong khi đó quân đội của quốc vương Iran (Shah) không hề chống cự thủy thủ Liên Xô. Nước Iran đã bị suy yếu và trong các năm trước đó về thực chất đã trở thành một nước nửa thuộc địa của các cường quốc châu Âu. Do vậy, Iran chỉ gửi công hàm phản đối.

Cơ hội mới cho phong trào cách mạng

Quân Xô viết định rút khỏi Iran trong một thời gian ngắn, nhưng tình hình đã thay đổi đột ngột. Lợi dụng tình thế quân Anh bị giáng một đòn mạnh, phong trào du kích Jangal chống chính phủ tại Iran đã mở một cuộc tấn công quy mô lớn ở miền bắc Iran.

Thủ lĩnh của phong trào này - Mirza Kuchak Khan, yêu cầu đảng Bolshevik ủng hộ, nhưng cũng nêu rõ điều kiện là Moscow không được can thiệp vào công việc nội bộ của Iran.

Lãnh đạo nước Nga Xô viết nhận ra triển vọng phát động một cuộc cách mạng XHCN ở châu Á.

Sergo Ordzhonikidze – Trưởng Ban Kavkaz của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Nga, đưa ra lập luận:

“Không có trở lực đáng kể nào, chúng ta có thể thổi bay toàn bộ vùng Azerbaijan của Ba Tư (tức vùng Tây Bắc của Iran, nơi có đông người tộc Azerbaijan sinh sống, không phải vùng mà sau này là Cộng hòa Azerbaijan).

Ordzhonikidz phân tích tiếp: “Quan điểm của tôi là: Với sự trợ giúp của Kuchak Khan và những người cộng sản Ba Tư, chính quyền Xô viết có thể được thiết lập lần lượt ở thành phố này đến thành phố khác, và người Anh bị đuổi khỏi đây. Điều này sẽ tạo ra một ấn tượng mạnh lên toàn bộ vùng Cận Đông”.

Lúc đó, Nội chiến Nga vẫn chưa chấm dứt nhưng đảng Bolshevik vẫn quyết định chiến đấu cho “sự nghiệp của cách mạng thế giới” ở Iran. Kuchak Khan được hứa hẹn vũ khí, tiền bạc, tình nguyện viên, hướng dẫn viên, máy bay, và xe bọc thép. Leon Trotsky – Dân ủy Quân sự Xô viết, ra lệnh tiến hành hoạt động ngầm quy mô lớn ở Iran.

Một lần nữa, để tránh khó xử về ngoại giao, Moscow không ra tay trực tiếp mà nhờ vào các đồng minh, trong trường hợp này là nước Cộng hòa XHCN Xô viết Azerbaijan mới được thành lập và vẫn chưa phải là thành viên của Liên Xô vào thời điểm đó.

Binh sĩ được gửi tới Iran hành động với tư cách quân tình nguyện hoặc hoạt động dưới ngọn cờ Azerbaijan . Còn đối với Baku, việc hỗ trợ cách mạng Iran có ý nghĩa lớn – Baku mơ về việc thống nhất với vùng lãnh thổ Azerbaijan thuộc Iran.

Nước Cộng hòa XHCN Xô viết Gilan

Một cách chính thức, quân Nga đang rút khỏi Enzeli. Nhưng trên thực tế lại diễn ra điều ngược lại: Binh sĩ và vũ khí được tuồn không ngừng vào miền bắc Iran thông qua biên giới Azerbaijan. Vào ngày 4/6/1920, với sự hậu thuẫn của các đồng minh mới, Mirza Kuchak Khan chiếm được Rasht - thủ phủ của tỉnh Gilan.

Ngày hôm sau, Cộng hòa XHCN Xô viết Gilan tuyên bố ra đời ở miền bắc Iran, với Kuchak Khan là người đứng đầu. Bất chấp quy định không can thiệp vào công việc nội bộ của Iran, Chính phủ Cách mạng Lâm thời bao gồm một số đại diện của nước Nga Xô viết mà trước đó đã nhập quốc tịch Iran.

Một đạo Hồng quân Iran với quân số 5.000 người đã được thành lập từ các đơn vị “quân tình nguyện” đến từ Baku và Astrakhan, cũng như du kích địa phương. Ban đầu, đội quân này được chỉ huy bởi Ehsanollah Khan là bạn của Mirza Kuchak Khan. Nhưng thời gian ngắn sau đó, Moscow yêu cầu giao quyền chỉ huy đội quân này cho nhân sự Nga, đó là Vasily Kargareteli.

Mối quan hệ giữa phong trào Jangal và những người cộng sản Iran bắt đầu xấu đi nhanh chóng. Trong khi phong trào cộng sản Iran tin rằng cần thiết “làm bùng nổ toàn bộ châu Á” thì Mirza Kuchak Khan lại tin vào việc hành động một cách thận trọng và hài lòng với những gì vừa đạt được, đó là Gilan. Hai bên cũng không tìm được tiếng nói chung trong quan điểm về sở hữu tư nhân.

Kết quả là, Kuchak Khan đã bị Đảng Cộng sản Ba Tư hạ bệ vào ngày 31/7 và ông này phải chạy tới thị trấn Fuman cũng với những người ủng hộ mình. Bạn chiến đấu trước đó của ông ta - Ehsanollah Khan, giờ trở thành người đứng đầu chính phủ lâm thời mới.

Georgy Chicherin - Dân ủy ngoại giao của nước Nga Xô viết, bình luận: “Nước Ba Tư Xô viết sẽ tồn tại mà không cần ông ta. Kuchak hữu ích với tư cách một nhân vật của công chúng, nhưng ông ấy phải chịu trách nhiệm về việc bản thân không hiểu chính trị cách mạng cũng như về việc chậm chạp và thận trọng quá mức. Ông ấy không biết cách chấp nhận rủi ro, trong khi đó là điều đang cần hiện nay”.

Cuộc phiêu lưu tại Iran sụp đổ

Không lãng phí thêm thời gian, chính quyền mới của Cộng hòa XHCN Xô viết Gilan mở một cuộc tấn công vào Tehran vào giữa tháng 8/1920. Cuộc tiến công này thất bại nặng nề. Hồng quân Iran được giải cứu khỏi một thảm họa toàn diện nhờ vào binh sĩ được gửi tới từ Azerbaijan và nước Nga Xô viết.

Tình hình cũng không khá hơn cho những người cộng sản Iran trong chính trường Iran khi ấy. Khi tiến hành các cuộc cải cách vội vã, họ đã không tính tới truyền thống địa phương và xóa bỏ các tập tục vốn tồn tại hàng thế kỷ, từ đó kích động sự căm phẫn trong dân chúng địa phương. Anh Quốc và chính quyền của quốc vương Sultan Ahmad “đổ thêm dầu vào lửa” bằng cách mở các chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn bài xích Nga trong khu vực.

Khả năng Xô viết hóa Iran ngày càng thu hẹp. Để điều tra chuyện gì đang diễn ra, một ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Nga, Joseph Stalin, đã tới Baku. Ông này nhanh chóng gửi một báo cáo ảm đạm về cho Lenin ở Moscow. Trong báo cáo, Stalin nhận định rằng ở Iran, chỉ có một cuộc cách mạng tư sản là khả thi, với sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu.

Vào cuối tháng 9, nước Nga Xô viết bắt đầu đàm phán với Tehran, kết thúc bằng việc ký kết một hiệp ước hữu nghị Liên Xô-Iran vào ngày 26/2/1921. Moscow và Baku rút lại sự ủng hộ dành cho Cộng hòa Gilan và bắt đầu triệt thoái quân khỏi nơi này, nhưng chỉ sau khi Đế chế Anh bắt đầu đưa binh lính của họ ra khỏi Iran vào tháng 5 năm đó.

Vào tháng 7/1921, những người cộng sản Gilan mở một cuộc tiến công vô vọng nữa vào Tehran. Cuộc tiến công một lần nữa thất bại. Đến tháng 11, nước cộng hòa này bị quân của Ahmad Shah đánh bại và chính phủ của Ehsanollah Khan phải chạy sang Baku. Phong trào Jangal cũng bị nghiền nát – thủ cấp của Mirza Kuchak Khan bị bêu trước công chúng ở Rasht.

Hai mươi năm sau, quân Anh và quân Liên Xô quay trở lại Iran, nhưng lần này họ hợp tác với nhau để chống phát xít Đức.

Liên quân Anh-Xô tiến hành chiến dịch chung mang mật danh Counternance trong tháng 8-9/1941 và chiếm được các vùng phía bắc và tây bắc của Iran, lật đổ Quốc vương Reza Shah Pahlavi thân Đức Quốc xã, từ đó biến Iran thành quốc gia thân thiện với liên minh chống trùm phát xít Hitler.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại