Các chính trị gia, các nhà khoa học, quan chức và giới truyền thông đã điên đầu khi nước Mỹ đóng cửa kinh tế cách đây vài tháng. Sau khi nền kinh tế sụp đổ ngay trước mắt họ - thất nghiệp lên mức kỷ lục, GDP tụt dốc, và người người mất việc – kinh tế đã quay đầu phục hồi, thị trường chứng khoán tăng cao kỷ lục, GDP tăng vọt 35% và tỷ lệ thất nghiệp giảm khoảng 7%. Quả là những ngày phấn khởi!
Chớ có mừng vội! Làn sóng Covid thứ hai đang tràn tới. Phải làm gì đây? Các chính trị gia, những người với vốn hiểu biết về y tế và kinh tế chỉ ở mức khi viêm da là tìm đến bác sỹ và sở hữu một tài khoản ở ngân hàng, lại chính người hiến kế. Cứ đóng cửa kinh tế tiếp thôi! Các nhà phê bình lập tức la oai oái: Người dân Mỹ sẽ không bao giờ ủng hộ điều này.
Vậy thì đây, Thống đốc tiểu bang Oregon có ngay giải pháp: Hãy gọi đó là "đóng băng". Người Mỹ làm sao mà nghĩ ra được là "đóng cửa" với "đóng băng" chỉ là một, đơn giản là chúng ta cứ ở nhà thoải mái đi. Phương châm của ông Thống đốc là: Đừng bao giờ đánh giá thấp sự ngốc nghếch của người Mỹ.
Nhưng tại sao lại đóng cửa kinh tế một lần nữa? Thì là bởi ông Donald Trump chưa bị "chôn vùi", vậy thì phải tìm cách để khiến ông không thể "ngóc đầu lên" được nữa – giải pháp chỉ có thể là tái đóng cửa nền kinh tế - chắc chắn đây sẽ là một cú nốc ao dành cho Tổng thống. Mà cứ đóng cửa kinh tế đi, có vấn đề gì đã có ông Trump chịu.
Cứ như thể mọi chuyện chưa đủ hỗn loạn: WHO luôn phản đối việc đóng cửa kinh tế, trong khi các nhà khoa học Mỹ dường như luôn ủng hộ việc này, và những người khác thì cứ nay thế này mai thế khác, chạy theo đám đông. Các chính trị gia đều đang tuân thủ khoa học cả đấy, chỉ có điều không biết đó là khoa học của ai. Hiển nhiên là khoa học có thể biện minh cho bất cứ điều gì. Quả là rất khoa học.
Các chính trị gia Mỹ đã quyết định thực hiện một trong ba phương thức: đóng cửa, mở cửa, hoặc kiểu gần gần như đóng cửa. Việc này cũng đem lại vài chuyện khôi hài giữa cơn đại dịch thê thảm.
Các tiểu bang đối nhau chan chát: Thống đốc tiểu bang Bắc Dakota quyết định đóng cửa gần như hoàn toàn, trong khi Nam Dakota quyết định vẫn mở. Vấn đề đặt ra ở đây là người dân ở Bắc Dakota chỉ cần lái xe qua ranh giới về phía Nam là tránh được các hạn chế của việc đóng cửa. Chứ tuyệt nhiên không ai đang ở Nam Dakota lại muốn về miền bắc. Chẳng có vị Thống đốc nào nhận ra là cả hai bang này đều phải hứng chịu các cơn bão tuyết khủng khiếp khi mùa đông tới, chả cần phải làm gì thì cũng đâu có mống nào ở ngoài đường, lấy người đâu ra mà giãn cách.
Tương tự như vậy, khi New York tái áp đặt lệnh đóng cửa cũng là lúc New Jersey nới lỏng.
Ở New York, những người không chịu nổi cảnh đóng cửa chỉ việc đi phà sang bên kia sông là có thể tận hưởng những bữa ăn vui vẻ tại các nhà hàng của New Jersey. Mà còn có khả năng là khách du lịch đến New York sẽ phải cách ly bắt buộc tại khách sạn – chả phải vì đại dịch gì đâu, chỉ vì thành phố đang cần khách lưu trú để giúp các khách sạn chống chọi qua cơn bĩ cực.
Tuy nhiên, các thống đốc của Washington, Oregon và California không thể chấp nhận bất kỳ người nào có thái độ thách thức lệnh đóng cửa của họ. Và họ nhất quyết không cho phép việc đi đi lại lại từ bang đóng sang bang mở kiểu đó được. Thì đây, có ngay "lệnh cấm đi lại". Mà phải nói chính xác, đó là "khuyến cáo đi lại", vì nói "lệnh cấm đi lại" là điều cấm kỵ. Nếu không, bạn sẽ bị cho là người của ông Trump, hoặc là kẻ phát xít. Chỉ có điều: đường ranh giới giữa các bang kéo dài 2.300km, và chẳng bang nào có trạm kiểm soát hay tuần tra biên phòng.
Một lưu ý quan trọng: Washington, Oregon và California đều là những tiểu bang "bảo hộ an toàn" cho người nhập cư bất hợp pháp - nghĩa là những bang này không thực thi luật liên bang chống nhập cư trái phép. Vì vậy, họ được miễn các lệnh cấm đi lại, ý tôi là "khuyến cáo đi lại". Nghe cũng hợp lý!
Còn nhiều điều bất thường thú vị khác: California đã đóng cửa Công viên Giải trí Disney Land từ tháng 3 khi đại dịch bùng phát. Chuột Mickey, nàng Lọ Lem và Vịt Daisy buồn tê tái. Khoảng 28.000 lao động đã bị sa thải và Disney mất trắng 5 tỷ USD doanh thu. Trong khi đó, ở Florida, Disney World vẫn mở cửa với một số hạn chế về số lượng khách thăm, giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Rất là tuân thủ khoa học!
Không chịu thua kém, thống đốc tiểu bang New Mexico đã ra lệnh cấm các trận bóng đá tại bang này – đây là bang duy nhất thực hiện việc này. Có khi còn chẳng ai thèm để ý đến lệnh này. Ở các nơi khác tin tức cũng không đến nỗi quá tệ. Người hâm mộ không được vào sân, nhưng các sân vận động không người khắp nước Mỹ lại được phủ kín các hàng ghế bằng những hình nộm cắt từ bìa các tông, còn tiếng động hiện trường được phát ra từ loa phóng thanh – nguyên si tiếng cổ động viên gào thét đã được thu sẵn. Nước Mỹ - chiếc nôi của sự sáng tạo!
Hầu như người ta không nhận ra rằng con Covid đã bị chính trị hoá - nó chỉ nhắm vào người phe Cộng hoà, chứ không đoái hoài gì đến người phe Dân chủ. Vì vậy, nhiều tiểu bang chỉ cấm các cuộc tuần hành tranh cử ông Trump chứ không cấm các cuộc biểu tình của những người ủng hộ ông Joe Biden. Các sòng bạc vẫn mở nhưng nhà thờ phải đóng. Nói chung, bạo loạn trên đường phố được cho phép chỉ cần nhớ ném những chai bom xăng để ủng hộ bất bạo động.
Các chính trị gia thì cho phép bản thân không cần phải đóng cửa hay cách ly gì cả. Chỉ nông dân mới phải làm điều đó. Bằng chứng là đây: Thị trưởng Lightfoot của Chicago và Thị trưởng Bowser của Washington đã không bỏ lỡ các bữa tiệc đường phố sau cuộc bầu cử. Thống đốc Newsome của California thì không ngần ngại tham dự tiệc sinh nhật của một nhà vận động hành lang.
Vậy lệnh đóng cửa lần 2 liệu có khả thi hay không? Trong một nỗ lực ngăn chặn đại dịch, ông Thống đốc của tiểu bang Ohio thân thương quê tôi vừa công bố một số lệnh hạn chế để đóng cửa tiểu bang: Nếu đi ăn nhà hàng, bạn sẽ vẫn phải đeo khẩu trang trong lúc ăn. Bạn kéo khẩu trang xuống, khéo léo cắn một miếng thức ăn, rồi lại kéo khẩu trang lên và nhai.
Nhưng bất kỳ người Việt Nam nào cũng có thể khai sáng cho ông Thống đốc này rằng làm như vậy sẽ chỉ khiến khẩu trang nhiễm khuẩn mà thôi. Thêm nữa, đến đó ăn rồi là phải ngồi im trên ghế, tuyệt đối không đi lại. Trời ạ, đây là điều khủng khiếp với những người có vấn đề về bàng quang.
Rồi nữa, không ai được uống rượu trong nhà hàng. Ơ, vậy hoá ra là con virus này thích uống rượu cơ đấy. Và cuối cùng, nhà hàng phải đóng cửa lúc 10h đêm – lại một phát hiện nữa: Virus này hoạt động từ 10:00 đêm trở ra trong nhà hàng, nên bạn nhất định phải thoát khỏi đó.
Tiếp đó, Thống đốc Oregon vừa công bố sẽ phạt tiền và tống giam những người không tuân thủ giãn cách xã hội. Vậy là bà ấy tống người dân vào nơi mà họ chẳng thể nào có điều kiện để giãn cách xã hội vì tội không giãn cách xã hội.
Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi về những việc đã và đang diễn ra, rồi rút ra được một kết luận là: Có vẻ như phải những người "não rất phẳng" thì mới đảm nhiệm được mấy vị trí này trong chính quyền Mỹ.
Bất chấp những nhận xét chua cay ở trên, cá nhân tôi là người tuân thủ tuyệt đối việc đeo khẩu trang. Đeo cả lúc đi tắm luôn! Còn việc giãn cách xã hội thì chẳng hiểu sao lại có người phải lo lắng chứ: người Mỹ bây giờ ai chả tóc dài, râu ria bù xù, và cũng chẳng bận tâm mấy về việc vệ sinh cá nhân. Chẳng có ai muốn đến gần ai cả đâu!
Xin chia sẻ câu chuyện cá nhân là tôi đang bị giam chân giữa đại dịch nên đã quyết định tập thể dục ở nhà vì phòng Gym bị đóng cửa. Tập mê mải quá nên đầu gối của tôi bị ảnh hưởng. Tôi liền đặt hàng online để mua bộ dây băng bảo vệ đầu gối dành cho người tập thể thao. Tôi được cung cấp một tài khoản trên ứng dụng theo dõi đơn hàng. Tôi bấm đăng nhập và bạn thử đoán xem tôi nhìn thấy gì? Cái thứ chết tiệt tôi đặt mua được sản xuất tại Trung Quốc. Chưa hết, đơn hàng đang được vận chuyển từ Vũ Hán!!! Tôi đồ rằng mình còn phải trả thêm cả khoản thuế nhập khẩu của ông Trump nữa đấy!
Đóng cửa, đúng là cái thứ chết tiệt!
* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.