Theo Bloomberg, mục đích gia nhập khối BRICS là tăng cường ảnh hưởng toàn cầu của Thổ Nhĩ Kỳ và xây dựng mối quan hệ mới vượt ra ngoài các đồng minh phương Tây truyền thống. Việc gia nhập BRICS cũng có thể cải thiện mối quan hệ kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga và Trung Quốc.
BRICS sẽ có thành viên từ NATO đầu tiên?
Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan tháng trước cho biết Ankara đang tìm cách đa dạng hóa các lựa chọn liên quan đến các liên minh toàn cầu.
Đề cập về thông tin gia nhập BRICS, nhà ngoại giao hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ không có sự quan tâm đến BRICS nếu Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn xin gia nhập EU vào năm 1987 nhưng sau đó các cuộc đàm phán đã bị đình trệ.
Nếu được chấp nhận, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là thành viên NATO đầu tiên của BRICS.
Nhóm BRICS, được đặt theo tên của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đầu năm nay, đã chào đón thêm 4 thành viên mới: Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ethiopia và Ai Cập. Mặc dù Ả Rập Xê Út đã được mời tham gia, nhưng quy trình chính thức vẫn chưa diễn ra. Thường được coi là một đối trọng với các tổ chức do phương Tây lãnh đạo như EU, G7 và NATO, BRICS báo hiệu một sự thay đổi đáng kể trong động lực quyền lực toàn cầu.
Có hai động cơ thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập nhóm BRICS. Theo Sinan Ülgen, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế và Đối ngoại có trụ sở tại Istanbul: "Đầu tiên là khát vọng của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tăng cường quyền tự chủ chiến lược trong chính sách đối ngoại, về cơ bản bao gồm việc cải thiện quan hệ với các cường quốc không phải phương Tây như Nga và Trung Quốc theo cách cân bằng mối quan hệ với phương Tây. Thứ hai là sự thất vọng tích tụ về mối quan hệ với phương Tây".
"Sứt mẻ" với phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ tìm quan hệ với Nga, Trung
Mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh phương Tây bắt đầu xấu đi từ một thập kỷ trước. Tổng thống Erdogan cáo buộc các chính phủ phương Tây ủng hộ các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2013 sau các cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập.
Mâu thuẫn trở nên sâu sắc hơn vào tháng 10/2015, Mỹ và sau đó là Đức rút các hệ thống phòng không khỏi Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ xung đột giữa Ankara và các nhóm vũ trang người Kurd. Một tháng sau, dưới áp lực từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã hủy bỏ kế hoạch mua hệ thống phòng thủ tên lửa từ một công ty nhà nước Trung Quốc bị Washington trừng phạt vì cáo buộc bán tên lửa cho Iran.
Năm 2016, sau vụ đảo chính bất thành được cho là có liên quan đến một giáo sĩ tại Mỹ, các phát ngôn chống phương Tây của Tổng thống Erdogan tiếp tục leo thang.
Cùng năm đó, các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU đã bị đình trệ. Một năm sau, Thổ Nhĩ Kỳ đã mua một hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến S-400 của Nga.
Ankara đã nhận được hệ thống này vào năm 2019 sau khi hủy các cuộc đàm phán mua hệ thống Patriot của Mỹ vì Washington từ chối chia sẻ công nghệ. Sau thỏa thuận S-400, Mỹ đã cấm Thổ Nhĩ Kỳ mua máy bay chiến đấu F-35 vì lo ngại hệ thống của Nga có thể được sử dụng để thu thập thông tin tình báo về khả năng tàng hình của các may bay này.
Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các đối tác phương Tây càng trở nên phức tạp hơn khi Tổng thống Erdogan chỉ trích việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Israel.
Về kinh tế, Nga đã trở thành đối tác kinh tế lớn, cung cấp 42% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ và 6,3 triệu khách du lịch đến nước này vào năm ngoái. Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước (Rosatom) của Nga đang xây dựng một nhà máy điện hạt nhân trị giá 24 tỷ USD trên bờ biển Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị công ty này xây dựng thêm một nhà máy nữa.
Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang đàm phán với Trung Quốc để xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ 3. Nước này cũng đang tìm cách thu hút nhiều khoản đầu tư hơn từ Trung Quốc vào các nhà máy sản xuất xe điện cũng như xử lý một mỏ nguyên tố đất hiếm.