Ngà voi - tặng phẩm tự nhiên của loài voi mang trên mình 2 ý nghĩa: Quyền lực và Sự tàn khốc.
Quyền lực vì ngà voi mang đến cảm giác uy nghi, là vũ khí đáng gờm của loài voi trước kẻ thù, giúp chúng trở nên lớn mạnh hơn, đáng sợ hơn so với các loài động vật khác.
Và cũng chính ý nghĩa tự nhiên đó mà lòng tham của con người trỗi dậy. Tham vọng thể hiện quyền lực đã khiến giới thượng lưu ưa chuộng ngà voi, gián tiếp gây nên những vụ tàn sát loài động vật quý này trên khắp thế giới.
Vì thỏa mãn thú chơi sử dụng những chiếc ngà voi bên trong mặt cắt có các hình dạng kim cương mà những kẻ săn trộm đã nhẫn tâm giết hại hàng trăm nghìn con voi từ năm này qua năm khác.
Tự bao giờ, chiếc ngà quý giá của loài voi bị đem ra mua bán với giá rất cao. Trung bình 1 kg ngà voi có giá khoảng 3.000 USD (2016), trong đó 1 chiếc ngà voi có khối lượng khoảng 113 kg, The Verge thông tin.
Nạn săn trộm đã tăng vọt trong nhiều năm qua. Những kẻ săn trộm đã giết chết gần một phần ba số voi hoang dã ở châu Phi từ năm 2007 đến 2014, chỉ còn lại khoảng 352.000 con ngoài tự nhiên.
Cái chết của loài voi mang đến những cảnh báo về tương lai của Trái Đất, của con người.
Theo một cách nào đó, nhận thức của chúng ta về sự tuyệt chủng thời hiện đại BẮT ĐẦU từ loài voi...
Mọi chuyện bắt đầu khi các nhà sinh vật học thực hiện nghiên cứu răng (ngà voi) hóa thạch của 2 tổ tiên loài voi: Voi ma mút - Voi răng mấu. Đó cũng là lần đầu tiên các nhà khoa học nhận thức thực tế rằng các loài trên Trái Đất có thể chết và tuyệt chủng mãi mãi.
Một chú voi ở Etosha National Park, Namibia. Ảnh: Sergi Ferrete/Unsplash
Năm 1796, nhà tự nhiên học/động vật học người Pháp George Cuvier đã so sánh hóa thạch răng 2 loài voi răng mấu và voi ma mút với răng của những con voi châu Phi và châu Á hiện đại, và đưa ra nhận định rằng hóa thạch của voi răng mấu và voi ma mút thuộc về loài đã mất trước đây rất lâu.
Đây là một kết luận táo bạo, mới mẻ và hoàn toàn đi ngược lại với hiểu biết của khoa học thời đó.
Một bài báo tại Connecticut (Mỹ) xuất bản cùng năm 1813 với công trình của Georges Cuvier lên tiếng phản bác rằng:
"Voi là loài lớn nhất, mạnh nhất, khôn ngoan nhất và sống lâu nhất trong tất cả các loài sinh vật tồn tại trên Trái Đất. Số lượng của chúng rất nhiều, không sụt giảm và phân tán trên tất cả các khu vực phía nam châu Á và châu Phi."
Loài voi khi đó được xem là sinh vật vô số. Việc tiêu thụ ngà voi khổng lồ trong những năm 1800 là chưa từng có; Mọi đồ vật đều dính dáng đến ngà voi. Từ những chiếc quạt mỏng manh, quả bóng bi-a, lược chải tóc đến phím đàn piano... đều được làm từ ngà voi.
Các vật phẩm làm từ ngà voi. Nguồn: National Museum of American History
Năm 1850, các nhà sản xuất Mỹ đã tàn sát hàng nghìn con voi khổng lồ chỉ để lấy ngà, phục vụ cho giới thượng lưu. Một công ty Mỹ còn khoe khoang đã hạ sát 1.140 con voi.
Đến thập niên 1950, gần 250 con voi bị giết hại mỗi ngày. Điều này có nghĩa, mỗi năm đó có gần 100.000 con voi bị giết hại.
Năm 1973, Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) đã được ký kết. Thỏa thuận quốc tế đã được thực hiện để điều chỉnh hoạt động buôn bán động vật hoang dã nhằm đảm bảo sự tồn tại của một loài.
Đến năm 1978, voi châu Phi được bảo vệ theo Công ước CITES, tuy nhiên, số lượng loài voi vẫn tiếp tục suy giảm.
Năm 1988, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã ký Đạo luật Bảo tồn Voi châu Phi thành luật, cấm nhập khẩu vào Mỹ tất cả ngà voi, ngoại trừ các chiến lợi phẩm săn bắn. Trong những ngày đầu tiên thực thi luật pháp, dưới thời Tổng thống George H.W. Bush năm 1989, hơn 10 quốc gia cũng chung tay thực hiện, đưa ra các lệnh cấm tương tự.
Trong vòng 150 năm, người Mỹ đã chuyển từ việc tiêu thụ hàng loạt ngà voi sang ban hành các biện pháp pháp lý nhằm hỗ trợ bảo tồn voi. Tuy nhiên, những nỗ lực gần đây có thể không đủ để chống lại hàng thế kỷ tiêu thụ ngà voi.
Trong thế kỷ 20, số lượng voi châu Phi đã giảm gần 90%, với ước tính còn lại khoảng 415.000 con vào năm 2016. Trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), loài voi nằm trong hạng mục 'Dễ bị tổn thương'.
Tuy nhiên, trước thực trạng đáng buồn đó, nhu cầu về ngà voi trên toàn thế giới vẫn không giảm. Những nỗ lực ngăn chặn nạn săn trộm song song việc bảo vệ số lượng loài voi vẫn tiếp tục. Các nhà bảo tồn và các nhà lãnh đạo thế giới truyền một thông điệp rõ ràng: Không có bất kỳ sự khoan dung nào đối với việc giết hại loài voi để lấy ngà.
Trong năm 2013, 2015 và 2017, Cục Cá và Động vật hoang dã Mỹ (FWS) đã nghiền nát hàng tấn hàng ngà voi bắt giữ được từ khách du lịch, thương nhân bất hợp pháp và bọn buôn lậu.
Thực tế cho thấy, buôn bán ngà voi chỉ là một trong những trận chiến của nỗ lực bảo tồn loài voi thời hiện đại.
Đàn voi ở Etosha National Park, Namibia. Ảnh: Richard Jacobs/Unsplash
Sự hủy hoại môi trường sống, nạn săn trộm và biến đổi khí hậu cũng góp phần đe dọa đến sự tồn tại của các loài động vật khổng lồ trên Trái Đất, trong đó có loài voi.
Ở một số nơi trên thế giới, số lượng những con voi chết đi nhanh hơn khả năng sinh sản của chúng bởi một thời kỳ mang thai voi châu Phi kéo dài gần 2 năm.
Đó là một lý do tại sao các nhà nghiên cứu tại Vườn thú Quốc gia Smithsonian (Mỹ) đang nghiên cứu chặt chẽ việc sinh sản của voi. Trong một nỗ lực để suy nghĩ về việc bảo tồn voi theo một cách mới, về cơ bản họ đang nghiên cứu làm thế nào để con người giúp tạo ra nhiều voi hơn, để chúng không bị giết hại đến mức tuyệt chủng ngay trong thế kỷ này.
Tựu chung lại, hiểu biết của chúng ta về sự tuyệt chủng hiện đại có thể đã bắt đầu từ loài voi và tổ tiên của chúng. Khi chúng ta chiến đấu để cứu loài voi, hay nhiều loài sinh vật khác trên Trái Đất, đó cũng là lúc con người chúng ta chiến đấu để bảo vệ tương lai của chính loài người chúng ta.
Tháng 5/2019, Liên Hợp Quốc công bố bản báo cáo dày 1.800 trang do IPBES(2) thực hiện, đưa ra thực trạng đa dạng sinh học hành tinh. Theo đó, Trái Đất của chúng ta đang rơi vào thời kỳ Hủy diệt sinh học (Biological annihilation) hay Sóng thần tuyệt chủng (Extinction tsunami).
Nhận định này thể hiện qua các con số trong báo cáo của IPBES:
- 1 triệu loài động-thực vật hiện nay đang bị đe dọa tuyệt chủng. Kể từ năm 1900, các loài sinh vật trên đất cạn đã giảm 20%. Hơn 40% loài lưỡng cư, 33% san hô và hơn 1/3 các loài động vật biển bị đe dọa tuyệt chủng.
- 680 loài động vật có xương sống đã bị tuyệt chủng kể từ thế kỷ 16. Năm 2016, 9% tất cả các giống thú được thuần hóa làm thực phẩm và nông nghiệp đã bị tuyệt chủng. Chưa hết, 1.000 giống thú khác cũng trên bờ tuyệt chủng.
Hủy diệt sinh học hay Sóng thần tuyệt chủng đang góp phần cho sự kiện tuyệt chủng lần thứ 6 diễn ra. Ảnh minh họa: Eliseo Fernandez/Reuters
Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho biết, số lượng các loài trên Trái Đất đang bước vào giai đoạn sụt giảm khổng lồ. Sự tuyệt chủng này sẽ dẫn đến hậu quả tiêu cực đối với hoạt động của hệ sinh thái và các thành tố quan trọng duy trì nền văn minh. Hủy diệt sinh học hay Sóng thần tuyệt chủng đang góp phần cho sự kiện tuyệt chủng lần thứ 6 diễn ra.
Minh chứng:
- Trong 177 loài động vật có vú thì 30% đã tuyệt chủng, hơn 40% đang suy giảm số lượng nghiêm trọng; Gần 200 loài động vật có xương sống đã tuyệt chủng chỉ trong 100 năm qua (trung bình cứ 1 năm có 2 loài tuyệt chủng); 42% trong số 3.623 loài động vật không xương sống trên cạn và 25% trong số 1.306 loài động vật không xương sống biển hiện nay đang nằm trong Sách Đỏ của IUCN, xếp vào nhóm bị đe dọa tuyệt chủng.
- Khoảng 40% các loài côn trùng trên thế giới đang suy giảm. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy tổng khối lượng của tất cả các loài côn trùng trên hành tinh đang giảm 2,5% mỗi năm. Nếu xu hướng đó tiếp tục gia tăng, Trái Đất có thể không có bất kỳ loài côn trùng nào vào năm 2119.
Chú thích:
[1] Georges Cuvier (1769-1832), được xem là "Cha đẻ của khoa cổ sinh học". Trong bài luận về Lý thuyết của Trái Đất (năm 1813), ông là người nói về sự tuyệt chủng như là một thực tế, và gây nên sự tranh cãi lớn trong giới khoa học.
[2] IPBES là Diễn đàn Khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái, do Liên Hợp Quốc thành lập.
Bài viết sử dụng nguồn: Smithsonian Magazine, The Verge
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.