Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), Cựu chủ tịch Akio Toyoda của gia tộc nhà sáng lập Toyota đã rơi lệ một lần nữa trong cuộc họp cổ đông thường niên mới tổ chức.
Cụ thể, vị lãnh đạo này đã than thở về thời kỳ đầu lên điều hành Toyota trong con mắt coi thường của những giám đốc cũ, và rồi bằng sự nhiệt huyết của mình đã lèo lái tập đoàn xe hơi Nhật Bản này đi lên thành công như thế nào.
“Với tư cách là con của Chủ tịch tập đoàn được thừa kế lại, tôi có thể nhận thấy mọi người tránh né bản thân mình như thế nào. Thực tế là những người giúp đỡ tôi vượt qua giai đoạn khó khăn lại đến từ các chi nhánh cơ sở chứ không phải trụ sở chính”, ông Toyoda, nay đã 67 tuổi gạt lệ nói.
Ông Akio Toyoda.
Cũng theo cựu CEO này, đại hội cổ đông thường niên là dịp duy nhất trong năm mà ông Toyoda có cơ hội tự nhìn nhận lại bản thân.
Tuy nhiên những hình ảnh khóc lóc đa sầu đa cảm của cựu CEO Toyota khiến nhiều người có cái nhìn mới về đế chế xe hơi lớn nhất toàn cầu cũng như gia tộc sở hữu chúng, khi đây không phải lần đầu ông Akio rơi lệ.
Bị coi thường
Ông nội của Akio Toyoda là Kiichiro Toyoda, nhà sáng lập nên hãng Toyota hiện nay, trong khi cha của Akio là ông Shoichiro Toyoda đã điều hành tập đoàn suốt 10 năm và chỉ mới qua đời gần đây ở tuổi 97.
Theo ông Akio Toyoda, dù hưởng đặc quyền thừa kế và lên nắm quyền vào năm 2009 sau khi hàng loạt CEO không thuộc gia tộc Toyoda từng lèo lái con tàu Toyota nhưng bản thân ông lại không được lòng các giám đốc cũ. Định kiến về một nhà thừa kế bất tài, chỉ lên được vị trí đó nhờ huyết thống đã khiến ông Toyoda bị tổn thương và gặp rất nhiều áp lực.
Thậm chí rắc rối liên quan đến mảng xe điện gần đây khi Toyota chậm chân ở lĩnh vực này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến cái nhìn của các giám đốc đến gia tộc Toyoda.
“Tôi cảm thấy mọi người không chào đón mình. Trái tim tôi đã tan nát rất nhiều lần và bản thân đã từng nghĩ đến việc bỏ cuộc”, ông Toyoda rơi lệ nói.
Ông Akio Toyoda nhậm chức vào năm 2009.
Từ câu chuyện bị coi thường bởi những lãnh đạo cấp cao trong tập đoàn cho đến sự phân biệt đối xử ở tầng lớp tinh anh Nhật Bản, cựu CEO Toyota đã giải thích cho quyết định của mình ở mảng xe điện.
Theo đó ông Toyoda ủng hộ lượng lớn những ý kiến trái chiều về việc có nên coi xe điện là giải pháp duy nhất cho tương lai hay không. Bản thân nhà lãnh đạo này cho rằng rất nhiều người phản đối không dám lên tiếng vì áp lực từ những nhóm ủng hộ dòng sản phẩm mới này.
Tuy nhiên theo Toyoda, bằng chính kinh nghiệm bị coi thường và phân biệt đối xử trước đây mà nhà lãnh đạo này đã quyết định lên tiếng đi ngược lại số đông. Trớ trêu thay là tiếng nói này không được lòng các cổ đông và nhà đầu tư.
Ông Toyoda đã chuyển giao chức vị CEO cho Koji Sato để lên làm Chủ tịch Toyota vào tháng 4/2023. Vị giám đốc mới ngay lập tức đã chuyển hướng chiến lược của tập đoàn xe hơi lớn nhất thế giới, quay xe 180 độ từ thờ ơ sang dồn lực phát triển mảng sản phẩm mới chạy đua cùng các đối thủ.
Cậu ấm mít ướt?
Khi “cậu ấm” nhà Toyoda kế thừa vị trí lãnh đạo Toyota vào năm 2009, tình hình kinh tế thế giới đang khủng hoảng tài chính khiến doanh số lẫn lợi nhuận của hãng suy giảm mạnh.
Tồi tệ hơn, bản thân Toyota cũng đang gặp bê bối lỗi chân phanh cùng hàng loạt rắc rối khác do chiến lược mở rộng thị phần và phát triển quá nhanh của mình trên toàn cầu.
Khi đó, Toyoda dù mới nhậm chức nhưng đã phải dọn dẹp hàng loạt rắc rối có nguyên nhân xuất phát từ chiến lược phát triển sai lầm, quá nhanh mà bỏ qua chất lượng của những CEO tiền nhiệm.
Vị lãnh đạo mới này bắt đầu cắt giảm chi phí và thay đổi hàng loạt những chính sách quan liêu của hệ thống kinh doanh trong tập đoàn, vốn đã không còn phù hợp trước bối cảnh mở rộng toàn cầu và tham chiến trên nhiều thị trường của Toyota.
Bản thân Toyoda đã yêu cầu từng khu vực phải có dòng xe phù hợp nhằm đáp ứng thị hiếu khách hàng thay vì cắm đầu cho một chiến lược cố định. Chính Toyoda đã thúc đẩy dòng xe tải giá rẻ cho các thị trường mới nổi, qua đó ghi dấu ấn tại Toyota. Kể từ đó, tập đoàn xe hơi Nhật Bản đã vượt được qua sự đen đủi để tiếp tục phát triển thành hãng ô tô lớn nhất toàn cầu về doanh số.
Nổi tiếng là người đam mê đua xe, thích trò chuyện với những thợ máy, đích thân thực hiện những pha lái xe có độ nguy hiểm cao, ưa thích mùi xăng và âm thanh động cơ, ông Toyoda còn là một người quan tâm đến khí thải nhà kính khi tham gia phát triển động cơ Hydro, một công nghệ mà nhà lãnh đạo này rất thích chào hàng.
Có niềm đam mê đầy nam tính là vậy nhưng Toyoda lại thể hiện một hình ảnh khá mít ướt. Tờ WSJ cho hay ông Toyoda đã khóc rất nhiều lần ở các sự kiện công khai.
Ví dụ như năm 2010, trong cuộc họp với các nhà bán xe Mỹ khi phải thu hồi sản phẩm gây lỗi, ông Toyoda đã gạt lệ khi cam kết chân thành rằng Toyota sẽ xử lý vấn đề một cách cẩn trọng.
Tiếp đó vào năm 2020 khi Toyota không thể có lợi nhuận vì ảnh hưởng đại dịch, vị giám đốc của gia tộc sáng lập này lại khóc một lần nữa trong đại hội đồng cổ đông.
“Làm lãnh đạo là một nhiệm vụ rất cô đơn. Thế nhưng bất chấp nhiều khó khăn lớn, bằng cách nào đó tôi vẫn vượt qua được”, ông Toyoda ngậm ngùi trong đại hội cổ đông năm 2020.
Rơi lệ vì xe điện
Quay trở lại hiện tại, lần này ông Toyoda rơi lệ vì bị thách thức từ tầng lớp tinh anh, các giám đốc cấp cao, những nhà hoạt động môi trường và thậm chí là cả quan chức chính phủ vì quá thờ ơ với xe điện, vốn đang là xu thế toàn ngành sau thành công của Tesla cũng như sự trỗi dậy từ Trung Quốc.
Tại cuộc họp ngày 14/6 vừa qua, các cổ đông là quỹ đầu tư từ Mỹ và Châu Âu đã cố gắng hất cẳng Toyoda ra khỏi ban điều hành trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm thường niên khi cho rằng nhà thừa kế này cản trở cố gắng bắt kịp xu thế xe điện hiện nay, qua đó khiến Toyota tụt hậu so với các đối thủ.
Tuy nhiên cuộc bỏ phiếu vẫn nghiêng áp đảo về phía Toyoda với 85% phiếu bầu, dù con số này thấp hơn so với 95% phiếu bầu 1 năm trước đó.
Bản thân nhà thừa kế này giải thích rằng Toyota vẫn phát triển rất nhiều lựa chọn cho các sản phẩm xe hơi thân thiện với môi trường chứ không “đổ hết trứng vào một giỏ” cho xe điện. Dù không dồn toàn lực cho ô tô điện nhưng Toyoda vẫn thúc đẩy dòng xe Hybrid điện hoặc động cơ Hydrogen.
Đây là điều trái ngược hoàn toàn so với các đối thủ như GM hay Honda khi họ dồn toàn lực cho xe điện.
Bên lề đại hội, ông Toyoda nói với WSJ rằng bản thân mình duy trì quan điểm việc phủ sóng xe điện sẽ không dễ dàng như nhiều người lầm tưởng bởi công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng, tái cấu trúc trạm sạc, công nghệ, đường xá hay thay đổi thói quen người tiêu dùng là không hề đơn giản.
Bởi vậy, tương lai xe điện kết hợp cùng ô tô xăng mới là thực tại sẽ diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là các thị trường đang phát triển.
“Mọi người đang cố coi cái mác thân thiện với môi trường là cơ hội để kinh doanh, trong khi tôi đang dựa trên tình hình thực tế khách hàng ở nhiều thị trường”, ông Toyoda biện minh.
Ở một khía cạnh khác, ngoài câu chuyện xe điện thì người con Daisuke Toyoda của ông Akio Toyoda hiện cũng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Do còn quá trẻ nên Daisuke mới chỉ đảm nhiệm một vị trí nhỏ trong tập đoàn để học hỏi kinh nghiệm còn ông Akio thì vẫn đang hướng dẫn người kế nhiệm Sato.
*Nguồn: WS