Nước đi “hiểm” của Nga ở Syria sẽ đập tan “đòn” rắn và vô hiệu hóa toan tính của Mỹ?

Mạnh Kiên |

Việc tăng cường vai trò của đại diện Nga tại Syria sẽ giúp Nga mở rộng ảnh hưởng đối với các quyết định kinh tế của Syria đồng thời giúp làm giảm vai trò cũng như ảnh hưởng của Iran trong các thể chế Syria. Động thái này cũng là cách đối phó tốt với các kế hoạch của Mỹ nhằm vào Syria.

Theo Ahram Online, Nga đã nâng tầm quan hệ ngoại giao với Syria trong một động thái mang nhiều hàm ý lớn trong giai đoạn tái thiết quốc gia Trung Đông này.

Trong bối cảnh cuộc xung đột Syria vẫn còn nhiều bế tắc cả về chính trị và quân sự , Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ định Đại sứ Nga tại Damascus Alexander Yefimov làm đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga phụ trách phát triển các mối quan hệ với chính phủ Syria. Theo giới chuyên gia, lần bổ nhiệm đặc biệt này của Tổng thống Putin có nhiều ẩn ý.

Quyết định được đưa ra vào thời điểm nền kinh tế Syria đang xấu đi, đồng tiền nước này đang mất giá và có rất ít hy vọng Syria có thể bắt đầu tái thiết hoặc phục hồi.

Động thái này cũng diễn ra vào thời điểm cuộc chiến ngầm trong gia tộc của Tổng thống Bashar Al-Assad phần nào được công khai trước truyền thông.

Cuộc chiến ngầm giữa một bên là Tổng thống Assad và phu nhân Asmaa Al-Assad với một bên là tỷ phú Rami Makhlouf, một doanh nhân nắm giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Syria nhiều thập kỷ.

Việc bổ nhiệm của Nga cũng trùng với việc Mỹ thi hành Đạo luật bảo vệ công dân Syria Caesar nhằm mở đường áp đặt lệnh trừng phạt đối với chính quyền của Tổng thống Assad và các cá nhân cũng như quốc gia ủng hộ Damascus. Đạo luật của Mỹ còn được cho sẽ tạo ra sức ép đối với những nước ủng hộ chính phủ Syria mà đặc biệt là Nga và Iran.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, theo Đạo luật Caesar, Tổng thống sẽ được yêu cầu áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào liên quan đến chính phủ Syria hoặc tài trợ cho các cơ quan của nước này, bao gồm cả các cơ quan tình báo và an ninh Syria và Ngân hàng Trung ương Syria.

Đạo luật này cũng cho phép Mỹ xử phạt bất kỳ công ty quốc tế nào đóng góp cho các ngành năng lượng, xây dựng hoặc kỹ thuật của Syria, hoặc bất kỳ thực thể hoặc cá nhân nào cung cấp viện trợ tài chính cho chính quyền Syria.

Các lệnh trừng phạt do đó có thể áp dụng với cả các thực thể Nga và Iran khi hỗ trợ tài chính, vật chất và công nghệ cho chính quyền ông Assad. Nhiều tổ chức của Nga có khả năng phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ, bao gồm quân đội Nga, các nhà sản xuất vũ khí Nga và các doanh nhân Nga cũng như các nhà thầu quân sự và các nhà sản xuất năng lượng.

Đạo luật Caesar có thể là nguyên nhân khiến Tổng thống Putin muốn tạo thêm sức ép cho chính quyền Syria để thúc giục Ủy ban Hiến pháp xây dựng dự thảo về hiến pháp mới của Syria cũng như tiến tới cải tổ chính trị.

Đạo luật này đang đẩy chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Assad vào các thách thức mới với liên tiếp các lệnh trừng phạt và bị cô lập khỏi quốc tế. Đây cũng là thông điệp rõ ràng của Mỹ về việc Washington sẽ không hỗ trợ Damascus tái thiết đất nước sau chiến tranh chừng nào ông Assad vẫn tại nhiệm.

Giới bình luận cho rằng, vì những lý do trên nên Nga cần tăng mức độ hiện diện ở Syria. Và việc ông Yefimov trở thành đặc phái viên của Tổng thống Putin sẽ giúp ông Yefimov trực tiếp trao đổi và làm việc với nhà lãnh đạo Nga để đưa ra những quyết định chính trị nhanh chóng.

Theo các nhà bình luận, mục tiêu của Nga khi bổ nhiệm ông Yefimov là đặc phái viên của Tổng thống Nga tại Syria là nhằm giúp nắm giữ quyền lực trong Syria ở cấp Tổng thống đồng thời làm suy yếu vai trò và ảnh hưởng của Iran tại quốc gia này.

Động thái của Nga cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang diễn ra giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria – nơi diễn ra thường xuyên đụng độ giữa Ankara và Moscow.

Việc tăng cường vai trò của đại diện Nga tại Syria sẽ giúp Nga mở rộng ảnh hưởng đối với các quyết định kinh tế của Syria và giúp làm giảm vai trò cũng như ảnh hưởng của Iran trong các thể chế Syria.

Một hợp đồng đầu tư quan trọng giữa Nga và chính quyền Syria đã được ký vào tháng 4 năm 2019 mà theo đó sẽ đảm bảo mức đầu tư của Nga vào Cảng Tartous trong 49 năm.

Ngoài ra, còn nhiều hợp đồng khác của các công ty Nga trong các lĩnh vực như dầu khí, sân bay, căn cứ quân sự, nông nghiệp được ký với Syria.

Syria là một trụ cột chiến lược cho Moscow ở Trung Đông, và sự có mặt của Nga nơi đây sẽ làm giảm vai trò của các quốc gia khác, đặc biệt là Iran.

Đồng thời, động thái của Nga có thể làm gia tăng căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ. Các hoạt động quân sự ở Idlib, Tây bắc Syria do đó có thể sẽ diễn ra sớm và điều này sẽ mở ra các giải pháp chính trị trong đó Nga có thể sẽ nắm giữ vai trò chủ chốt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại