Nước NATO bất ngờ chặn đứng đồng minh tiếp ứng Ukraine: Nội tình quan trọng từ tin nhắn của ông Putin?

Nhật Minh |

Động thái bất ngờ của nước này diễn ra không lâu sau khi nhận được tin nhắn năm mới của ông Putin.

Động thái bất ngờ của Thổ Nhĩ Kỳ

Tờ Independent (Anh) ngày 3/1 đưa tin, Nga vừa phát động một đợt tấn công đường không quy mô lớn với 3 mũi nhọn trên khắp Ukraine, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.

Trong đó, cuộc tấn công nhằm vào hai thành phố lớn nhất Ukraine là một trong những chiến dịch khốc liệt nhất kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022, với sự tham gia của tên lửa siêu thanh Kinzhal có tốc độ bay gấp 10 lần vận tốc âm thanh.

Đây là cuộc tấn công lớn thứ hai nhằm vào các thành phố của Ukraine chỉ trong 5 ngày qua. Các đồng minh phương Tây của Kiev đã lần lượt lên tiếng chỉ trích vụ tấn công. Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda kêu gọi các đối tác phương Tây "ngay lập tức" chuyển thêm hệ thống phòng không cho Ukraine.

"Người Ukraine từng làm nên điều kỳ diệu với hệ thống phòng không mà phương Tây cung cấp, nhưng giờ đây họ cần nhiều hơn thế. Các hệ thống phòng không hãy tới Ukraine NGAY BÂY GIỜ" – Ông Nauseda kêu gọi qua bài đăng trên mạng xã hội X.

Nước NATO bất ngờ chặn đứng đồng minh tiếp ứng Ukraine: Nội tình quan trọng từ tin nhắn của ông Putin?- Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ không cho phép tàu dò mìn của Anh đi qua eo biển Bosphorus và Dardanelles. Ảnh: GCaptain

Thế nhưng trong bối cảnh đó, theo Independent, một quốc gia thành viên khác của NATO lại có hành động gây tranh cãi: Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 2/1 thông báo sẽ không cho phép 2 tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh tới Ukraine đi qua vùng biển của nước này.

Vào tháng trước, London đã thông báo về kế hoạch chuyển giao các tàu dò mìn cho Hải quân Ukraine để giúp Kiev tăng cường các hoạt động trên biển trong cuộc chiến với Nga.

"Tuy nhiên, thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ lại thông báo với các đồng minh rằng nước này sẽ không cho phép các tàu chiến Anh đi qua eo biển Bosphorus và Dardanelles chừng nào cuộc chiến ở Ukraine vẫn còn tiếp diễn" – Independent viết.

Đáng lưu ý, động thái của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra không bao lâu sau khi truyền thông đưa tin về tin nhắn năm mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi tới Ankara, trong đó đề cập tới việc mở rộng quan hệ giữa hai nước trong năm 2024.

Theo Politico, trong thông điệp năm mới, ông Putin chúc mừng người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và tuyên bố rằng hai phía "đã khá hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển hợp tác nhiều mặt".

Về mặt ngoại giao, ông Putin cho biết, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã hợp tác trong các nỗ lực giải quyết xung đột tại các khu vực có chung mối quan tâm nhiều thập kỷ qua, như ở Syria, Nagorno-Karabakh, Ukraine và gần đây nhất là Dải Gaza.

"Trong năm 2024, Moscow và Ankara sẽ tiếp tục mở rộng đối thoại chính trị, cũng như hợp tác hiệu quả trong nhiều lĩnh vực. Điều này dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho các quốc gia thân thiện với hai phía và góp phần tăng cường an ninh, ổn định trên lục địa Á-Âu" – Ông Putin nhấn mạnh.

Lý do Thổ Nhĩ Kỳ chặn tàu chiến Anh

Về phần mình, Bộ phận truyền thông của Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, quyết định cho phép tàu chiến Anh đi qua sẽ vi phạm một hiệp ước quốc tế liên quan tới việc di chuyển qua eo biển trong thời chiến.

Thông báo của phía Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra như sau:

"Tuyên bố trên một số phương tiện truyền thông - rằng các tàu dò mìn do Anh tài trợ cho Ukraine được phép đi qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ để tới Biển Đen – là không đúng sự thật.

Thổ Nhĩ Kỳ xếp hoạt động quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine là hành động 'chiến tranh'. Điều 19 của Công ước Montreux quy định đóng cửa eo biển đối với tàu của các bên tham chiến.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện Công ước Montreux một cách khách quan và tích cực kể từ năm 1936, đồng thời vẫn duy trì sự kiên định và lập trường có nguyên tắc trong suốt cuộc chiến này nhằm ngăn chặn căng thẳng leo thang ở Biển Đen.

Các đồng minh lâu dài của chúng tôi đã được thông báo một cách hợp lệ rằng, tàu dò mìn do Vương quốc Anh tài trợ cho Ukraine sẽ không được phép đi qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ để tới Biển Đen, chừng nào chiến sự vẫn tiếp diễn".

Nước NATO bất ngờ chặn đứng đồng minh tiếp ứng Ukraine: Nội tình quan trọng từ tin nhắn của ông Putin?- Ảnh 2.

Giới phân tích nhận định, quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ánh lựa chọn ngoại giao của nước này. Ảnh: KNewz

Tờ Independent cho biết, khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine tháng 2/2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã kích hoạt Công ước Montreux 1936.

Theo Công ước này, chỉ có tàu chiến của các bên không tham chiến mới có thể đi qua eo biển trong thời gian xung đột. Tuy nhiên, công ước cũng đề cập rằng, Ankara sẽ là bên có tiếng nói cuối cùng về việc di chuyển của tất cả các tàu chiến, nếu nước này nhận thấy mình có nguy cơ bị lôi kéo vào một cuộc chiến.

Do đó, quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh Nga đẩy mạnh các cuộc tấn công vào Ukraine ít nhiều vẫn gây tranh cãi.

UK Express dẫn lời phát ngôn viên giấu tên của Bộ Quốc phòng Anh cho biết, mặc dù việc di chuyển của các tàu dò mìn tới Ukraine bị ảnh hưởng nhưng "các thủy thủ Ukraine vận hành tàu vẫn có thể tiến hành khóa huấn luyện có giá trị cùng với các đồng minh của Anh và NATO".

Trong khi đó, theo nhà phân tích John Konrad, tác giả cuốn "Fire On The Horizon", quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ - mặc dù bề ngoài có vẻ bị hạn chế bởi công ước quốc tế - nhưng lại phản ánh rõ các lựa chọn ngoại giao của nước này, đặc biệt là đối với các quốc gia không tham chiến như Anh.

Quy định của Công ước Montreux đối với các tàu tham chiến "không áp dụng cho tất cả các loại tàu".

Ông Konrad đề cập tới dòng di chuyển ổn định của các tàu buôn cung cấp vũ khí cho lực lượng Nga và sự di chuyển tự do của các lực lượng phụ trợ cho Hải quân Nga (như tàu chở dầu quân sự mà Ukraine nhắm mục tiêu vào tháng 8 năm ngoái) qua eo biển Bosporus kể từ khi bắt đầu chiến tranh như một minh chứng cho điều này.

"Các tàu quét mìn hoàn toàn mang tính chất phòng thủ và không gây ra mối đe dọa lớn cho Hải quân Nga.

Trong bài viết gần đây đăng trên 'War on the Rocks', nhà phân tích quân sự Aaron Stein cho biết, việc sử dụng tàu quét mìn là nhằm tăng cường sự hiện diện của quân đồng minh ở Biển Đen.

Những con tàu này có thể đi qua Bosporus và Dardanelles do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát mà không vi phạm Công ước Montreux, đồng thời có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu ngũ cốc qua tuyến đường bao bọc bờ biển phía tây của Biển Đen" - Ông Konrad cho hay.

Theo nhà phân tích, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định họ đang áp dụng Công ước Montreux "một cách khách quan" để ngăn chặn leo thang ở Biển Đen thì quyết định chặn tàu của các quốc gia không tham chiến, như tàu dò mìn của Anh, lại dựa trên chính sách ngoại giao riêng biệt.

Quyết định này phản ánh chiến lược rộng lớn của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như hành động cân bằng giữa các cam kết của NATO và mối quan hệ với Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại