Nước biển miền Trung an toàn để tắm, nuôi trồng thủy sản

Đình Thức |

Theo các nhà khoa học, nước biển miền Trung đã an toàn, người dân có thể tắm và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, các loại cá ở đây ăn được hay chưa thì cần có sự vào cuộc của Bộ Y tế.

Sáng nay (22/8), Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.

Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, chủ trì hội nghị.

Nước biển miền Trung an toàn để tắm, nuôi trồng thủy sản - Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị

Giáo sư Mai Trọng Nhuận, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho hay nhóm nghiên cứu sự cố đã thực hiện 6 phương pháp tiếp cận.

Các nhà khoa học đã quan trắc nước biển ở tầng mặt, tầng giữa, tầng đáy, trầm tích, màng bám keo, hệ sinh thái và các sinh vật biển.

Nhóm nghiên cứu đã lấy 211 mẫu ở các điểm.

Về mẫu nước, có tất cả 36 tuyến khảo sát với tổng số 146 điểm lấy mẫu trên tổng chiều dài khoảng 348 km biển, trong đó 32 tuyến khảo sát ra đến độ sâu 30 m; 96 điểm quan trắc (64 điểm ven bờ cách bờ biển từ 1,5 đến 5 km, 32 điểm gần bờ cách bờ biển 10 km).

Có 4 tuyến khảo sát đặc biệt ra đến độ sâu 60 m nước với tổng số 44 điểm quan trắc (8 điểm ven bờ, 36 điểm gần bờ); 6 điểm quan trắc trong các đầm phá, làng ven bờ như Tam Giang - Cầu Hai, Lập An.

Thông số quan trắc căn cứ quy chuẩn Việt Nam và các thông số đặc trưng của sự cố môi trường như Phenol, Cn, Fe…

Kết quả đánh giá cho thấy chất lượng nước biển nằm trong giới hạn cho phép.

Các nguyên nhân gây ra sự cố cá chết hàng loạt ở các tỉnh ben biển miền Trung được xác định là do tổng phenol, xyanua, sắt... Trong đó, sắt và Xyanua có xu hướng giảm giá trị từ tháng 5-2016 đến tháng 6-2016.

Ngoài ra, tổng phenol tăng từ tháng 5 đến tháng 7-2016 nhưng giảm dần trong tháng 8-2016.

Ông Mai Trọng Nhuận cho biết, Bộ Y tế đã và đang đánh bắt chất lượng hải sản đánh bắt ở vùng biển các tỉnh miền Trung từ tháng 4 đến tháng 8-2016.

Kết quả đánh giá của Bộ Y tế cho thấy hải sản có nhiễm một số chất ô nhiễm. Tuy nhiên, hàm lượng một số chất ô nhiễm đang giảm dần theo thời gian. Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ tiếp tục giám sát, kiểm nghiệm chất lượng hải sản đánh bắt từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trong thời gian tới.

PGS, Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường, cần tăng cường giám sát môi trường biển xung quanh Formosa để không xảy ra sự cố tương tự. Cần xây dựng trạm quan trắc tự động.

"Không cần quan trắc nhiều điểm, nhiều tiêu chí mà tập trung quan trắc vị trí gần Formosa, các chỉ tiêu gây sự cố", Phó giáo sư Tuyên đề nghị.

Tiến sĩ Frirdhelm Schroeder đến từ Viện ngiên cứu tài nguyên môi trường Đức cho hay, ông được Chính phủ và lãnh đạo Bộ TNMT Việt Nam mời qua nghiên cứu đánh giá tác động môi trường biển miền Trung sau sự cố cá chết hàng loạt.

"Tôi đã thảo luận rất kỹ với các nhà khoa học Việt Nam. Những góc tiếp cận và phương pháp nghiên cứu cơ bản tiếp cận với trình độ thế giới. Tôi khẳng định nước biển miền Trung đang nằm trong ngưỡng an toàn, người dân có thể tắm thoải mái. Chiều nay, nếu có cơ hội tôi sẽ ra tắm biển để chứng minh điều này", ông Frirdhelm Schroeder nói.

Về hải sản, tiến sĩ Frirdhelm Schroeder cho hay, số liệu quan trắc của nhóm nghiên cứu cho thấy cá nhỏ bắt đầu phát triển. Tuy nhiên, loại cá này người dân ăn được hay chưa thì cần phải có sự vào cuộc của Bộ Y tế.

"Các chuyên gia phải lấy mẫu hải sản ở từng vùng biển mà ngư dân đánh bắt để phân tích thì mới kết luận được. Trên thực tế, vùng biển hầu hết đã an toàn nhưng một số điểm vẫn còn dao động về nồng độ các chất nên phải theo dõi", tiến sĩ Frirdhelm cho biết.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại