Nước biển ngày càng dâng cao nhưng nhiều hòn đảo tự nhiên lại... to ra? Cuối cùng chúng ta cũng biết lý do tại sao

JD |

Nhiều hòn đảo không còn vẹn nguyên nữa, nhưng một số lại to ra bất chấp nước biển dâng lên. Tại sao vậy?

Bấy lâu nay, các hòn đảo thấp ở Thái Bình Dương đã luôn được xếp vào danh sách gặp nguy hiểm, bởi tình trạng biến đổi khí hậu khiến mực nước biển dâng lên và dễ nuốt chửng chúng bất kỳ lúc nào.

Nhưng cùng với đó thì trong thập kỷ vừa qua, giới khoa học phải trăn trở về một hiện tượng lạ: một số hòn đảo thay vì bị nhấn chìm lại ngày càng to ra. Chẳng hạn như đảo Jeh - một hòn đảo ít dân thuộc quần đảo Marshall, nằm giữa Philippines với Hawaii.

Trong nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học nhận ra hòn đảo này đã tăng trưởng đến 13% diện tích kể từ năm 1943. Diện tích hòn đảo tăng lên do trầm tích lắng xuống từ các rạn san hô sẵn có - vốn là hiện tượng tự nhiên đối với các rạn san hô khỏe mạnh.

Nước biển ngày càng dâng cao nhưng nhiều hòn đảo tự nhiên lại... to ra? Cuối cùng chúng ta cũng biết lý do tại sao - Ảnh 1.
Nước biển ngày càng dâng cao nhưng nhiều hòn đảo tự nhiên lại... to ra? Cuối cùng chúng ta cũng biết lý do tại sao - Ảnh 2.

Đảo Jeh biến đổi theo thời gian

"Chúng ta có thể thấy hòn đảo này vẫn lớn lên, trong khi hầu hết các mô hình đều cho rằng chúng phải bị xâm thực" - trích lời Murray Ford, chuyên gia về hệ thống đảo san hô, đồng tác giả nghiên cứu từ ĐH Auckland (New Zealand).

Nghiên cứu do Ford và Paul Kench từ ĐH Simon Fraser (Canada) thực hiện. Họ so sánh diện tích hòn đảo dựa trên những tấm hình chụp trên cao từ năm 1943 đến 2015. Đồng thời, họ kiểm tra phóng xạ carbon - phương pháp để xác định niên đại - trong các mẫu trầm tích, và nhận ra chúng chỉ xuất hiện sau năm 1950. Nói cách khác, các phần đảo "trồi lên" thực chất vẫn còn rất mới.

Cùng lúc đó, mực nước biển toàn cầu cũng tăng lên. Dữ liệu cho thấy mực nước xung quanh quần đảo Marshall đã tăng ít nhất là 7mm/năm kể từ 1993. Nó cao hơn mực nước dâng trung bình toàn cầu (khoảng 2,8 - 3,6mm/năm).

Chuyện gì đã xảy ra?

Các hòn đảo san hô thường chỉ cao hơn mực nước biển khoảng 2m, nhưng mực nước dự tính lại tăng cao hơn con số ấy vào cuối thế kỷ 21. Năm 2018, một khảo sát tại Hoa Kỳ cho thấy sẽ có rất nhiều hòn đảo san hô không thể ở được nữa vào giữa thế kỷ này.

Năm 2019, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á Takehiko Nakao nhận định có 4 hòn đảo san hô - bao gồm Marshall, Tuvalu, Kiribati và Maldives - với tổng cộng hơn nửa triệu người sinh sống là những nơi chịu nhiều rủi ro nhất vì biến đổi khí hậu.

"Đối với các quốc đảo san hô, biến đổi khí hậu là mối đe dọa khẩn cấp, với các cơn bão nhiệt đới và mực nước biển dâng lên gây ảnh hưởng mạnh đến đời sống con người và cơ sở vật chất" - Nakao cho biết.

Nước biển ngày càng dâng cao nhưng nhiều hòn đảo tự nhiên lại... to ra? Cuối cùng chúng ta cũng biết lý do tại sao - Ảnh 3.

Nhưng trong thập kỷ vừa qua, nhiều nghiên cứu cho thấy một số hòn đảo đang lớn dần lên. Như năm 2010, một nghiên cứu chỉ ra rằng một số hòn đảo không hề bị xâm thực. Hay năm 2018, nghiên cứu trên 30 quần đảo san hô tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - bao gồm 709 hòn đảo riêng lẻ - đã xác định không có nơi nào bị giảm diện tích. Hơn 88% số đó hoặc có diện tích duy trì ổn định, hoặc tăng trưởng thêm.

"Nó giống như một mỏ vàng với giới nghiên cứu vậy" - Ford cho biết. "Các dấu hiệu là khá rõ ràng - không có hiện tượng xâm thực hàng loạt tại các quần đảo san hô ở Thái Bình Dương."

Ford nhận định, đây là nghiên cứu đầu tiên không chỉ cho thấy một hòn đảo tăng trưởng về kích cỡ, mà còn mang tính kết luận nữa.

"Đây là lần đầu tiên chúng ta được thấy một hòn đảo lớn lên như thế nào, và có thể kết luận thành phần làm nên nó là từ thời hiện đại - đến từ các rạn san hô quanh đó" - trích lời Ford.

Ý nghĩa lớn cho thế giới

Việc một số hòn đảo không bị nhấn chìm chẳng có nghĩa biến đổi khí hậu không phải vấn đề. Trái lại, đây vẫn là một câu chuyện cần quan tâm rất nhiều.

Trên thực tế, nghiên cứu do các chuyên gia tại ĐH Hawaii chỉ ra rằng các hòn đảo san hô phải đối mặt với vô số các vấn đề từ việc nước biển gia tăng. Nước biển dâng sẽ gây ra lũ lụt thường xuyên, xâm thực vào nguồn nước ngọt và khiến hòn đảo không thể ở được nữa. Hơn thế nữa, các nhà khoa học vẫn không rõ liệu các hòn đảo ấy có tiếp tục sản sinh trầm tích đủ nhanh để vượt qua mực nước hay không, và điều này phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố.

"Ngay cả trong một quốc gia cũng có sự khác biệt giữa phản ứng của các hòn đảo" - Haunani Kane, chuyên gia địa lý cho biết.

Và việc dự đoán là hết sức khó khăn. Bởi lẽ, đảo san hô được hình thành từ trầm tích, nhưng mức độ sản sinh trầm tích của các rạn san hô lại không giống nhau. Hơn nữa, biến đổi khí hậu cũng gây ảnh hưởng mạnh tới quá trình này - ước tính khoảng 70% - 90% các rạn san hô hiện nay được dự đoán sẽ biến mất trong 20 năm tới vì nước biển ấm lên, nồng độ acid gia tăng và ô nhiễm môi trường.

Ford cho biết, giới khoa học vẫn chưa thể nắm được các mốc thời gian các rạn san hô mất đi - có thể là hôm nay, có thể sang năm, cũng có thể là thập kỷ kế tiếp hoặc hơn - và điều này sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến khả năng sản sinh trầm tích của đảo. Nhưng với những người đang sống ở đó, nguy cơ mất nhà cửa đang hiển hiện.

Nguồn: CNN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại