Nước cờ "bí hiểm" của Nga khi không vội bán S-400 cho Iran

Vũ Thu Hương |

Mối quan hệ của Nga với các quốc gia vùng Vịnh có thể khiến Nga:“Không cung cấp cho Iran hệ thống tên lửa tiên tiến như S-400”, chuyên gia Kirill Semenov nói.

Xa vời viễn cảnh rầm rộ mua bán vũ khí

Sự hết hiệu lực của lệnh cấm vận vũ khí mà Liên hợp quốc áp đặt với Iran không đồng nghĩa với việc Moscow sẽ vội vàng bán vũ khí cho Tehran như nhiều người suy đoán. Dù Nga có thể giành được lợi ích thương mại trong việc xuất khẩu vũ khí cho Iran, nhưng nhiều trở ngại về tài chính, kỹ thuật và chính trị khiến việc mua vũ khí và thiết bị quân sự của Iran trở nên phức tạp.

Việc Washington xây dựng các biện pháp trừng phạt đơn phương nhắm vào những nhà “cung cấp, bán hoặc chuyển giao vũ khí thông thường đến hoặc từ Iran” đã không ảnh hưởng tới những tuyên bố cởi mở của Nga về cam kết hợp tác với Iran.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bác bỏ lời đe dọa trừng phạt của Mỹ và bày tỏ ý định của Moscow trong việc tham gia bán vũ khí và tiếp tục hợp tác quân sự chặt chẽ với Tehran sau khi lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc hết hiệu lực vào ngày 18/10.

Lệnh trừng phạt của Mỹ “đơn giản không phải là mối đe dọa” đối với các doanh nghiệp xuất khẩu vũ khí như Rosoboronexport của Nga.

Hơn nữa, việc Nga phản đối nỗ lực gia hạn lệnh cấm vận của chính quyền ông Trump cũng giúp Moscow thể hiện mình là một nhà bảo vệ luật pháp quốc tế trong bối cảnh chủ nghĩa đơn phương của Mỹ ngày càng gia tăng.

Sự hết hiệu lực của lệnh cấm vận vũ khí mà Liên hợp quốc áp đặt với Iran không đồng nghĩa với việc Moscow sẽ vội vàng bán vũ khí cho Tehran như nhiều người suy đoán.

Một báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) năm 2019 dự đoán, khi lệnh cấm vũ khí hết hiệu lực, khả năng Iran sẽ mua máy bay chiến đấu Su-30, máy bay huấn luyện Yak-130, xe tăng T-90, hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-400 và hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển di động Bastion của Nga.

Trước đó, một nguồn tin cho rằng, Iran đã chuyển cho Nga một danh sách vũ khí nước này muốn mua trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Iran lúc bấy giờ là Hossein Dehgan khi tới Moscow vào năm 2016.

Kể từ đó, sự xuất hiện thường xuyên của các quan chức quốc phòng Iran tại các cuộc triển lãm vũ khí Nga đã làm dấy lên suy đoán rằng Iran sẽ mua các vũ khí tiên tiến như S-400 của Nga.

Tuy nhiên, một số chuyên gia về quân sự quốc phòng cho rằng, lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc đối với Iran hết hiệu lực sẽ khó dẫn đến viễn cảnh mua bán vũ khí rầm rộ giữa Moscow và Tehran. Vì sao vậy?

Những lý do cấm cản

Trước hết, đó là thực tế trước đây Nga đã từng miễn cưỡng cung cấp các hệ thống công nghệ cao và vũ khí tấn công cho Iran. Tháng 8/2017, Nga được cho là đã từ chối yêu cầu cung cấp 24 máy bay chiến đấu Su-35 và Su-30SM cho Iran. Thay vào đó, Moscow đã đề nghị chuyển giao các máy bay Su-27SM3 nhằm tránh để “rò rỉ” các công nghệ nhạy cảm.

Nga cũng đã từ chối đề nghị chuyển giao hệ thống phòng thủ tiên tiến S-400 cho Tehran trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tới Moscow vào tháng 5/2019 trước những lo ngại về việc sẽ làm gia tăng căng thẳng ở khu vực giữa Iran và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC).

Dù Nga bác bỏ thông tin từ chối bán S-400 cho Iran và thậm chí Đại sứ Nga tại Iran, Levan Dzhagaryan, còn khẳng định rằng Moscow “không có trở ngại nào” khi bán S-400 cho Iran, tuy nhiên Nga và Iran vẫn chưa bắt đầu đàm phán về việc bán vũ khí tiềm năng.

Nước cờ bí hiểm của Nga khi không vội bán S-400 cho Iran - Ảnh 2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. (Nguồn: IRNA).

Tình trạng khó khăn về kinh tế của Iran và những toan tính về chính trị và uy tín trong khu vực của Nga buộc nước này phải rất thận trọng khi xem xét tới bất kỳ triển vọng mua bán vũ khí nào với Tehran.

Thứ hai, cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước của Iran chắc chắn gây trở ngại lớn cho việc mua vũ khí quy mô lớn từ Nga , đặc biệt là khi Moscow đã từ chối đề nghị cung cấp tín dụng cho các hợp đồng mua bán vũ khí của Tehran.

Trở ngại về kinh tế khiến Iran gặp khó trong việc mua sắm vũ khí quy mô lớn, tốn kém. Một quốc gia đang đối mặt với tình trạng kinh tế suy thoái khó có thể mua được những vũ khí đắt tiền như S-400 hay một phi đội máy bay chiến đấu. Hiện, Iran là một trong những nước có ngân sách quốc phòng thấp nhất ở Trung Đông và điều này đặt ra những hạn chế đáng kể đối với nguồn vốn được phân bổ cho việc mua sắm vũ khí. Trong khi Trung Quốc có thể dễ dàng hơn trong việc chuyển giao vũ khí theo hình thức tín dụng, thì Nga lại không sẵn lòng cũng như không thể cung cấp vũ khí cho Tehran bởi bản thân họ cũng đang gặp phải những vấn đề về kinh tế.

Thứ ba, việc bán vũ khí cho Iran sẽ có tác động rõ ràng đối với chính sách đối ngoại của Nga ở Trung Đông. Nga một mặt muốn duy trì quan hệ chặt chẽ với Iran nhưng mặt khác cũng đang không ngừng nỗ lực mở rộng quan hệ với các đối thủ của Iran như Israel, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia.

Mối quan hệ của Nga với các quốc gia này cho thấy, Moscow sẽ vẫn phải thận trọng trong việc cung cấp các loại vũ khí tấn công cho Iran vì nó có thể phá vỡ thế cân bằng sức mạnh trong khu vực và gây bất lợi cho các nước láng giềng của Tehran.

Việc Moscow từ chối cung cấp vũ khí tấn công hoặc trang thiết bị công nghệ cao cho Tehran luôn gắn liền với sự e dè của Nga trong vấn đề sẽ làm thay đổi sâu sắc cán cân quân sự ở khu vực và làm trầm trọng thêm những căng thẳng vốn dĩ đã âm ỉ ở vùng Vịnh.

Trong những năm gần đây, Nga đã tìm cách thúc đẩy các hợp đồng mua bán vũ khí với thế giới Ả Rập. Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin đã rất khéo léo để không làm ảnh hưởng đến sự cân bằng lợi ích giữa các bên cạnh tranh trong khu vực.

Ông Anton Marasdov, chuyên gia quân sự Nga cho rằng: “Có sự giằng co rõ ràng giữa việc Moscow mong muốn cung cấp các thiết bị phòng thủ cho Iran với việc Tehran muốn sở hữu những vũ khí tấn công, bởi điều này sẽ gây ra sự phản đối gay gắt từ phía UAE, Saudi Arabia và Israel”.

Trong khi đó, Samuel Ramani, nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Nga tại Đại học Oxford nhận định, hợp tác an ninh giữa Nga với UAE, trong đó có các dự án phát triển máy bay chiến đấu chung trong tương lai, tiếp tục là rào cản cho mối quan hệ giữa Moscow với Iran.

Cùng quan điểm, chuyên gia Kirill Semenov thuộc Hội đồng các Vấn đề Quốc tế của Nga nói rằng Moscow sẽ phải kiềm chế xuất khẩu vũ khí cho Iran.

Ông Semenov tin rằng, mối quan hệ của Moscow với các quốc gia vùng Vịnh và Israel có nghĩa là “Nga sẽ không cung cấp cho Iran các vũ khí tấn công như máy bay Su-30 và hệ thống tên lửa tiên tiến như S-400”. Theo đó, hoạt động mua bán có thể chỉ giới hạn ở các loại vũ khí phòng thủ như S-300 hoặc các hệ thống phòng không TOR-M1 mà Iran đã mua từ Nga trước đây.

Chuyên gia Semenov dự đoán, Moscow có thể sẽ sẵn sàng cung cấp cho Iran các lô hàng mới gồm hệ thống phòng không S-300 hoặc TOR-M cũng như xe tăng T-90, xe chiến đấu bộ binh BMP-3 hay các hệ thống pháo và súng cối.

Xét tới tất cả những ràng buộc nêu trên, hợp tác quân sự giữa Nga và Iran trong tương lai gần có thể sẽ chỉ giới hạn ở mức độ hạn chế. Để bù đắp, nhiều khả năng Nga sẽ tập trung tăng cường hoạt động trao đổi kỹ thuật quân sự chính quy và mở rộng các cuộc tập trận với Iran.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại