Nhiều chị em nội trợ thường có thói quen ninh xương trữ để nấu cháo, nấu mì, hầm canh xương... cho cả gia đình ăn. Vậy nhưng nước hầm xương có tốt không?
Nước hầm xương có tốt không?
Các chị em nội trợ vẫn thường cho rằng, hầm xương cho ngọt nước và khi nước ngọt nghĩa là các chất bổ trong xương đã ra nước canh hoặc xương chứa nhiều canxi. Hầm lâu, canxi sẽ tan vào nước, dùng nước đó sẽ rất bổ cho xương.
Tuy nhiên, trên báo Sức khoẻ & Đời sống, ThS. BS. Đặng Ngọc Hùng - Viện Nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng chia sẻ, không biết quan điểm này có từ bao giờ nhưng thực tế lại không được như vậy. Hàm lượng dinh dưỡng trong nước hầm xương khá nghèo nàn.
Đầu tiên, vị ngọt của nước hầm xương không phải thể hiện sự bổ dưỡng mà đó là sự kết hợp của acid amin tên là glutamin trong thịt và xương.
Sau khi nấu một thời gian nó sẽ kết hợp với muối natri có sẵn trong thực phẩm tạo ra một chất có vị ngọt đặc biệt tên là monosodium glutamate (MSG).
Chất tạo ngọt này có cấu trúc như bột ngọt tạo vị ngon và đây là vị thứ 5 có tên là umami mà lưỡi chúng ta cảm nhận được.
Tiếp theo, trong nước hầm xương tìm thấy một số lượng ít các chất khoáng như canxi, magie... Tuy nhiên, so với thực phẩm khác như sữa, trứng, cá, các loại hạt thì nghèo nàn hơn nhiều.
Bên cạnh đó các chất như photpho, cholesterol trong nước xương hầm lại cao và điều này không tốt cho sức khỏe một số nhóm như trẻ nhỏ, người mỡ máu cao, người bệnh vẩy nến, bệnh nhân suy giảm chức năng thận.
Với việc nhiều mẹ bỉm thường quan niệm cho bé ăn nước xương hầm, BS Hùng khẳng định, trong nước xương hầm chứa rất ít đạm và canxi. Lượng canxi trong nước xương lại ở dạng vô cơ khiến cơ thể bé không hấp thụ được. Nếu các mẹ thường xuyên cho con ăn nước xương hầm, bé sẽ bị thiếu canxi dẫn đến còi cọc, chậm mọc răng.
ThS.BS Đặng Ngọc Hùng kết luận, nước hầm xương không phải là loại nước bổ như chúng ta nghĩ. Việc ăn nước hầm xương giúp tạo vị ngon, chất lượng món ăn và hãy sử dụng như thực phẩm thông thường.
Các gia đình đừng xem nó là loại quý hiếm mà thay thức ăn cho người bệnh hoặc trẻ em, điều này sẽ làm cho họ thiếu dinh dưỡng mà chính chúng ta không biết.
Món canh ngon có thể thay thế nước xương hầm
Báo Dân trí dẫn nguồn trang Health cho biết, top 5 thực phẩm có canxi cao là: Sữa - 104/100ml, pho mát - 799/100g, rong biển - 348/100g, vỏ tôm - 911/100g, vừng đen - 780/100g
Bạn có thể tham khảo các món canh rau, củ nấu với thịt. Chuyên gia khuyến nghị, mùa hè các món canh nấu nhanh lại giúp cơ thể cân bằng các chất dinh dưỡng vì có cả thịt lẫn rau, đồng thời lại còn bổ sung lượng nước cần thiết, vi dụ như canh trứng cà chua, cành trứng hẹ, canh thịt với củ sen, khoai tây, khoai sọ hoặc mướp đắng vv.
Chú ý: Bổ sung canxi không chỉ cần dung nạp những thực phẩm nhiều canxi mà còn phải vận động nhiều, sưởi nắng nhiều để bổ sung lượng vitamin D thích hợp giúp thúc đẩy canxi hấp thụ tốt hơn.
Với những thông tin trên chắc hẳn bạn đã có giải đáp cho câu hỏi "Nước hầm xương có tốt không?" rồi phải không.