Cuối năm 1975, chúng ta đã cử hai đoàn của Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam sang New York để vận động vào Liên Hợp Quốc (LHQ), nhưng Mỹ phủ quyết. Một năm sau, năm 1976, chúng ta thống nhất hai miền về mặt nhà nước, nhưng ở LHQ vẫn bị Mỹ phủ quyết.
Đến năm 1977, chúng ta đàm phán tích cực ở Paris để bình thường hóa quan hệ với Mỹ không thành, nhưng ít nhất chính quyền Tổng thống Jimmy Carter không còn phản đối Việt Nam gia nhập LHQ. Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 149 của tổ chức này.
Sau đó, năm 1978 xảy ra việc Khmer Đỏ được sự hậu thuẫn của một số nước, gây hấn ở biên giới Tây Nam, tháng 2/1979 Trung Quốc tấn công chúng ta ở biên giới phía Bắc. Nhưng trong cả hai sự việc này, Trung Quốc đều không đạt được mục đích. Vì vậy, họ cấu kết với Mỹ và ASEAN lúc đó thành một "liên minh" bao vây chúng ta về chính trị, cấm vận về kinh tế làm cho chúng ta suốt cả thập niên 1980 gay go. Năm 1976, các tổ chức ngân hàng, tài chính thế giới như World Bank, IMF bắt đầu có dự án giúp mình nhưng đến khi có liên minh này thì cấm vận hết.
Trong lúc đó, chính nhờ quan hệ với LHQ mình mới gỡ ra được dần dần. Năm 1977, ngày 20/9 chúng ta kéo cờ lên thì ngày 21/9, LHQ ký Nghị quyết 32/3 giúp Việt Nam khôi phục sau chiến tranh, kêu gọi toàn thế giới hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh.
Những năm 1980 là thời điểm cực kỳ vất vả. Liên Xô cũng giúp đỡ ta nhưng sức có hạn. Cuối cùng còn mỗi LHQ, các tổ chức quốc tế của LHQ. Trong các chương trình viện trợ của LHQ cho các nước để phát triển công nghệ cao, kỹ thuật cao thì Việt Nam là một trong những nước nhận viện trợ lớn nhất.
Lễ kéo cờ ngày 20/9/1977 đánh dấu thời điểm Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc. Ảnh: VNA
Tôi sang nhận nhiệm vụ làm Đại sứ Việt Nam, trưởng Phái đoàn đại diện tại LHQ ở New York, Mỹ vào mùa hè năm 1993, thời điểm quan hệ Việt Nam - Mỹ vẫn còn nhiều căng thẳng.
Ngay trước thời điểm tôi sang, phái đoàn Việt Nam bị khống chế không được ra khỏi phạm vi 25 dặm tính từ quận Manhattan. Nếu đi thì phải báo với phía Mỹ.
Vì vậy, trong giới ngoại giao ở LHQ thời đó mới có câu chuyện đùa là các nhà ngoại giao mình đến thăm bà con Việt Kiều thì bị lạc đường. Một lúc sau, có chiếc xe vượt lên, người trong xe nói: "’Các ông đi theo tôi. Chúng tôi biết các ông đi đâu rồi, theo các ông mệt quá’. Hóa ra đó là xe của an ninh Mỹ đi theo các nhà ngoại giao ta."
Năm 1992, Tổng thống Clinton lên nắm quyền, thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ mạnh hơn. Đến năm 1993, khi tôi sang thì bắt đầu rục rịch có tín hiệu tốt trong chuyện bình thường hóa quan hệ giữa mình và chính quyền Clinton. Chỉ một năm sau, 1994, World Bank và IMF bắt đầu bỏ cấm vận, chấp nhận cho Việt Nam vay lại.
Nhưng lúc này, lực lượng chống đối bình thường hóa quan hệ ở Mỹ kể cả người Mỹ và một bộ phận người Việt mình vẫn còn phản đối rất ghê. Cả trong Quốc hội, chính quyền, trong dân chúng Mỹ rồi trong cộng đồng người Việt, đấu tranh giữa bên ủng hộ và bên chống đối rất căng thẳng.
Ban đầu, số ủng hộ bình thường hóa xuất hiện nhưng không đông bằng số chống đối. Số không chống đối nhưng cũng chưa ủng hộ còn đông hơn. Sau đó, dần dần tình hình thay đổi. Nhưng những người ở Mỹ chống bình thường hóa cảm thấy dư địa của họ hẹp dần thì càng gay gắt.
Năm 1993 tôi sang thì được bỏ phạm vi 25 dặm rồi, mình được đi xa hơn nhưng cũng rất hạn chế đi ra ngoài, khi nào có công việc mới đi. Không khí chung cũng có những cái bất an.
Nhiều lần, có người gọi điện đến nhà tôi dọa bắt cóc con gái khiến tôi rất lo lắng. Rồi lần đoàn của Chủ tịch nước Lê Đức Anh sang New York họp, giữa đêm có người gọi điện đến dọa sẽ có bom đặt ở bánh trước bên phải xe của Chủ tịch nước. Tôi phải báo ngay cho an ninh nhưng bản thân mình cũng căng thẳng không ngủ được.
Năm 1995, Chủ tịch nước Lê Đức Anh có chuyến bay đến Mỹ lần đầu tiên để dự họp LHQ. Hôm đó ra đón Chủ tịch Lê Đức Anh có phái đoàn Việt Nam ở LHQ, văn phòng đại diện ở Washington (lúc đó chưa thành Đại sứ quán) và một số bà con Việt Kiều.
Trước thời điểm này, ít ai dám nghĩ đến lúc một máy bay Việt Nam hạ cánh trên đất Mỹ. Đó tưởng như là điều không thể. Trên máy bay lại là đoàn nguyên thủ cấp cao đầu tiên sang LHQ.
Trong sự kiện đó, tôi cùng anh em chuẩn bị suốt mấy tháng trời, lúc nào cũng đau đáu làm cho thật tốt, thật thành công. Lúc máy bay hạ cánh cũng vẫn lo, mọi thứ dồn vào, mệt mà không được mệt, cả tuần không ngủ được.
Đến khi ông Nguyễn Thành Trung, phi công lái chuyên cơ của Chủ tịch nước Lê Đức Anh hé cửa, vẫy lá Quốc kỳ, tất cả mọi người đều rất xúc động. Không ai nghĩ người lái máy bay ném bom Dinh Độc Lập lại có ngày đưa nguyên thủ Việt Nam sang Mỹ. Không xúc động sao được. Lúc chứng kiến, biết bao cảm xúc đột ngột dâng lên, vỡ òa. Ai mà không khóc!
Cũng trong chuyến thăm này, Chủ tịch nước Lê Đức Anh có tặng Tổng thư ký LHQ Boutros B. Ghali phiên bản trống đồng Ngọc Lũ.
Theo thông lệ, nước nào tặng thì LHQ đều trưng bày. Vì vậy, tôi với ở nhà đã phối hợp chọn phiên bản trống đồng Ngọc Lũ, biểu tượng của nền văn hóa lúa nước.
Chiếc trống đồng được đặt ngay trước cửa HĐBA - cơ quan chính trị cao nhất của LHQ, quyền lực nhất của LHQ về các vấn đề chính trị. Đây là vị trí cực kỳ đặc biệt.
Một hôm, có người của LHQ gọi tôi lên, nói: "Chúng tôi tìm được chỗ khác, sáng sủa, đẹp đẽ hơn để chuyển trống đồng ra". Tôi nghĩ ngay là có chuyện rồi, cảm nhận rất nhanh là có vấn đề gì đó.
Tôi hỏi tại sao, họ không giải thích, chỉ nói vị trí kia đẹp, sáng hơn, nhưng tôi từ chối. Họ tiếp tục giải thích là LHQ đang cải tổ, sắp xếp lại thì tôi biết có chuyện thật rồi. Năm 1995, vẫn còn những người không thích Việt Nam.
Lúc đó, tôi mới nói: "Chủ tịch nước Lê Đức Anh tặng chiếc trống đồng cho ông Boutros B. Ghali, 85 triệu người Việt Nam đều đã biết. Nếu tôi đồng ý di chuyển thì tôi sẽ phải chịu trách nhiệm về quyết định này nên tôi sẽ hỏi ý kiến lãnh đạo. Nhưng tôi nói thật là tôi không thể đồng ý".
Sau đó, họ vẫn tiếp tục hỏi một vài lần về vấn đề này nhưng mình cũng bày tỏ thái độ cương quyết nên sau đó họ thôi.
Về quá trình hoạt động của Việt Nam tại LHQ thì suốt cả thập niên 80 thế kỷ trước, Trung Quốc, Mỹ, ASEAN tập trung chĩa mũi dùi vào Việt Nam trong vấn đề Campuchia, họ vu cáo là Việt Nam xâm lược. Phái đoàn ta tất cả lực lượng tập trung xử lý vấn đề Campuchia, đi tất cả các diễn đàn, nơi nào phát biểu xuyên tạc là anh em kiên quyết đấu tranh và chỉ tập trung vào vấn đề đấy thôi. Thế nên thời đấy gọi là Phái đoàn Một vấn đề (One issue mission).
Đến năm 1993, vấn đề Campuchia không còn nữa thì lại có những thách thức khác. Chúng ta phải xoay chuyển hoạt động, không thể nhìn phiếu xanh phiếu đỏ của nước lớn nữa.
Năm 1995, ta thay đổi phương thức và nội dung hoạt động tại diễn đàn đa phương này, từ đây tác động đến các diễn đàn đa phương khác. Về chính trị, ta trở thành thành viên ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, ký Hiệp định khung Việt Nam - EC và ngày 1/1/1995 chính thức nộp đơn đàm phán gia nhập WTO.
Năm 1995 là bước ngoặt hội nhập của Việt Nam, thay đổi về cục diện hội nhập vào khu vực và thế giới. Nếu không có những điểm cơ bản đó chúng ta sẽ rất khó khăn vì vừa thoát khỏi bao vây cấm vận. Nên thời kỳ 1996 - 1997, chúng ta bắt đầu đẩy mạnh hoạt động ở LHQ. Các thành viên của Phái đoàn Việt Nam tại LHQ bàn nhau nghĩ đến chuyện phải tham gia vào các ban lãnh đạo của LHQ.
Một chuỗi chiến dịch vận động ngoại giao đã được thực hiện vào năm 1997: lần đầu tiên Việt Nam trúng cử phó chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 52; lần đầu tiên Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Kinh tế xã hội LHQ (ECOSOC), cơ quan lớn thứ 3 của LHQ; năm 1997 cũng là lần đầu tiên Việt Nam quyết định "xếp gạch" vào Hội đồng Bảo an LHQ cho nhiệm kỳ 10 năm sau đó.
Sau khi Việt Nam trúng cử vào ECOSOC với số phiếu cao nhất, Đại sứ Cuba và Đại sứ Venezuela chúc mừng Đại sứ Ngô Quang Xuân và Tham tán Công sứ Phạm Quang Vinh. Ảnh: NVCC
Cũng đến năm đó, chúng ta mới được cấp thêm một khoản kinh phí để thực hiện các hoạt động tiếp xúc, vận động các phái đoàn khác ủng hộ cho mình. Thông thường, nếu mình mời họ đến dự những sự kiện do mình tổ chức, mà họ đến tức là đã đồng ý. Chúng tôi hay nói đùa với nhau rằng, ở LHQ, không có "free lunch" - bữa trưa miễn phí bao giờ.
Phải nói là "hàng gạch" này cũng rất dài, ngoài 5 nước Ủy viên thường trực thì chỉ còn 10 ghế chia ra cho các nước còn lại. Ta cũng phải nhìn danh sách đăng ký rồi tính toán thời điểm ra ứng cử sao cho phù hợp, thuận lợi. Quá trình vận động của Việt Nam thành công nhờ vận động từ rất sớm. Năm 1999, trước khi tôi về đã đạt được đồng thuận, khu vực châu Á đã ra được quyết định, năm 2008 - 2009 chỉ có một ứng cử viên duy nhất là Việt Nam.
Năm nay, Việt Nam tiếp tục là thành viên duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Nhưng sau 10 năm, đã có những chuyển biến trở thành thách thức nếu chúng ta lần thứ hai trở thành thành viên Hội đồng Bảo an.
Quan hệ địa chính trị hiện nay trên thế giới cực kỳ phức tạp, có một số dấu hiệu làm hạ thấp vai trò của các cơ chế đa phương. Một số nước lớn quay sang chủ nghĩa dân túy, chú trọng vào lợi ích của họ hơn là lợi ích của cộng đồng.
Bên cạnh đó, sau 10 năm, quan hệ giữa ba nước lớn rất khó khăn, căng thẳng. Giữa Nga với Mỹ gia tăng cấm vận, dẫn đến thái độ thù địch gia tăng, phá vỡ mong muốn hợp tác trước đây. Trung Quốc và Mỹ giờ lại vướng vào tranh chấp phức tạp không chỉ ở lĩnh vực kinh tế.
Cơ chế tưởng chừng ổn định và phát triển bị rạn nứt, gây ra tác hại cho hòa bình, an ninh thế giới và cho hợp tác. Ngay cả trong 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an nước nào cũng có vấn đề của riêng mình. Cơ sở để đoàn kết với nhau cũng cho ra những quyết định có lợi cho hòa bình an ninh thế giới là khó khăn hơn trước.
Khi các nước lớn tìm cách kiềm chế nhau, các nước thành viên không thường trực bây giờ là ở giữa, phải tham gia củng cố Hội đồng Bảo an. Đây là thách thức có thể nói là lớn nhất, không chỉ với riêng Việt Nam mà với các nước trong nhiệm kỳ tới đây bên cạnh những vấn đề phi truyền thống như biến đổi khí hậu...
Nhưng tôi nghĩ Việt Nam sẽ trúng cử và trúng cử với số phiếu cao vì chúng ta là ứng cử viên duy nhất của khu vực châu Á. Ngoài ra, các nước vẫn còn ấn tượng với nhiệm kỳ 2008 - 2009 mà Việt Nam đã đảm nhiệm rất tốt. Năm 2020 Việt Nam lại là Chủ tịch ASEAN, họ cũng trông đợi đóng góp của Việt Nam ở chỗ là mình sẽ hóa giải xung đột nội bộ ở khu vực này như thế nào, xử lý vấn đề ở Biển Đông ra sao thì những vấn đề của quốc tế cũng vậy.