Ngày 6-11 (giờ Mỹ) cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ sẽ diễn ra. Theo nhiều cuộc thăm dò thì cuộc bầu cử giữa kỳ lần này nhận được sự quan tâm lớn bất thường so với các cuộc bầu cử giữa kỳ trước ở Mỹ. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang cực kỳ chia rẽ.
Nói với The Hill, nhà phân tích chính trị Bill Schneider, giáo sư về các vấn đề chính sách-chính phủ-quốc tế tại ĐH George Mason, nhận định môi trường chính trị ở Mỹ đang trong trạng thái chia rẽ nhất kể từ cuộc nội chiến Mỹ (1861-1865).
Fox News, hãng tin được cho là thân thiết với Tổng thống Trump cũng thừa nhận khoảng cách giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đang ngày càng xa.
Quá nhiều chia rẽ
Khi cuộc bầu cử chỉ còn khoảng hai tuần, một sự kiện nghiêm trọng xảy ra làm rúng động chính trường Mỹ và theo Reuters đã làm tăng căng thẳng ở một nước Mỹ đang phân cực sâu sắc. Hàng loạt bưu kiện chứa thiết bị nổ được gửi nặc danh đến nhiều nhân vật Dân chủ cấp cao được biết đến như là những người có quan điểm trái với ông Trump.
Đó là cựu tổng thống Barack Obama, cựu phó tổng thống Dân chủ Joe Biden, cựu ngoại trưởng, cựu ứng viên tổng thống Hillary Clinton, cựu giám đốc CIA John Brennan, cựu bộ trưởng Tư pháp Eric Holder.
Sau sự kiện này, ông Trump lên tiếng kêu gọi đoàn kết, tuy nhiên lời kêu gọi này rất nhanh bị đảng Dân chủ chỉ trích rằng vô nghĩa khi bản thân phát ngôn của ông Trump đã hiện hữu lời lẽ gây chia rẽ, kích động giận dữ, thù địch.
Xuất hiện thuyết âm mưu từ nhiều nhân vật cánh hữu rằng đây không phải cách làm của phe bảo thủ mà có thể là hành động cố tình dựng lên của đảng Dân chủ nhằm thu hút phiếu bầu.
Có thể thấy rõ sự chia rẽ quanh tranh cãi vụ ông Brett Kavanaugh - người được ông Trump đề cử vào vị trí thẩm phán tòa án tối cao - vướng các cáo buộc tình dục. Trong khi phần lớn nghị sĩ Cộng hòa ra sức ủng hộ ông Kavanaugh thì cũng một lượng rất lớn nghị sĩ Dân chủ phản đối.
Một cuộc thăm dò gần đây của Politico cho thấy 70% người theo đảng Dân chủ phản đối ông Kavanaugh trong khi 73% người theo đảng Cộng hòa ủng hộ. Đề cử Kavanaugh cuối cùng cũng được Thượng viện thông qua nhưng chia rẽ vẫn kéo dài.
Chủ trương cứng rắn về nhập cư của ông Trump và đảng Cộng hòa cũng gây chia rẽ lớn. Đảng Dân chủ, cụ thể là ông Obama trong một lần vận động cho các ứng viên Dân chủ cuối tuần này đã chỉ trích việc ông Trump định đưa 15.000 quân ra biên giới với Mexico chặn người nhập cư là “trò chính trị” trước cuộc bầu cử này.
Cuối tháng trước, ông Trump tuyên bố sẽ ký một quyết định hành pháp hủy bỏ quy định cho phép người sinh ra trên đất Mỹ được cấp quyền công dân Mỹ, điều được quy định trong Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ.
Chưa hết, cuộc điều tra khả năng Nga thông đồng đội tranh cử của ông Trump can thiệp bầu cử Mỹ 2016 vẫn đang dang dở. Chưa có thời điểm nào Nhà Trắng lại có nhiều rối loạn và nhiều thay đổi nhân sự như hai năm qua. Các sự kiện này cũng tạo nên bức tranh chia rẽ nước Mỹ.
Chia rẽ đến tận gia đình
Fox News dẫn một kết quả thăm dò cho thấy hiện tình trạng người theo đảng này không ưa đảng kia rất nghiêm trọng, có đến 81% người Mỹ có cái nhìn không thiện chí với những người không theo đảng mình. Phần lớn người theo đảng Dân chủ nói họ chỉ có “rất ít” hoặc không có bạn bè nào ở đảng Cộng hòa và ngược lại.
Thời gian gần đây có tình trạng một số người ủng hộ đảng Cộng hòa thậm chí còn mặc áo mang dòng chữ: “Tôi thà làm một người Nga còn hơn là một người Dân chủ”, điều khó nghĩ đến chỉ vài năm trước đây.
Sự chia rẽ diễn ra ngay trong cả các gia đình Mỹ. Tại TP Pittsburgh (bang Pennsylvania), nơi vừa xảy ra vụ xả súng nhằm vào người Mỹ gốc Do Thái làm 11 người chết, ông Rocco Santucci, 69 tuổi và cô con gái Julia, 38 tuổi, một nhà phân tích tại CIA, luôn trong tình trạng tranh cãi về chính trị khi hai người ủng hộ hai đảng khác nhau.
Ông Santucci ủng hộ đảng Cộng hòa từ thập niên 1980, thời Tổng thống Ronald Reagan. Mỗi kỳ bầu cử, cô Julia đều tìm hiểu và biết bố cô bỏ phiếu cho các nhân vật Cộng hòa như hai cha con Tổng thống Bush, các nghị sĩ John McCain, Mitt Romney.
Đến kỳ bầu tổng thống năm 2016, cô chủ ý không hỏi bố có bỏ phiếu cho ông Trump không để tránh tổn thương với cảm giác “các giá trị của mình bị bác bỏ”.
Về phần người bố, sau nhiều năm tranh cãi ông thề không nói chuyện chính trị với con gái. Ông nhận định ông Trump tuy có các phát ngôn khiến mọi người bất mãn nhưng lại làm được việc, kinh tế phát triển tốt, về quốc tế cũng tốt.
Nói với Global News, một công dân Mỹ tên Becky Schultz công nhận “họ đang chia rẽ về quá nhiều vấn đề” và gửi thông điệp đến hai đảng Dân chủ và Cộng hòa rằng “thực ra họ chỉ cần làm việc cùng nhau và làm cho đất nước tốt hơn”.
Hai tuần trước bầu cử, AP công bố thăm dò cho thấy tới hơn 80% người Mỹ được hỏi cho rằng nước Mỹ đang trong thời điểm chia rẽ sâu sắc nhất lịch sử về các giá trị quan trọng.
Trong số này chỉ 20% lạc quan rằng nước Mỹ sẽ trở nên bớt chia rẽ hơn trong vài năm tới, còn số người bi quan rằng tình hình sẽ còn tệ hơn chiếm tới 39%. Có tới 77% người được hỏi không hài lòng với thực tế chính trị nước Mỹ hiện nay.