Máy bắn đạn chứa các phân tử Iodide bạc để tạo mưa nhân tạo. Ảnh: AP
Hãng tin Sputnik (Nga) cho biết, giới chức Trung Quốc dự kiến sẽ khởi động dự án "hệ thống thay đổi thời tiết phát triển" nhằm kiểm soát thời tiết với mục đích tăng sản lượng canh tác nông nghiệp và ngăn ngừa thiên tai vào năm 2025.
Dự kiến hệ thống này sẽ được triển khai trên 56% lãnh thổ Trung Quốc - gấp 1,5 lần so với diện tích của Ấn Độ. Đây không phải là ý tưởng mới, tuy nhiên việc Trung Quốc dự định áp dụng công nghệ kiểm soát thời tiết đối với khu vực có diện tích rất lớn như vậy đã dấy lên nhiều quan ngại từ giới chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là một số quốc gia láng giềng như Ấn Độ.
Một nghiên cứu công bố hồi năm 2019 của các chuyên gia tại Đại học Quốc gia Đài Loan cảnh báo rằng kế hoạch điều khiển thời tiết của Bắc Kinh có thể ảnh hưởng tới thời tiết của những khu vực lân cận, cụ thể là nguy cơ "lấy hết mưa của các khu vực của Trung Quốc và các nước láng giềng".
Trong khi đó, nhiều chuyên gia lo ngại rằng việc sử dụng công nghệ tiên tiến để kiểm soát thời tiết có thể dẫn đến những hậu quả to lớn không thể lường trước.
Trước những lo ngại nói trên, hãng Sputnik đã thực hiện cuộc phỏng vấn với bà Chen Ying, nhà nghiên cứu từ Viện Văn minh Sinh thái thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, để tìm hiểu thêm về vấn đề này.
Bà Chen giải thích rằng công nghệ được sử dụng trong dự án nói trên được gọi là "gieo hạt trên mây" - phun các hạt Iodide bạc vào các đám mây thông qua một loại đạn đặc biệt có lõi phát nổ và phun hóa chất trong đám mây. Hạt iodide bạc sẽ khiến các giọt nước trong đám mây kết tinh và làm tăng lượng mưa.
CNN cho biết, nhiều chuyên gia Ấn Độ đã bày tỏ quan ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng công nghệ kiểm soát mưa, tuyết này làm vũ khí. Tuy nhiên, bà Chen đã bác bỏ những mối lo ngại đó, và giải thích rằng quy mô và đặc thù của công nghệ sẽ không cho phép Trung Quốc làm điều đó.
"Trái với những quan niệm sai lầm phổ biến, công nghệ này không nguy hiểm và không thể gây hại cho khí hậu toàn cầu", bà Chen nói. "Biến đổi thời tiết nhân tạo xảy ra rất nhanh chóng và cụ bộ, đó là một hoạt động có mục tiêu và không ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu".
"Việc [gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác] chỉ có thể xảy ra nếu hoạt động [gây mưa nhân tạo] được tiến hành dọc theo đường biên giới. Tuy nhiên những hoạt động này chỉ được thực hiện tại các địa phương nên không hề ảnh hưởng tới các nước láng giềng", bà Chen trả lời Sputnik.
Chương trình kiểm soát thời tiết đã được Trung Quốc khởi động từ thập niên 1960, nhưng lần đầu tiên công nghệ này được sử dụng ở Bắc Kinh là trước kỳ Thế vận hội năm 2008. Tháng 1/2019, truyền thông Trung Quốc đã đưa tin về công nghệ "gieo hạt trên mây" có hiệu quả chặn 70% thiệt hại do mưa đá ở khu vực phía Tây Tân Cương.
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: