BrahMos là Dự án hợp tác kỹ thuật quân sự thành công nhất giữa Ấn Độ và Nga, chuyên gia quân sự người Nga Vasily Kashin nói với Sputnik. Liên doanh này hiện đang thực hiện các chương trình marketing chào hàng cho loại tên lửa chống hạm đầy uy lực này ở Đông Nam Á và Trung Đông, tổng cộng là 14 quốc gia.
Ấn Độ, với sự giúp đỡ của Nga, đã tung ra một phả hệ tên lửa hành trình siêu âm với chức năng tấn công mặt đất và các mục tiêu trên biển, với tốc độ gấp 2,8 lần âm thanh (Mach 2.8). Các phiên bản cơ bản cho hải quân dựa trên thiết kế của tên lửa chống hạm siêu âm Onyx của Nga.
Các biến thể của nó được ra đời nhằm trang bị cho các lực lượng lục quân và không quân với tầm bắn được nâng lên. Hiện tại, Ấn Độ, với sự giúp đỡ của Nga, đã xây dựng dây chuyền sản xuất các loại tên lửa này.
Và từ lâu, New Delhi đã muốn xuất khẩu tên lửa BrahMos, được xem là bước đi quan trọng từ chỗ là một nước nhập khẩu vũ khí lớn trở thành một trung tâm công nghiệp quân sự quan trọng.
Đông Nam Á và Trung Đông là những khu vực có vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại, chính sách kinh tế đối ngoại của Ấn Độ, nơi New Delhi có ảnh hưởng lớn.
Và đó cũng là lý do nước này chọn Đông Nam Á và Trung Đông là hai khu vực chào hàng tên lửa BrahMos.
Đã có các tin tức nói về khả năng cung cấp tên lửa BrahMos cho Việt Nam, nhưng theo Sputnik, Hà Nội đã chọn mua hệ thống tên lửa bờ Bastion của Nga sử dụng một phiên bản của dòng tên lửa Onyx.
Theo các thông tin mới nhất, Philippines có thể trở thành nước đầu tiên mua tên lửa BrahMos.
Tháng 12/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói nước này đang quan tâm tới việc mua hai khẩu đội tên lửa BrahMos và gợi ý rằng một hợp đồng có thể được ký vào nửa đầu năm 2020.
Theo Sputnik, việc Philippines mua tên lửa chống hạm uy lực là một bước đi hợp lý. Bởi đây là một đảo quốc với hơn 100 triệu dân, đồng nghĩa họ phải kiểm soát được vùng biển cận kề.
Việc bình thường hóa quan hệ Philippines-Trung Quốc trong thời tổng thống Rodrigo Duterte không làm biến mất nhu cầu đó.
Hai khẩu đội tên lửa chống hạm không làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực, nhưng ít nhiều nâng cao năng lực phòng thủ của Manila mà không cần phải viện đến đồng minh Mỹ vốn “để dành” cho những việc lớn hơn.
Nhưng điều này cũng cho thấy Philippines đang muốn dần thoát khỏi việc quá phụ thuộc vào Mỹ.