Từ nhiều năm nay, đặc biệt từ sau cuộc khủng hoảng Ukraine và sự biến Crimea năm 2014, nước Nga luôn ở tình trạng bị các nước phương Tây cô lập, chống phá bằng nhiều biện pháp khác nhau.
Tuy nhiên, giữa muôn trùng vây bủa, nước Nga vẫn đứng vững, lớn mạnh và vẫn là một thế lực không thể không kể đến trên bàn cờ chính trị thế giới.
Nước Nga - Ngôi sao cô đơn
Không phải đến bây giờ mà từ nhiều năm trước, mối quan hệ giữa nước Nga với các nước phương Tây chưa bao giờ thông đồng bén giọt. Mối quan hệ đó ngày càng xấu đi sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine, đặc biệt là khi Nga phô diễn sức mạnh quân sự tại Syria.
Ngay từ những ngày tháng 3-2014, phản ứng lại việc Crimea bị nước Nga thôn tính, Hoa Kỳ và châu Âu ngay lập tức ban hành lệnh cấm vận nhằm đánh gục nền kinh tế đang hồi phục của nước Nga dưới thời Putin.
Các lệnh trừng phạt được áp dụng trực tiếp vào các sản phẩm xuất - nhập khẩu của nước này cùng những công ty lớn và một số cá nhân có quan hệ mật thiết với Kremlin. Trong số những nhân vật bị cấm nhập cảnh vào Âu Châu và tài sản tại ngoại quốc bị niêm phong có cả một số quan chức thân cận với Tổng thống Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Đúng lúc đó, dầu mỏ - nguồn thu lớn cho ngân sách của Nga lại mất giá thê thảm (đang từ 100USD/thùng có lúc xuống tới dưới 30USD/thùng). Tất cả những điều này đã đẩy nền kinh tế Nga vào khủng hoảng: Đồng tiền mất giá, đầu tư sụt giảm, thất nghiệp tràn lan...
Tiếp đó, bất chấp những thỏa ước giữa hai bên, các nước NATO đã tăng cường lực lượng và trang bị áp sát biên giới phía Tây của nước Nga. Hơn 4.000 quân NATO đã được điều động đến các căn cứ quân sự tại các nước Baltic.
Đồng thời với động thái đó là các cuộc tập trận với sự tham gia của hàng chục nghìn quân cùng với những trang bị vũ khí và phương tiện chiến đấu hiện đại như xe tăng chiến đấu chủ lực Mỹ M1A2 Abrams, tăng Challenger 2 của Anh và Leclerc của Pháp, cùng với các loại xe bọc thép như CV9035, Warrior, Bradley, VBCI, Marder…
Đặc biệt gần đây, Hải quân Mỹ đang xây dựng lại Hạm đội 2 chuyên phụ trách khu vực Bắc Đại Tây Dương sau 7 năm ngừng hoạt động. Động thái này cho thấy rõ tăng cường đối phó với Nga được coi là ưu tiên trong chiến lược quân sự của Lầu Năm Góc.
Song song với cấm vận kinh tế, răn đe bằng quân sự, các nước phương Tây còn đẩy mạnh cô lập nước Nga về mặt chính trị như; loại Nga ra khỏi các nước G8, trục xuất các nhà ngoại giao Nga...
Cụ thể, Anh đã cáo buộc tình báo Nga đã đầu độc một cựu điệp viên 2 mang của Nga cùng con gái ông tại Anh quốc, đe dọa tới chủ quyền và sự an toàn của người dân Anh.
Mặc dù không có chứng cứ nào được đưa ra song Anh đã trục xuất các nhà ngoại giao Nga và yêu cầu áp dụng những lệnh trừng phạt khắt khe hơn làm tăng cao những căng thẳng. Theo đuôi Anh, Mỹ và hơn 20 nước châu Âu cũng tiến hành trục xuất hàng trăm nhà ngoại giao Nga về nước.
Những tưởng những hành động thù địch trên sẽ làm nước Nga gục ngã. Nhưng "người tính không bằng trời tính", phương Tây đã nhầm. Nước Nga vẫn đứng vững và còn hơn thế nữa!
Nhiều loại vũ khí mới của Nga sẽ tham gia cuộc duyệt binh năm 2018.
... nhưng vẫn luôn tỏa sáng
Bất chấp tất cả sự bao vây cấm vận cả về chính trị, kinh tế, ngoại giao, sự đe dọa về mặt quân sự, nước Nga vẫn đứng vững.
Về mặt kinh tế, nước Nga chẳng những không sụp đổ mà người dân Nga đã vượt qua khó khăn bằng chính nội lực của mình đúng như Tổng thống Nga Putin đã nói: "Nhờ có lệnh cấm vận của Mỹ và EU mà lòng yêu nước và tinh thần tự lực tự cường của người dân Liên Xô trước đây đã được thức tỉnh".
Sở dĩ ông nói thế bởi trước đây Liên Xô có nền nông nghiệp rất hùng mạnh, các sản phẩm nông nghiệp đứng hàng đầu thế giới. Khi Liên Xô tan rã, người ta không chú trọng đến phát triển nông nghiệp nông thôn nữa, mà tính đến khai thác các nguồn khoáng sản sẵn có. Các sản phẩm nông nghiệp của Nga mất dần chỗ đứng và có dấu hiệu phụ thuộc vào châu Âu.
Đến bây giờ, nhờ có bao vây cấm vận của Mỹ và EU nên Nga thức tỉnh ý chí quật cường như đã thấy thời chiến tranh. Họ lại xây dựng các trang trại, nông trường bao la, với mục đích tự lực tự cường. Và kết quả là nền kinh tế Nga đã đứng vững, đời sống nhân dân Nga vẫn được nâng lên giữa vòng vây cấm vận trùng trùng điệp điệp.
Một trong những sự phục hồi đáng ngạc nhiên nữa là nền công nghiệp quốc phòng. Sau một thời gian dài bê trễ, tụt hậu, nền công nghiệp quốc phòng Nga đã bừng thức giấc. Nhiều sản phẩm mới với trình độ công nghệ cao hàng đầu thế giới ra đời như xe tăng T-14 Armata, tên lửa hạt nhân có thể vươn tới hầu hết mọi địa điểm trên thế giới.
Nga cũng đang phát triển đầu đạn hạt nhân nhỏ có thể lắp vào tên lửa hành trình và với đầu đạn này, các hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ rất khó để có thể đánh chặn tên lửa của Nga. Ngoài ra, Nga cũng đang thử nghiệm các thiết bị không người lái dưới nước mới có thể mang đầu đạn hạt nhân và các loại vũ khí siêu thanh không thể ngăn chặn...
Sự hồi phục mạnh mẽ của công nghiệp quốc phòng Nga không chỉ tăng cường sức mạnh quân sự của đất nước mà còn đưa Nga trở lại top những nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.
Có lẽ chính vì vậy mà Tổng thống Putin đã rất tự tin khi nói trong Thông điệp liên bang 2018: "Nền kinh tế của chúng ta đã chứng tỏ sự ổn định. Mọi chuyện tùy thuộc vào chúng ta".
Quân đội Nga đã và đang nhận được nhiều loại vũ khí mới, hiện đại.
Về mặt chính trị, ngoại giao- trước sự cô lập của Mỹ và châu Âu, nước Nga không hề bối rối, run sợ. Đối phó với làn sóng trục xuất các nhà ngoại giao Nga thì Kremli cũng lạnh lùng thực hiện nguyên tắc đáp trả tương xứng. Kết quả là hàng trăm nhà ngoại giao các nước phương Tây cũng phải rời Nga xách va ly về nước.
Về mặt quân sự, ngoài việc tăng cường lực lượng quân sự tương ứng đến những nơi cần thiết như biên giới phía Tây, bán đảo Crimea,... Nga tiếp tục phô diễn sức mạnh quân sự tại Syria.
Với sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nga, quân đội chính phủ Syria giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm chủ nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn đẩy Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và phiến quân đến ngày tàn không xa.
Chiến trường Syria cũng là nơi để Nga thử nghiệm nhiều loại vũ khí, trang bị hiện đại, đồng thời tỏ rõ cho thế giới phương Tây sự cứng rắn và sức mạnh thực sự của mình.
Hoàn toàn có lý khi Tổng thống Putin khẳng định: "Chúng ta sẽ tiếp tục tăng cường tiềm lực của mình, tập trung mọi khả năng vào việc giải quyết những nhiệm vụ đặt ra cho đất nước chúng ta. Sự phát triển đầy tự tin của nước Nga sẽ luôn luôn được bảo vệ vững chắc".
Ông cũng thẳng thắn tuyên bố: "Bất chấp tất cả những vấn đề mà nước Nga gặp phải, Nga đã và vẫn là một cường quốc hạt nhân. Nhưng người ta không chịu nghe chúng ta nói. Vậy thì bây giờ họ cũng nên nghe".
Nói tóm lại, bất chấp mọi thế lực thù địch, ngăn trở, nước Nga vẫn đứng vững và phát triển, thậm chí với tốc độ nhanh hơn và buộc thế giới phương Tây phải "lắng nghe" họ.
Binh khí kỹ thuật Nga tham gia Lễ duyệt binh mừng chiến thắng.
Có được kết quả đó do nhiều nguyên nhân song không thể không kể đến sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn và quật cường của dân tộc Nga, đất nước Nga.
Sức mạnh đó có cội nguồn từ hàng ngàn năm trước mà đỉnh cao là cuộc Chiến tranh Bảo vệ Tổ quốc 1941 - 1945 với chiến thắng lẫy lừng ngày 9.5.1945.
Tinh thần đó hàng năm đều được khơi lên, được bồi đắp tại Lễ duyệt binh trong ngày Chiến thắng tại Thủ đô Moscow và nhiều thành phố khác.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, cuộc duyệt binh năm 2018 này có sự tham gia của 13.000 binh sĩ cùng hàng trăm trang thiết bị quân sự hiện đại như xe tăng T-14 Armata, T-72B3, pháo tự hành MSTA-S, các hệ thống tên lửa Buk-M2, Pantsir-S1, Yars, các loại máy bay chiến lược, tiêm kích, cường kích hiện đại, trong đó có tiêm kích tàng hình Su-57 mới nhất…
Được biệt, trong Lễ duyệt binh năm nay còn có những loại trang bị vũ khí lần đầu tiên ra mắt công chúng như: xe chiến đấu hỗ trợ tăng BMPT Terminator, tổ hợp robot đa nhiệm Uran-9 và Uran-6, máy bay không người lái tầm xa...
Nga tổng duyệt lần cuối cho lễ duyệt binh ngày 9.5. Nguồn: RT