Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết thỏa thuận mới được ký kết sẽ tạo điều kiện để Mỹ xây dựng các công trình tại 3 sân bay và 1 căn cứ hải quân Na Uy.
Thỏa thuận do chính phủ Thủ tướng Erna Solberg thực hiện này cần được quốc hội Na Uy thông qua trước khi có hiệu lực.
Chính phủ Na Uy thông báo: “Thỏa thuận này điều chỉnh và tạo điều cho sự hiện diện của quân đội Mỹ trong huấn luyện, tập trận tại Na Uy, từ đó hỗ trợ triển khai nhanh chóng lực lượng Mỹ tại Na Uy trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc chiến tranh”.
Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Soereide nhấn mạnh: “Hợp tác của chúng tôi với đồng minh dựa trên phát triển không ngừng. Thỏa thuận củng cố mối quan hệ thân thiết của Na Uy với Mỹ và chứng thực vị trí then chốt của Na Uy tại sườn Bắc của NATO”. Nhưng bà Ine Eriksen Soereide cũng khẳng định chính sách của Na Uy về việc đồn trú của binh sĩ nước ngoài và lưu trữ vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ vẫn không hề thay đổi.
Kể từ khi gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 1949, Na Uy đã tuyên bố không cho phép quốc gia khác thiết lập căn cứ quân sự hoặc lưu trữ vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này trong thời bình. Tuy nhiên, Na Uy vẫn chào đón binh sĩ từ các nước phương Tây đến tập trận.
Quan hệ giữa Nga và Na Uy đã nồng ấm hơn trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, kể từ năm 2014 khi người dân Crimea bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân với kết quả ủng hộ bán đảo này sáp nhập vào Nga, mối quan hệ Moskva- Oslo đã có khoảng lùi. Hai nước láng giềng đã tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới.
Nhưng Nga và Na Uy vẫn tìm biện pháp hợp tác trong nhiều vấn đề như di chuyển qua biên giới, đánh bắt cá…