"Nước cờ kép" của Ấn Độ buộc Trung Quốc phải chùn bước trên 2 trận địa nóng

Lâm Vy |

Nước cờ của Ấn Độ đã giúp họ mở rộng không gian hành động và bảo vệ lợi ích của mình trước các động thái gây gia tăng căng thẳng của Trung Quốc.

Mượn sự hỗ trợ của Nga để giải quyết căng thẳng với Trung Quốc

Ngày 10/9, Nga đã tạo điều kiện để Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar cùng người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị có buổi hội đàm tại Moscow nhằm tháo gỡ căng thẳng tại Ladakh.

Sau cuộc hội đàm, hai phía đã đưa ra tuyên bố chung với sự đồng thuận gồm 5 điểm sau:

Thứ nhất, hai nước tái khẳng định "một loạt sự đồng thuận" mà Thủ tướng Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng đạt được tại các cuộc gặp ở Astana (tháng 6/2017), Vũ Hán (tháng 4/2018) và Chennai (tháng 10/2018), trong đó cam kết mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Thứ hai, dự tính các binh sĩ ở biên giới rút lui nhanh chóng để quân đội hai nước duy trì một khoảng cách thích hợp và giảm bớt căng thẳng.

Nước cờ kép của Ấn Độ buộc Trung Quốc phải chùn bước trên 2 trận địa nóng - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. (Nguồn: PTI)

Thứ ba, các hiệp định và nghị định thư hiện có trong các vấn đề biên giới song phương sẽ được tuân thủ, quân đội hai nước sẽ duy trì hòa bình và sự yên tĩnh ở các khu vực biên giới, đồng thời tránh bất kỳ hành động nào có thể làm leo thang các vấn đề.

Thứ tư, các đại diện đặc biệt của hai nước sẽ tiếp tục "đối thoại và trao đổi" về vấn đề biên giới và cơ chế làm việc để tham vấn và phối hợp các vấn đề biên giới Trung-Ấn.

Thứ năm, một khi căng thẳng dịu đi, các biện pháp xây dựng lòng tin mới sẽ được ký kết để duy trì và tăng cường hòa bình cũng như sự yên tĩnh ở các khu vực biên giới.

Theo The Print, mặc dù cụm từ "[khôi phục] hiện trạng cũ" không xuất hiện trong tuyên bố chung giữa hai phía nhưng New Delhi tin rằng sẽ tốt hơn nếu thuyết phục được người Trung Quốc quay về vị trí của họ ở phía bên kia Đường kiểm soát thực tế (LAC), thay vì đôi co quanh cụm từ này.

Trước đó, theo nhà báo Jyoti Malhotra trên tờ The Print, Nga đã hỗ trợ Ấn Độ tìm cách đối thoại với Trung Quốc để tìm ra giải pháp mà đôi bên đều chấp nhận được đối với cuộc khủng hoảng Ladakh.

Đối với Ấn Độ, Nga là cường quốc duy nhất hiện nay có đủ vị thế đề nghị và thúc giục Bắc Kinh đàm phán với New Delhi để giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Hợp tác với Mỹ-Maldives để mở rộng tầm ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương

Cũng trong ngày 10/9, tại Mỹ, Bộ trưởng quốc phòng Maldives Mariya Didi và Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Nam Á Reed Werner đã ký thỏa thuận khung về mối quan hệ an ninh-quốc phòng giữa hai phía nhằm "làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác trong việc hỗ trợ duy trì hòa bình và an ninh ở Ấn Độ Dương, đồng thời thúc đẩy một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, mở cửa".

Thỏa thuận này được đánh giá là sẽ cho phép mở rộng tiềm năng của các lực lượng hải quân trong "Bộ tứ kim cương" (QUAD), gồm Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ - đến một góc khác của Ấn Độ Dương.

Trong một diễn biến liên quan khác, vào ngày 20/9 tới, đại diện phát ngôn của Maldives Mohamed Nasheed sẽ tới thăm New Delhi. Theo The Print, động thái này cho thấy rõ ràng rằng Ấn Độ cũng giữ một vai trò nhất định trong mục tiêu mà Maldives hướng tới.

"Giờ đây, ngay cả những học sinh trung học đang phải học trực tuyến do đại dịch COVID-19 cũng biết rõ rằng chỉ có một quốc gia duy nhất đang thể hiện sự hống hách của mình, khiến liên minh mới này [gồm Ấn Độ, Mỹ và Maldives] được tạo dựng để đối phó, đó chính là Trung Quốc" – The Print viết.

Theo tờ báo, chuyến thăm của ông Nasheed tới Delhi trong tuần này sẽ là bằng chứng xác nhận cho những thay đổi trong chính sách đối ngoại đang diễn ra tại Ấn Độ.

Thủ tướng Modi đã hết lời ca ngợi bộ máy lãnh đạo của Maldives, đồng thời công bố gói hỗ trợ 500 triệu USD vào tháng 8 vừa qua, với lý do tình bạn đặc biệt giữa hai phía "sẽ luôn sâu đậm như vùng biển Ấn Độ Dương".

Gói hỗ trợ này sẽ được dùng để xây dựng dự án cơ sở hạ tầng dân sự lớn nhất của Maldives, kết nối thủ đô Male với các đảo lân cận Villingili, Gulhifahu và Thilafushi bằng một cây cầu và đường đắp cao dài 6,7 km. Dự án của Ấn Độ được kỳ vọng sẽ lấn át cây cầu Sinamale do Trung Quốc xây dựng tại đảo quốc này.

Nước cờ kép của Ấn Độ buộc Trung Quốc phải chùn bước trên 2 trận địa nóng - Ảnh 2.

Ảnh chụp cây cầu do Trung Quốc đầu tư xây dựng ở Maldives vào năm 2018. Ảnh: Xinhua

Theo tờ SCMP, mục tiêu của Ấn Độ khi tuyên bố gói hỗ trợ 500 triệu USD là nhằm thuyết phục Maldives từ bỏ Trung Quốc.

Trước đó, dưới thời cựu Tổng thống Abdulla Yameen, Maldives đã vay hàng tỉ USD từ Bắc Kinh và thuê các công ty Trung Quốc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng tại đất nước này. Điều đó làm dấy lên lo ngại ở Ấn Độ và các nước phương Tây khi cho rằng Trung Quốc đang mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình với các quốc gia châu Á.

Ở thời điểm hiện tại, với sự quản lý của chính phủ mới tại Maldives, Ấn Độ đã và đang tìm cách giành lại ảnh hưởng với đảo quốc này.

Nhìn chung, theo đánh giá của The Print, việc Ấn Độ tham gia liên minh không chính thức với Mỹ tại Maldives, và không ngần ngại nhờ Nga giúp để đi đến đàm phán với Trung Quốc chính là một cách để mở rộng không gian hành động và bảo vệ lợi ích của New Delhi.

Có thể thấy, từ cao nguyên Ladakh hoang vắng ở phía bắc dãy Himalaya – nơi binh lính Ấn Độ và Trung Quốc ở trong thế đối đầu suốt 4 tháng qua, cho tới vùng biển ấm áp của Ấn Độ Dương bao trùm 1.192 hòn đảo san hô xinh đẹp của quần đảo Maldives, chủ nghĩa hiện thực mới của Ấn Độ đang phát triển mạnh mẽ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại