Vào tháng trước, Ukraine đã áp đặt lệnh dừng trung chuyển dầu thô của công ty dầu mỏ tư nhân lớn nhất Nga, Lukoil, sang châu Âu. Mục tiêu của Kiev là ngăn chặn nguồn thu chính cho ngân sách của Điện Kremlin.
Tuy nhiên động thái này lại làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu ở Budapest - nơi phụ thuộc 70% lượng dầu nhập khẩu từ Nga - và Lukoil chiếm tới 1/2 lượng dầu trong số này.
Slovakia và Hungary hôm 17/7 cho biết họ đã ngừng nhận dầu từ Lukoil sau khi Ukraine áp đặt lệnh cấm lên công ty này.
Ngày 19/7, Ngoại trưởng Hugary Peter Szijjarto nói biện pháp của Ukraine có thể đe dọa đến an ninh năng lượng lâu dài của Hungary, đồng thời mạnh mẽ chỉ trích Kiev về lệnh cấm này.
Slovakia và Hungary thúc giục Ủy ban châu Âu vào cuộc
Slovakia và Hungary đang đối mặt với áp lực gia tăng sau khi tuyên bố vào tuần trước rằng họ đã ngừng nhận dầu từ tập đoàn Lukoil của Nga qua đường ống Ukraine do Kiev đưa công ty này vào danh sách trừng phạt.
Hai nước đã bắt đầu tham vấn với Ủy ban châu Âu (EC). Ngày 22/7, Hungary và Slovakia yêu cầu EC làm trung gian cho việc tham vấn với Ukraine về lệnh cấm. Ngoại trưởng Hungary Szijjarto nói, nếu thủ tục tham vấn không mang lại kết quả, Hungary và Slovakia sẽ đưa vấn đề ra tòa án quốc tế.
Slovakia ngày 25/7 kêu gọi Ủy ban châu Âu không trì hoãn quyết định theo yêu cầu của Slovakia và Hungary về việc làm trung gian cho quá trình tham vấn với Ukraine, liên quan tình trạng gián đoạn dòng chảy dầu từ Nga.
"Tôi kêu gọi Ủy ban châu Âu không nên kéo dài thời gian và hãy đứng về phía các quốc gia thành viên, đặc biệt là các công dân của mình càng sớm càng tốt," Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Juraj Blanar cho biết trong một tuyên bố qua email.
Ngoại trưởng Slovakia cho hay, ông phản đối việc "đánh bạc" với an ninh năng lượng của nước mình: "Chúng tôi không có thời gian, vì các lệnh trừng phạt thiếu cân nhắc và hành động vô trách nhiệm của quốc gia láng giềng có thể nhanh chóng mang lại hậu quả tiêu cực cho Slovakia."
Ông Blanar nhắc lại việc Slovakia đã trở thành "con tin" trong tay Ukraine và Ủy ban châu Âu trong tranh chấp này.
Trong khi đó, Gergely Gulyas, chánh văn phòng của Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết hôm thứ 26/7 rằng quyết định của Ukraine là hành động "tống tiền" đối với lập trường của Hungary và Slovakia về chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
EU đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga vào năm 2022. Tuy nhiên Slovakia, Hungary và Cộng hòa Séc được miễn trừ trong lệnh trừng phạt này do sự phụ thuộc của các nước này vào dầu mỏ Nga.
Ukraine lên tiếng
Hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời cố vấn của Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết hôm 26/7 rằng, quyết định của Ukraine trong việc đình chỉ vận chuyển dầu từ tập đoàn Lukoil của Nga đến Hungary và Slovakia là phù hợp với lệnh trừng phạt của Kiev đối với công ty này và không phải là hành động "tống tiền".
"Việc đình chỉ vận chuyển dầu của Nga qua đường ống Druzhba tới Hungary và Slovakia không phải là hành động tống tiền. Và chắc chắn Hungary và Slovakia không đứng ra làm lực lượng gìn giữ hòa bình thực sự và không đấu tranh cho hòa bình, công lý mà chỉ nhượng bộ Nga," cố vấn của Tổng thống Ukraine lưu ý.
Ông Podolyak cáo buộc các nước láng giềng đang "đi ngược lại" với EU khi khối này đã ủng hộ Kiev trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Kiev cũng khuyến nghị EU thúc giục Điện Kremlin ngừng tấn công các kênh năng lượng của Ukraine.
Ngành năng lượng của Kiev đã liên tục bị tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga trong nhiều tháng và đã mất một nửa công suất phát điện, dẫn tới tình trạng mất điện trên diện rộng, khắp cả nước.