Trung tâm thủ đô Manila (Philippines) bị đe dọa bởi nước biển dâng lên
Đe dọa sự tồn vong quốc gia
Phát biểu khai mạc ngày 14-2 (giờ địa phương), Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres cho rằng, nước biển dâng đang gây ra những nguồn cơn mới về bất ổn định và xung đột. Lấy dẫn chứng về việc một số quốc gia ven biển đã phải ghi nhận cấp độ nước biển dâng nhanh gấp 3 lần, ông Guterres cảnh báo trong vài thập niên tới, một số cộng đồng sinh sống ở vùng thấp so với mực nước biển có thể biến mất mãi mãi. Sẽ xuất hiện dòng người di cư, tránh nước biển dâng, trong khi cạnh tranh về đất đai, nước ngọt và các nguồn lợi tài nguyên khác sẽ gay gắt hơn.
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc nhận định, nước biển dâng gây tác động ở nhiều tầng nấc, bởi hiện tượng này hủy hoại khả năng tiếp cận đối với nước ngọt, lương thực, chăm sóc y tế. Cùng lúc, xâm nhập mặn có thể tước đoạt nhiều việc làm, ảnh hưởng đến các ngành nông nghiệp, thủy sản, du lịch; gây tác hại, thậm chí là hủy diệt hạ tầng thiết yếu như giao thông vận tải, bệnh viện, trường học. Nước biển dâng vừa là thách thức, vừa là tác nhân gia tăng khủng hoảng, tàn phá hệ sinh thái, tác động tới phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tiêu cực tới việc tiếp cận nước sạch, lương thực, y tế và đời sống của người dân và đe dọa sự tồn vong của nhiều nước.
Một số quốc đảo ở Thái Bình Dương trải qua mực nước biển dâng cao gấp 4 lần so với mức trung bình toàn cầu. Vùng hạ nguồn sông Mê Công là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề và rõ ràng nhất của nước biển dâng và xâm nhập mặn. Ông Guterres cảnh báo, trong điều kiện nhiệt độ Trái đất ấm lên, các nước từ Bangladesh cho tới Trung Quốc, Ấn Độ, Hà Lan đều đứng trước nguy cơ chịu tác động của nước biển dâng. Nhiều đại đô thị cũng sẽ đối mặt với thách thức nghiêm trọng, nhất là các thành phố như Lagos, Bangkok, Mumbai, Thượng Hải, London, Buenos Aires và New York.
Lấy con người làm trung tâm
Mặc dù mức độ nghiêm trọng và tác động của mực nước biển dâng sẽ khác nhau giữa các quốc gia và khu vực, nhưng đây là một hiện tượng có ý nghĩa đối với tất cả các quốc gia và sẽ đặt ra các mối đe dọa hòa bình và an ninh cụ thể đối với toàn bộ cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh đó, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc kêu gọi thế giới cùng hành động trên một số mặt trận. Đó là mở rộng hiểu biết cho cộng đồng toàn cầu về nguyên nhân gây mất an ninh, xử lý tác động của nước biển dâng trong các khuôn khổ về luật pháp và quyền con người.
Tại phiên họp, ông Zhang Jun, Đại diện Thường trực của Trung Quốc tại Liên hiệp quốc, lưu ý rằng, biến đổi khí hậu đang làm tăng tần suất của các hiện tượng thời tiết cực đoan và là nguyên nhân gốc rễ của nước biển dâng. Hãng tin THX dẫn lời ông Zhang Jun kêu gọi cộng đồng quốc tế không được chậm trễ, có ý thức cấp bách hơn, nắm bắt cơ hội để thực hiện mọi hành động cần thiết và ngăn chặn biến đổi khí hậu gây ra những thảm họa không thể đảo ngược cho nhân loại.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hiệp quốc, tái khẳng định Việt Nam hiểu rõ những tác động tiêu cực của nước biển dâng đến kinh tế - xã hội, hòa bình, an ninh và sự tồn vong của nhiều quốc gia. Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho rằng, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng cần có biện pháp toàn diện, lấy con người làm trung tâm; các cơ quan liên quan của Liên hiệp quốc cần tăng cường vai trò và điều phối hoạt động trong vấn đề này.