Loại cây gia vị, cây thuốc
TS. Ngô Đức Phương, Viện trưởng Viện thuốc nam cho biết, chanh là một loại cây quen thuộc, ở những vùng nông thôn hầu như nhà nào cũng có cây chanh ở trong vườn. Ngay cả thành thị, trên sân thượng hay ban công những căn nhà cũng xuất hiện nhiều cây chanh.
Không chỉ “làm cảnh”, cây chanh cũng là một loại cây gia vị, cây thuốc. Giữa mùa hè nắng nóng, một cốc nước chanh đường vừa giúp bổ sung năng lượng, vừa giúp giảm nhiệt nhanh chóng.
Trên bàn ăn bát gia vị vắt chanh cũng thường xuyên xuất hiện dùng chấm thịt, chấm rau, quả trong các bữa ăn. Bát bún, bát phở, tô mỳ cũng cần có chanh như là một loại gia vị thơm ngon không thể thiếu, hay đĩa thịt gà luộc, rang cũng thường được rắc lá chanh lên trên.
Không chỉ là gia vị, TS Đức Phương cho biết thêm tất cả các bộ phận từ cây chanh đều được dùng làm thuốc khá phổ biến như rễ, vỏ, thân, lá, quả và hạt.
Đối với lá chanh cũng dùng xông chữa cảm cúm, phối hợp với các vị thuốc khác để chữa ho gà. Ngoài ra, lá chanh cũng được cố lương y Nguyễn Kiều dùng trong bài Bình can tán gồm lá gai (100 phần), lá cối xay (50-80 phần), lá chanh (30-50 phần) và phèn phi (5-10 phần) để chủ trị ho gió, cảm cúm, nóng lạnh, các chứng bệnh thuộc can như đau đầu, mất ngủ, đau tức ngực sườn, miệng đắng, tiểu vàng sẫm, táo bón.
Đối với vỏ quả chanh, TS Ngô Đức Phương cho biết có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, chữa nôn mửa, đau tức ngực, ho đờm. Trong khi đó, rễ chanh được dùng phổ biến làm thuốc chữa ho, hen suyễn (dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác). Rễ chanh kết hợp với hạt chanh chữa rắn độc cắn. Hạt chanh cũng được dùng chữa rắn độc cắn và làm thuốc tẩy giun.
Ai không nên dùng nước chanh?
Trên thực tế, trong cây chanh, quả chanh được sử dụng nhiều nhất. Theo Đông y, quả chanh là loại trái cây rất giàu vitamin C, dưỡng chất tăng sức đề kháng của cơ thể để chống lại bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc.
TS Ngô Đức Phương đang hướng dẫn sinh viên về tác dụng của các loại thuốc nam |
Ngoài tác dụng thanh nhiệt, tiêu thực, chống viêm quả chanh còn trị chứng nội nhiệt, miệng khô khát, đau đầu, chóng mặt, khó ngủ, tăng huyết áp, chảy máu cam, chứng cảm cúm, đau đầu, phát sốt, các chứng liên quan đến nóng sốt, viêm nhiễm(quả chanh ngâm muối hoặc mật ong được dùng trong các trường hợp bị ho, viêm họng).
Tuy nhiên, các tài liệu đông y cũng nhấn mạnh không phải ai cũng dùng được nước chanh. Theo đó, cần hạn chế dùng nước chanh cho người có biểu hiện sợ lạnh, sợ gió, ho đờm loãng, tay chân lạnh, da mét, đoản hơi do "khí hư nội hàn thấp".
Trường hợp này nên dùng vị tác dụng ích khí giải biểu hóa đàm. Nếu dùng chanh mát thanh nhiệt, hệ lụy ảnh hưởng đến dương khí. Trường hợp đang sốt cao tự nhiên mồ hôi ra đầm đìa, tay chân giá lạnh "thoát dương" huyết áp tụt, lúc này cần ôn ấm hồi dương, nếu uống nước chanh mát thanh nhiệt dễ bị thoát dương nặng thêm, bệnh trầm trọng hơn.
Hay người hư nhược, già yếu xuất huyết nhiều nơi "do khí hư không cố nhíp được huyết". Phép trị chủ yếu bổ khí nhiếp huyết cũng không nên dùng nước chanh.