Trên thị trường hiện nay, nhiều cơ sở nước mía siêu sạch có dùng thêm nhiều loại hương vị khác như hương đào, hương ổi, hương chanh... nhưng phần lớn chỉ là hương liệu công nghiệp nên không thể thay thế hương quất thiên nhiên vừa thơm lại vừa có lợi cho sức khỏe.
Theo dinh dưỡng học hiện đại, thành phần hoá học của mía khá phong phú, cứ mỗi 100g mía có chứa 84g nước, 0,2g chất đạm, 0,5g chất béo, 12g chất đường và nhiều các nguyên tố vi lượng như canxi, phốt pho, sắt..., các vitamin như vitamin B1, vitamin B2, vitamin C, vitamin D...
Ngoài ra, còn có các acid hữu cơ và nhiều loại enzym. Trong đường mía có sucrose (chiếm 70 - 88% chất rắn hòa tan trong dịch mía), glucose và fructose.
Theo dinh dưỡng học cổ truyền, mía được gọi là cam giá, vu giá, thử giá, can giá... vị ngọt, tính lạnh, vào được hai kinh Vị và Phế, có công dụng thanh nhiệt trừ phiền, sinh tân nhuận táo, hòa trung hạ khí, lợi tiểu giải rượu, tiêu trừ mệt mỏi, trợ giúp tiêu hóa, thường được dùng để chữa các chứng trạng bệnh lý như môi khô miệng khát, tân dịch bất túc (bệnh lý sốt cao gây mất nước), tiểu tiện bất lợi, đại tiện táo kết, phản vị ẩu thổ (chứng nôn mửa, ăn vào thì bụng đầy trướng, sáng ăn chiều mửa, chiều ăn sáng mửa, mửa ra thức ăn không tiêu hóa), sốt cao phiền nhiệt...
Sách Tùy tức cư ẩm thực phổ viết: “Cam giá, trá tương danh vi thiên nhiên Phục mạch thang” (nước mía có giá trị như Phục mạch thang thiên nhiên), Phục mạch thang là một bài thuốc cổ được ghi trong sách Thương hàn luận, có công dụng bổ khí dưỡng huyết, tư âm phục mạch.
Sách Bản thảo kinh sơ cũng viết: “Cam giá, vi giá sắc chi hóa, kỳ vị tiên nhập tỳ, cố năng trợ tỳ khí, tỳ chủ trung châu, cố chủ hòa trung. Cam hàn trừ nhiệt nhuận táo, cố chủ hạ khí lợi đại tràng dã” (mía trước tiên nhập vào kinh tỳ, trợ giúp tỳ khí, vì tỳ chủ trung tiêu nên mía có thể hoà trung, vị ngọt tính lạnh mà trừ được nhiệt và nhuận táo khiến chi khí có thể hạ và có lợi cho đại tràng).
Nôn, buồn nôn dùng nước mía, gừng tươi.
Sách Bản thảo thi thoại có ghi lại một câu chuyện thú vị: Vào đời Càn Long (Trung Quốc), ở huyện Lâm Hải, tỉnh Chiết Giang có một vị quan lại bị mắc chứng bệnh khản giọng mất tiếng đã lâu, gia nhân phải đưa đến tận Tô Châu để mời danh y Diệp Thiên Sĩ chẩn trị.
Sau khi quan sát, hỏi bệnh và xem mạch, Diệp Thiên Sĩ chắp tay bẩm rằng: “Thưa tiên sinh, bệnh của ngài nhiệt tà đã công tâm, thật khó có thể chữa trị, tôi khuyên ngài hãy mau mau về nhà đi thôi”.
Vị quan nghe vậy lo lắng vô cùng, vội giục gia nhân nhanh chóng hồi gia để tránh cảnh “khách tử dị hương”. Trên đường trở về, nghe đồn ở Hoàng Nham có vị lương y Hạ Vân Dĩnh chuyên trị những chứng bệnh nan y, nhiều người đã chữa khỏi, vị quan thấy vậy lại bảo người đưa đến cầu cứu.
Sau khi chẩn mạch, Hạ y sinh nói: “Bệnh của tiên sinh cố nhiên là rất nặng, nhưng nếu cứ dùng nước mía mà uống cho thỏa thích thì may ra có thể cứu được mệnh”.
Bấy giờ đang là mùa thu hoạch mía, vị quan nọ mừng lắm, vội sai gia nhân mua thật nhiều mía về và hằng ngày ép lấy nước uống. Lạ thay, bệnh tình từ đó mỗi ngày một thuyên giảm và khỏi hẳn. Diệp Thiên Sĩ nghe được chuyện trong lòng vô cùng cảm phục Hạ Vân Dĩnh và sau đó tôn Ông là bậc thầy của mình.
Nước mía giải rượu
Sách Bản thảo cương mục viết: “Giá tương, chỉ ẩu uyết phản vị, khoan hung cách” (nước mía cầm nôn ọe, làm khoai khoái lồng ngực). Sách Tùy tức cư ẩm thực phổ viết: “Cam giá cam lãnh thanh nhiệt, hòa trung nhuận tràng, giải tửu tiết ưu, hóa đàm sung dịch” (mía ngọt mát thanh nhiệt, tốt cho tiêu hóa, nhuận tràng, giải rượu, trừ đàm và bổ sung dịch thể). Sách Nhật dụng bản thảo cũng viết: “Giá tương, chỉ hư nhiệt phiền khát, giải tửu độc”. Lục Du Canh, thi nhân đời Tống đã cảm nhận sâu sắc công dụng giải rượu của nước mía trong câu thơ: “Giá tương tức giải phá dư trình” (nước mía có thể làm hết nhanh trạng thái say rượu bí tỉ).
Nước mía chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe
Nước mía có pha thêm một chút nước gừng tươi để chữa chứng nôn mửa; khi viêm kết mạc cấp tính nên uống nước mía có hòa lẫn nước sắc hoàng liên để giúp chống viêm, tiêu sưng và giảm đau nhanh chóng; với các bệnh lý hô hấp có biểu hiện môi khô họng khát, ho khan, có cảm giác sốt nhẹ về chiều, hay ra mồ hôi trộm, đại tiện táo kết... nên ăn cháo nấu bằng nước mía để thanh hư nhiệt, nhuận phế, chỉ khái và trừ đàm...
Tuy nhiên, mía và nước mía là đồ ăn thức uống rất tốt nhưng nếu để quá lâu hoặc bảo quản trong điều kiện không thích hợp thì rất dễ là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển, có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc. Vả lại, mía tính lạnh và hàm lượng đường rất cao nên những người tỳ vị hư yếu, hay đầy bụng đi lỏng và những người mắc bệnh tiểu đường không nên uống nước mía.