Nước châu Âu bùng nổ căng thẳng với Moscow: Cấm cửa loạt hãng tin Nga, Điện Kremlin tức tốc trả đòn

Duy Anh |

Moscow đã áp đặt lệnh cấm nhập cảnh vào Nga đối với một số quan chức Moldova nhằm đáp lại quyết định của Chisinau khi chặn các cơ quan truyền thông của Nga ở nước này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Moldova Maia Sandu

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Moldova Maia Sandu

Đại sứ Moldova ở Nga bị triệu tập

Bộ Ngoại giao Nga hôm 20/11 tuyên bố từ chối nhập cảnh đối với một số quan chức của Cộng hòa Moldova. Đại sứ Moldova tại Nga, ông Lilian Darii đã được triệu tập tới Bộ Ngoại giao Nga, tại đây Moscow phản đối mạnh mẽ hành động của Moldova đối với các phương tiện truyền thông của Nga.

Vào hôm 30/10, Cơ quan An ninh và Tình báo Moldova đã ban hành lệnh chặn quyền truy cập vào các cơ quan truyền thông hàng đầu của Nga. Danh sách các cơ quan truyền thông này bao gồm TASS, Interfax, Izvestia, Komsomolskaya Pravda và Sputnik Radio, cũng như một số trang web của Moldova.

Hồi đầu tháng 10, Moldova công bố một quyết định tương tự nhằm chặn quyền truy cập vào các trang web của các hãng tin và kênh truyền hình Nga bao gồm RT và Smotrim. Moscow mô tả hành động này là "vi phạm nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận." 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Moldova Igor Zakharov nói với hãng thông tấn Tass rằng 11 nhà lập pháp đã bị trừng phạt.

Nước châu Âu bùng nổ căng thẳng với Moscow: Cấm cửa loạt hãng tin Nga, Điện Kremlin tức tốc trả đòn - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

Tổng thống Moldova cảm ơn Ukraine

Ngay sau đó, vào hôm 21/11, Tổng thống Moldova Maia Sandu cho biết trong cuộc họp báo ở Kiev rằng Ukraine đã ngăn cản được việc Moscow tiến vào Moldova.

Phát biểu trước Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, bà Sandu cảm ơn Lực lượng Vũ trang Ukraine vì những hy sinh mà họ trải qua trên chiến trường.

Bà Sandu nói: "Chúng tôi hiểu rằng nếu không có sự đấu tranh, không có cuộc chiến này, đất nước chúng tôi sẽ là mục tiêu của Moscow. Bằng cách bảo vệ Ukraine, các bạn cũng đang bảo vệ Moldova."

Tổng thống Moldova nhấn mạnh rằng nước này sẽ đứng cùng chiến tuyến và tiếp tục hỗ trợ Ukraine. "Người Ukraine sẽ luôn được chào đón ở đất nước chúng tôi khi cần thiết," bà Sandu kết luận.

Nước châu Âu bùng nổ căng thẳng với Moscow: Cấm cửa loạt hãng tin Nga, Điện Kremlin tức tốc trả đòn - Ảnh 2.

Tổng thống Moldova Maia Sandu và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy

Quan hệ Moldova - Nga xuống cấp nghiêm trọng

Vào hồi giữa tháng 10, chính quyền của bà Sandu lần đầu công khai tuyên bố Nga là mối đe dọa an ninh hàng đầu của nước này. Tổng thống Sandu nói với Financial Times (FT): "Lần đầu tiên chúng tôi khẳng định rõ ràng và cởi mở rằng Nga là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia của chúng tôi. Chúng tôi cũng nhấn mạnh mối quan hệ đối tác chiến lược đối với các nước Liên minh châu Âu (EU), với Mỹ, Anh và các nước thành viên NATO khác."

"Tất nhiên, chiến lược của chúng tôi thể hiện rất rõ ràng rằng việc hội nhập EU là vì lợi ích an ninh và chúng tôi muốn trở thành một phần của EU," bà Sandu cho biết thêm.

Mối quan hệ giữa Nga và Moldova - nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ - đã xấu đi kể từ năm 2003 và xuống cấp nghiêm trọng khi bà Maia Sandu được bầu làm tổng thống vào năm 2020. Việc Tổng thống Moldova Maia Sandu lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã làm gia tăng căng thẳng giữa 2 nước. 

Vào tháng 2, ông Zelenskyy thông báo rằng Moscow đang xem xét việc dàn dựng một cuộc đảo chính ở Moldova, chiếm sân bay ở Chisinau và chuyển lực lượng của họ qua đó. Thủ tướng Moldova Dorin Recean xác nhận thông tin này. Bà Sandu cũng công khai cáo buộc Moscow đang cố gắng dàn xếp việc lật đổ bà và gây ra bất ổn ở Moldova.

Bộ Ngoại giao Nga bác bỏ tuyên bố trên, cáo buộc ngược lại Moldova đang theo đuổi các chương trình nghị sự chống lại Nga.

Bất đồng về khí đốt và khoản nợ lịch sử

Một trong những bất đồng lớn của Nga và Moldova là vấn đề liên quan đến khoản nợ của Moldova với Gazprom và vấn đề khí đốt giữa hai nước.

Cuối năm 2021, Tập đoàn dầu khí Gazprom (Nga) nói nước này đang nợ họ 709 triệu USD (trong đó 433 triệu USD là khoản nợ ban đầu, số còn lại là khoản nợ sau khi chậm thanh toán).

Bộ trưởng Năng Lượng Moldova Victor Parlicov cho biết nước này đã thực hiện một cuộc kiểm toán quốc tế, trong đó chỉ ra rằng khoản nợ của nước này đối với Gazprom là 8,6 triệu USD và Chisinau "không có ý định trả các khoản nợ không tồn tại".

Vào cuối tháng 9/2023, Bộ trưởng Parlicov cho biết Moldova đã ngừng mua khí đốt từ Gazprom vào tháng 12/2022 do đã có thể mua khí đốt từ các nhà cung cấp châu Âu với mức giá tốt hơn. Tuy nhiên ngay sau đó, ông Parlicov lại thừa nhận, việc mua khí đốt của Nga là có khả năng nếu đáp ứng được những điều kiện nghiêm ngặt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại