Nước Mỹ thời Donald Trump: Từ “cảnh sát toàn cầu” đến “quan tòa thế giới”

Đại tá Lê Thế Mẫu |

Với tuyên bố Washington sẽ từ bỏ vai trò “cảnh sát toàn cầu”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang muốn biến Hoa Kỳ thành quốc gia đóng vai “quan tòa thế giới” để xây dựng trật tự thế giới mới theo các luật lệ do Mỹ định đoạt. Khi đó, Mỹ có thể khiến thế giới trở thành nơi chỉ có kẻ mạnh mới sống sót.

Ngày 26.12.2018, trong bài nói chuyện với các quân nhân Mỹ đang làm nhiệm vụ tại Iraq nhân chuyến thăm bất ngờ tới quốc gia Trung Đông này, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: “Hoa Kỳ không thể tiếp tục đóng vai trò là cảnh sát toàn cầu” (United States cannot continue to be the policeman of the world) [1].

Nhiều người khi biết được tuyên bố này của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vội mừng thầm và ca ngợi ông là “vị tổng thống Mỹ tuyệt vời nhất từ trước tới nay”. Họ mừng thầm khi nghe tuyên bố này cũng có lý bởi xưa nay nhiều nước trên thế giới đều nhìn nhận Mỹ là “sen đầm quốc tế” hoặc là “ cảnh sát toàn cầu ”. Mỹ luôn sử dụng sức mạnh quân sự vô đối để đe dọa hoặc sẵn sàng can thiệp quân sự vào bất cứ quốc gia nào không đáp ứng lợi ích mình.

Thực tế hàng loạt cuộc can thiệp quân sự của Mỹ sau Chiến Tranh Lạnh đã chứng tỏ điều đó. Thí dụ điển hình là Mỹ bất chấp luật pháp quốc tế đã phát động chiến tranh Iraq lần thứ 1 (1990-1991) và lần thứ 2 (2003), chiến tranh Kosovo (1998-1999), chiến tranh Afghanistan (từ năm 2001 tới nay chưa kết thúc), chiến tranh Libya (2011) và chiến tranh Syria…

Đó là chưa kể các tổ chức “phi chính phủ” mà Mỹ đứng đằng sau đạo diễn và chỉ đạo tiến hành loạt cuộc “cách mạng sắc màu” (cách mạng hoa hồng ở Gruzia năm 2003, cách mạng màu da cam ở Ukraine năm 2004, cách mạng màu hoa tuylip ở Kyrgistan năm 2005…) để lật đổ chính thể ở những quốc gia này và dựng lên chính quyền thân Mỹ tại đó.

Nước Mỹ thời Donald Trump: Từ “cảnh sát toàn cầu” đến “quan tòa thế giới” - Ảnh 2.

Ngày 19.12, tổng thống Mỹ bất ngờ tuyên bố rút quân khỏi Syria sau cuộc điện đàm với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

Một câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thực sự khiến Hoa Kỳ chia tay với vai trò “cảnh sát toàn cầu” hay không?

Để trả lời được câu hỏi này cần xuất phát từ một định đề bất biến là dù bất cứ ai là tổng thống Hoa Kỳ thì bằng cách này hay cách khác họ đều hướng tới mục tiêu xuyên suốt là giành và giữ vai trò thống trị thế giới của Washington.

Mục tiêu này đã từng được “bộ chính trị” của phe phái ngầm - thực chất là tập đoàn tài phiệt ở Washington, đặt ra từ đầu thế kỷ 20 tới nay và cũng sẽ không thay đổi trong thế kỷ 21 nếu không có một sự biến chuyển kinh thiên động địa nào làm thay đổi định đề đó.

Chính Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng tuyên bố rằng đối với ông, nước Mỹ là trên hết và ông sẽ làm cho “Hoa Kỳ vĩ đại trở lại”.

Ông Donald Trump cũng đã từng tuyên bố, các đời tổng thống Mỹ những năm gần đây giống như “ông vua chột một mắt thống trị xứ mù”.

Theo đó “ông vua chột” đã không nhìn thấy thế giới đã hoàn toàn đổi thay đến chóng mặt, trong đó, theo ông Donald Trump, Trung Quốc đã đứng đầu thế giới về kinh tế, còn Nga đã đứng đầu thế giới về quân sự, thế nhưng “những kẻ mù” là đồng minh của Mỹ vẫn tiếp tục “lợi dụng và sử dụng quân đội hùng mạnh của Mỹ để bảo vệ họ” trước những nguy cơ không có thật.

Trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2016, ứng cử viên Donald Trump từng tuyên bố rằng hợp tác với Nga chỉ có lợi cho Mỹ và những ai không tin điều đó chỉ là những kẻ ngốc. Ông Donald Trump cho rằng, các đời tổng thống vừa qua đã “ngủ quên trên vòng nguyệt quế” sau khi Mỹ giành thắng lợi trong Chiến Tranh Lạnh [2].

Lúc này Mỹ phải hành động nhanh và ngay để giành lại vị thế đã mất.Nhưng giành bằng cách nào? Điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Mỹ đã “bị các nước khác lợi dụng lực lượng quân đội phi thường của Mỹ để bảo vệ họ” mà không chi trả xứng đáng chỉ là một trong những khiếm khuyết chiến lược của Hoa Kỳ cả trước và sau Chiến Tranh Lạnh.

Trên thực tế, câu chuyện còn nghiêm trọng hơn rất nhiều và mang tính thời đại vô cùng sâu sắc.

Đó là, theo ông Donald Trump, Trung Quốc đã sử dụng mô hình kinh tế thị trường do nhà nước quản lý dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản lợi dụng những lỗ hổng trong mô hình kinh tế thị trường tự do của Mỹ và Phương Tây để trục lợi.

Theo cách nói hình ảnh của các chuyên gia phân tích kinh tế-chính trị thế giới, thì Trung Quốc đang đẩy Mỹ ra khỏi chính ngôi nhà mang tên “toàn cầu hóa” hoặc “Mỹ hóa toàn cầu” do Washington dựng lên sau Thế Chiến II.

Do đó, đã đến lúc Mỹ cần xây dựng một ngôi nhà khác do Washington, chứ không phải Bắc Kinh, là chủ nhân. Theo đó, thay vì hành động trong khuôn khổ các thể chế đa phương - cơ sở nền tảng của hệ thống quan hệ quốc tế sau Thế Chiến II, Tổng thống Mỹ Donald Trump chuyển sang cơ chế hợp tác song phương với các quốc gia có chủ quyền [3].

Nước Mỹ thời Donald Trump: Từ “cảnh sát toàn cầu” đến “quan tòa thế giới” - Ảnh 4.

Vào tháng 3.2018, Mỹ bắt đầu khởi động cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hoàn toàn không chống lại chủ nghĩa toàn cầu hóa để quay về với chủ nghĩa biệt lập, mà ông đang đi theo một mô hình chủ nghĩa toàn cầu hóa khác khiến Trung Quốc không thể trục lợi. Bằng sách nào?

Theo tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, sau những nỗ lực bất thành của các đời tổng thống trước đây nhằm duy trì trật tự thế giới đơn cực và quá trình toàn cầu hóa theo “sự đồng thuận Washington”, Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trương xây dựng trật tự thế giới mới mà trong đó Hoa Kỳ đóng vai trò là “ quan tòa của thế giới ” [4].

Với vị thế quan tòa ấy, Mỹ sẽ phán xét và định đoạt mọi điều ước quốc tế theo điều kiện do Washington sắp đặt và mang lại lợi ích cho Washington nhằm hướng tới mục tiêu “Make America Great Again”, trong đó những quốc gia như Nga, Trung Quốc hay Iran nếu không muốn gia nhập trật tự đó sẽ bị Mỹ loại bỏ khỏi hệ thống này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump còn kêu gọi các quốc gia trên thế giới “hãy trở nên dũng cảm, tự chủ, thông minh để từ bỏ trật tự thế giới hình thành sau Thế Chiến II và sống theo trật tự thế giới mới” mà Mỹ đang xây dựng.

Ông Donald Trump kêu gọi các nước nên noi gương nước Anh chia tay với Liên minh châu Âu (EU) sau khi thất bại trong việc hoạch định một chiến lược hợp tác có hiệu quả với liên minh này [4].

Theo cách diễn giải của Ngoại trưởng Mike Pompeo, là quốc gia đóng vai trò “quan tòa của thế giới”, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump “sẽ từ bỏ hoặc xem xét lại mọi hiệp định và hiệp ước quốc tế đã bị lạc hậu và có hại đối với các lợi ích của Hoa Kỳ, các thỏa thuận thương mại quốc tế không đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền của Mỹ và các đồng minh” [4].

Ông Mike Pompeo nhấn mạnh:“Trong bất cứ trường hợp nào, Mỹ vẫn là siêu cường duy nhất nắm quyền lãnh đạo trật tự thế giới mới. Dựa trên nguyên tắc này Mỹ sẽ xây dựng quan hệ với tất cả các quốc gia khác có chủ quyền. Mỹ sẽ ủng hộ và bảo vệ bất cứ quốc gia nào gia nhập trật tự thế giới mới, công bằng, tuyệt đối minh bạch và hạnh phúc”.

Nước Mỹ thời Donald Trump: Từ “cảnh sát toàn cầu” đến “quan tòa thế giới” - Ảnh 5.

Mỹ cũng đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran (JPCOA) và Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung INF với Nga.

Thời gian qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có nhiều quyết định thể hiện vai trò của nước Mỹ là “quan tòa của thế giới”. Đó là:

1. Đưa Mỹ rút khỏi Ủy ban khoa học và giáo dục của LHQ (UNESCO) với lý do mối quan ngại ngày càng tăng của Washington đối với UNESCO và do sự cần thiết của việc cải cách tổ chức này.

2. Tuyên bố sẵn sàng trừng phạt những quốc gia bỏ phiếu chống lại các nghị quyết do Mỹ đề xuất hoặc bảo trợ tại LHQ. Thậm chí, Mỹ đe dọa sẽ rút khỏi LHQ.

3. Cảnh báo Mỹ sẽ rút khỏi Tổ chức thương mại thế giới (WTO) nếu định chế này không đối xử với Mỹ tốt hơn.

4. Đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bởi nếu tiếp tục đi theo hiệp định này Mỹ sẽ bị thâm hụt cán cân thương mại “kinh niên” với các nước thành viên. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố, ông không chấp nhận bất cứ hiệp định thương mại nào khiến Mỹ thâm hụt cán cân thương mại.

5. Đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu bởi hiệp định này cản trở Mỹ trở thành cường quốc sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới.

6. Đưa Mỹ rút khỏi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran bởi theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, Teheran đang lợi dụng thỏa thuận này để phát triển vũ khí hạt nhân đe dọa Israel là đồng minh chủ chốt của Mỹ ở Trung Đông. Ngoài ra, Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran còn mang lại nhiều lợi ích cho các đối tác cạnh tranh với Mỹ là Nga, Trung Quốc và EU.

7. Đưa Mỹ rút khỏi Hiệp ước Mỹ-Nga về tên lửa tầm ngắn và tầm trung, bởi theo Washington, hiệp ước này cản trở Mỹ phát triển và triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở Châu Âu khi thực hiện chiến lược tấn công phủ đầu vào các căn cứ tên lửa hạt nhân chiến lược của Nga.

8. Áp đặt mọi biện pháp cấm vận cần thiết nhằm ngăn chặn dòng khí đốt của Nga tới Châu Âu, buộc các nước trên châu lục này phải mua khí đốt hóa lỏng của Mỹ.

9. Đưa quân Mỹ rút khỏi Syria và Afghanistan. Trong bài phát biểu khi tới thăm Iraq, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng quân đội nước này đang có mặt ở những quốc gia mà "hầu hết người Mỹ không biết tên".

Theo ông, đây là "điều nực cười" và khẳng định những nước mà Mỹ hiện diện quân sự ở đó "phải xì tiền ra" để trả phí dịch vụ an ninh cho Washington. Theo đánh giá của các chuyên gia, Mỹ đã tung hàng nghìn tỷ USD vào cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.

Tổng thống Donald Trump cho rằng sau 14 năm quân Mỹ ở Afghanistan đã không giải quyết quyết được vấn đề mà chỉ tạo thêm vấn đề. Do đó, ông quyết định đàm phán với Taliban, thay vì tiêu diệt Taliban.

10. Bỏ phiếu chống Hiệp ước di cư toàn cầu đã được Đại hội đồng LHQ thông qua trong cuộc bỏ phiếu ngày 19.12.2018 với lý do hiệp ước này sẽ tạo ra làn sóng di cư ồ ạt tới Mỹ mà Tổng thống Donald Trump đang ra sức ngăn chặn.

11. Sắp tới, có thể Mỹ sẽ từ bỏ Công ước Montreux, mở đường cho tàu sân bay của Mỹ hiện diện ở Biển Đen trong cuộc cạnh tranh toàn diện với Nga.

Với những quyết định trên đây và có thể có nhiều quyết định nữa trong thời gian tới, ông Donald Trump đang đưa Mỹ từ vị thế “cảnh sát toàn cầu” sang vị thế “quan tòa thế giới”.

Bình luận về chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm xây dựng trật tự thế giới mới theo sự sắp đặt của Washington, Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU Federica Mogherini tuyên bố rằng chính sách này đang đưa thế giới tới kỷ nguyên của “luật rừng” mà ở đó chỉ có kẻ mạnh sẽ sống sốt. Nếu Mỹ thấy chấp nhận một trật tự thế giới như vậy, thì nhiều nước khác sẽ không thấy như thế” [4].

Tài liệu tham khảo

[1] Trump defends Syria policy during surprise visit with US troops in Iraq. http://georgia.nris.com/news/Trump-defends-Syria-policy-during-surprise-visit-with-US-troops-in-Iraq-77379

[2] Соединённые Штаты не хотят воевать в угоду банковским монополиям (Тьерри Мейсан). http://rodon.org/polit-181226104236

[3] Пересмотрим итоги Второй мировой»: США заявили о новом мировом порядке. http://maxpark.com/community/13/content/6574708

[4] Новый миропорядок: США хотят возглавить мир на своих условиях. http://maxpark.com/community/13/content/6575759

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại